Chúa nhật Chúa Thăng Thiên, năm A – 2017: Sống tình trạng lên trời với Chúa Giêsu
Tinh thần hội nhập của Công đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng: nơi Đức Giêsu Kitô, trời hoà với đất, Chúa hoà nhập với người, tinh thần và thể xác hoà nhập thành một trong con người.
Sống tình trạng lên trời với Chúa Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu cũng là cuộc lên trời của mỗi người chúng ta.
1. Lên trời nghĩa là gì?
Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 659-667, 2794-2796) mà Đức Giêsu đi vào trong đó để dẫn chúng ta theo. Người về trời là về với Chúa Trời, Người thăng thiên là về với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nên “tình trạng trời” cũng ở khắp mọi nơi. Ngay khi Chúa Giêsu sống lại, thân xác của Người không bị chi phối bởi vật chất, không gian và thời gian nên Người có thể kết hợp lập tức và trọn vẹn với Chúa Cha. Người đã về trời ngay lúc đó.
Nhưng cuộc lên trời được thánh Luca kể trong Bài Đọc I (x. Cv 1,9-11) có nghĩa là: sau những lần hiện ra một cách hữu hình trong 40 ngày, Chúa Giêsu đã chấm dứt tình trạng đó. Người không còn hiện ra với thân xác cụ thể cho một vài môn đệ nữa để Người có thể hiện ra cho tất cả chúng ta, giúp ta cảm nghiệm được tình trạng sống động kỳ diệu của Người, nếu ta kết hợp mật thiết với Người. Đó là tình trạng về trời với Chúa Giêsu.
Hơn nữa, Người cũng kéo mọi người chúng ta về trời với Người vì ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. Ep 1,17-23) đã nói Giáo Hội là Hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người chúng ta cũng được chia sẻ thần tính cao cả của Người, đi vào một tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong đời sống trần thế như đời sống của nhiều tín hữu đã chứng minh: thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như Phanxicô Khó nghèo, Gioan Thánh Giá, Catarina de Sienna… cảm nghiệm được trời trong những cơn xuất thần; còn thánh Têrêsa Calcutta lại thấy trời giữa lòng xã hội với những con người khốn khổ, bệnh tật.
2. Vài ứng dụng trong đời sống
Nói đến đây, tôi nhớ lại tình trạng của một vài anh chị em đến xin cầu nguyện cho linh hồn đã nhập vào thân xác của họ như dấu chỉ của mầu nhiệm hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, nhớ đến buổi lễ cầu siêu giải oan cho các hồn ma của những vị sư, ni, nhớ đến trang thờ bên vệ đường của những nạn nhân xấu số.
Khi con người chưa được siêu thoát, tức là chưa về trời với Chúa Giêsu, họ phải gắn bó vào một nơi chốn, một thời điểm hay một con người nào đó. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết chị Phan Thị Bích Hằng, một nhà ngoại cảm, kể rằng chị thấy nhiều hồn ma đứng ngồi và sinh hoạt trong các nghĩa trang. Khi lên chiến trường Điện Biên Phủ, dù cuộc chiến đã kết thúc nhiều năm, nhiều nhà ngoại cảm vẫn thấy những hồn ma ấy còn vất vưởng trên những cây cối hay bên dòng suối… . Một gia đình ở bên cạnh Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM mời tôi đến cầu nguyện cho hồn các thai nhi còn nuôi lòng oán hận những người nỡ giết chết mình và các cháu đến trú ngụ trong gia đình đó.
Thời trước bàn đến chuyện như thế sẽ bị cho là lạc đạo, mê tín. Tuy nhiên, số 130 của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, xuất bản năm 2004, đã dạy ta về điều này: khi chúng ta gắn bó với Chúa là Tinh thần Tuyệt đối, chúng ta cũng có thể dùng tinh thần mở ra đến siêu việt của mình để gặp gỡ những tinh thần khác và giúp họ siêu thoát, nghĩa là đem ơn cứu độ cho họ qua việc rao giảng Tin Mừng (x. 1Pr 3,19-20).
