Thông điệp trên được Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ giới trí thức ngày 28.5.
‘TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh’
Thông điệp trên được Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ giới trí thức ngày 28.5.
Để biến mong muốn này thành hiện thực, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra hàng loạt vấn đề và mong muốn các nhà trí thức, giới khoa học tìm lời giải giúp TP phát triển mạnh hơn và bền vững.
Chuyển một phần đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định đội ngũ trí thức TP.HCM hiện rất lớn, là tài nguyên tạo ra sự phát triển của TP. TP.HCM muốn phát triển bền vững, chất lượng cao thì phải bằng con đường đổi mới sáng tạo và phải sử dụng được nguồn chất xám này. Ông Phong cho biết, TP.HCM đã thành lập hội đồng khoa học, tập trung những nhà khoa học tâm huyết. Những vấn đề lớn, hóc búa của TP đều được lấy ý kiến của hội đồng khoa học. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã thành lập hội đồng hiệu trưởng của các trường ĐH với hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ để gắn kết chính quyền với các trường ĐH. “TP.HCM cũng đang triển khai nhiều đề án nhằm xây dựng TP thông minh. Muốn xây dựng TP thông minh thì cần phải có con người thông minh, lãnh đạo cũng cần phải thông minh”, ông Phong nói.
Theo ông Nhân, TP.HCM là một TP về dịch vụ – công nghiệp nhưng cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Thống kê năm 2015 cho thấy, diện tích đất nông, lâm, ngư nghiệp ở TP chiếm tỷ lệ 56,3% tổng diện tích đất nhưng chỉ đóng góp 6.494 tỉ đồng cho GDP (chiếm tỷ trọng 0,89% GDP). Trong khi đó, đất công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 6,8% nhưng đóng góp 726.978 tỉ đồng cho GDP (chiếm tỷ trọng 99,11% GDP TP.HCM). Một héc ta đất nông, lâm, ngư nghiệp chỉ đem lại giá trị gia tăng khoảng 55 triệu đồng/năm; trong khi đất công nghiệp, dịch vụ đem về gần 51 tỉ đồng/năm, cao gấp 926 lần. Từ đó, ông Nhân đặt ra vấn đề cần nghiên cứu để chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. “Bên cạnh việc giữ rừng, giữ hệ sinh thái, TP.HCM cũng phải tính toán lại quỹ đất cho những mục đích sử dụng, sao cho phù hợp và phát huy cao nhất tiềm năng”, ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng nêu lên những thực trạng mà TP đang gặp, cần giải quyết gấp như tình trạng gia tăng dân số, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong hơn 40 năm qua, dân số TP.HCM liên tục gia tăng trong khi quỹ đất không thay đổi. Dự báo, đến năm 2020 TP.HCM sẽ thải ra khoảng 3,6 triệu tấn rác sinh hoạt mỗi năm, đến năm 2030, con số này là 4,7 triệu tấn. “Đây là thách thức rất lớn, nếu tiếp tục xử lý chất thải bằng cách chôn lấp thì hậu quả sẽ ra sao? Vì vậy, TP.HCM cần phải có công nghệ cao xử lý rác để đem lại hiệu quả cao nhất”, ông Nhân đề nghị và yêu cầu nghiên cứu để có chính sách giãn dân, quy hoạch lại giao thông để kéo giảm tình trạng kẹt xe.
Bí thư Thành ủy TP cũng mong muốn các nhà trí thức, khoa học nghiên cứu để giải quyết các vấn đề khác trong lĩnh vực kinh tế, xã hội như: Làm sao để kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn nữa, tăng năng suất lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng hiệu quả hơn nguồn kiều hối, giảm tội phạm hình sự. Đặc biệt, ông Nhân quan tâm đến vấn đề phát huy nguồn lực con người. Theo ông, điều quan trọng là chính quyền phải trong sạch, vững mạnh, cán bộ công chức phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng, đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ pháp luật, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá công việc và đạo đức cán bộ.
Theo ông Nhân, TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến. Như vậy, TP.HCM phải xây dựng chính quyền thông minh, thể hiện qua việc quy hoạch thông minh, điều hành thông minh; công dân thông minh, mỗi người dân là một cảm biến xã hội, hiến kế cho TP; doanh nghiệp thông minh, đồng hành với chính quyền TP trong việc quy hoạch và phát triển; dịch vụ thông minh, theo nhu cầu của xã hội, hỗ trợ cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Giảm xe cá nhân phải có lộ trình và minh bạch
Tại buổi gặp, các trí thức, nhà khoa học, doanh nhân đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp nhằm giải các bài toán mà ông Nhân đã đặt ra. Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường – Cảng TP.HCM, nêu lên 5 kiến nghị giải quyết các vấn đề giao thông, đô thị. Trong đó, ông đề nghị TP phải tăng cường năng lực vận tải của phương tiện giao thông công cộng, đổi mới chính sách quản lý giao thông công cộng và đề ra các chính sách quản lý giao thông thông minh. “Vấn đề hạn chế xe cá nhân, TP.HCM cần sớm có lộ trình hợp lý và minh bạch, có giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể”, ông Trường đề xuất.
PGS-TS Hoàng Nam, Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng TP.HCM là trung tâm về công nghệ nhưng vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn. Chương trình xây dựng TP.HCM thông minh sẽ không thành công nếu không có sự tham gia của đội ngũ trí thức. Theo PGS-TS Hoàng Nam, hiện nay cơ sở dữ liệu của TP đã có nhưng không tập trung mà nằm rải rác. “Ở các TP lớn trên thế giới, cơ sở dữ liệu được tập trung và các doanh nghiệp đều có thể truy cập để tìm hiểu thông tin mà họ cần. Tôi biết nhiều nhà đầu tư Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á, trong đó có VN, nhưng do cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và kỹ thuật công nghệ không đáp ứng được nên họ phải chuyển sang nước khác”, PGS-TS Hoàng Nam nói.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, ông Trần Hữu Toàn, Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, cho rằng phong trào khởi nghiệp TP.HCM thời gian qua chỉ mới dừng ở mức tạo động lực mà chưa đi vào thực chất, người khởi nghiệp cũng chưa dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. “TP.HCM cần có cơ chế đột phá để đào tạo ra những nhà điều hành một cách bài bản, tháo bỏ cơ chế để các trường có thể tự đưa ra chương trình kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên. Về nguồn vốn vay, TP.HCM cũng cần thay đổi cơ chế để người khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn”, ông Toàn đề nghị.