Con người của chúng ta cũng thế. Nếu bám vào một thứ vật chất nào đó, như những người nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu bia, phim đồi truỵ hay tìm thoả mãn dục vọng, người ta có thể cảm thấy sung sướng như được lên trời trong giây lát. Nhưng đó không phải là trời thật sự vì chúng làm cho ta bất an, lệ thuộc, tàn tạ, chết chóc. Còn khi ta vượt lên trên những vật chất, tham vọng, dục vọng để gắn bó mật thiết với Chúa, chúng ta sẽ được Ngài chuyển thông sự sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, niềm vui vô tận, quyền năng lạ lùng. Lúc đó chúng ta cảm thấy mình như lên trời với tâm trí nhẹ nhàng, thanh thoát. Đó cũng là tiềm năng để ta đưa trời hay đưa Chúa vào lòng người và trần thế hiện nay.
3. Đưa trời vào giữa lòng người và trần thế hiện nay
Do hiểu lầm “trời xa đất, Chúa xa người, tinh thần xa thể xác” nên không ít tín hữu, thậm chí có cả những người lãnh đạo tôn giáo, đã giữ thái độ thoát tục, xa cách con người và trần thế vì nghĩ rằng như thế mới có thể gắn bó với Chúa, với trời. Nhất là họ được hỗ trợ bởi những câu Kinh Thánh bị giải thích theo ước muốn riêng tư như: “Anh em không thuộc về thế gian này và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,19) hoặc: “ Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Những môn đệ đó đang cần những thiên thần lay tỉnh họ: “Sao còn đứng mãi nhìn trời” (Cv 1, 11).
Tinh thần hội nhập của Công đồng Vaticanô II, nhất là qua Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes nhắc nhở chúng ta rằng: nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, thì trời hoà với đất, Chúa hoà nhập với người, tinh thần và thể xác hoà nhập thành một trong con người. Vì thế, người tín hữu được mời gọi dấn thân vào mọi lĩnh vực: xã hội, văn hoá, kinh tế, khoa học, chính trị cũng như tham gia vào mọi hoạt động của con người nơi trần thế để biến vũ trụ này thành thiên đàng, thành Nước Trời, nơi có tình yêu, hoà bình, chân lý và công bình ngự trị (x. Gaudium et Spes, số 39, 72, 76, 93). Việc hội nhập này được sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo diễn tả trong chương 12 nhằm xây dựng một nền văn minh tình yêu cho cộng đồng nhân loại.
Cuốn Docat (Nên làm gì) còn giải thích cho chúng ta rõ hơn: “Ơn cứu độ, nghĩa là hạnh phúc trọn vẹn và sự viên mãn tột đỉnh dành cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, không phải là điều chỉ vài người mới đạt được. Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được cứu độ. Sự cứu độ giải phóng con người trong mọi chiều kích của mình: tinh thần và thân xác, cá nhân và xã hội, nơi lịch sử trần thế của mỗi người và vĩnh viễn trên thiên quốc. Sự cứu độ này đã bắt đầu trong dòng lịch sử, như thế nghĩa là ngay trong dòng thời gian nơi chúng ta tìm thấy chính mình. Tuy nhiên, sự cứu độ chỉ hoàn toàn trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng” (x. Docat, Câu số 17).
Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta, nhất là của các linh mục, tu sĩ và các giáo dân ưu tuyển, là đưa trời vào đất, đưa Chúa Trời vào lòng người và trần thế hiện nay để tất cả cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ khi làm được như thế, chúng ta mới chứng minh được niềm tin của mình vào Thiên Chúa thật sự mang lại hiệu quả và hữu ích cho con người và xã hội.
Kết luận
Vì thế, Đức Giêsu mới nói với chúng ta hôm nay: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người bảo đảm cho ta có thể cảm nghiệm tình trạng lên trời khi kết hợp với Người.