28/11/2024

Chúa Nhật IV PS A – 2017: Đức Giêsu Phục Sinh là Cửa Chuồng Chiên

Khi nhìn vào đất nước và GHCG Việt Nam với nhiều vấn đề và thách đố, chúng ta không thể sống an thân hay phó mặc cho định mệnh đẩy đưa mà nhiều khi gọi là ý Chúa. Chúng ta có thể làm gì?

 

Đức Giêsu Phục Sinh là Cửa Chuồng Chiên         

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu như vị mục tử nhân lành và cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục – tu sĩ. Có lẽ chúng ta nên dành ít phút nhìn vào đồng cỏ nước Trời, nhìn vào cánh đồng truyền giáo nơi trần thế này để xem tình trạng các linh mục, tu sĩ Việt Nam hiện nay sống ra sao và mỗi người chúng ta có thể làm gì giúp đỡ ơn thiên triệu.

1. Tình trạng ơn gọi linh mục, tu sĩ hiện nay

1.1. Trên thế giới với Giáo Hội toàn cầu

Nếu mở cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016 ra, chúng ta thấy rất nhiều số liệu cần thiết về tình trạng linh mục, tu sĩ và giáo dân trên khắp thế giới cũng như ở Giáo hội Việt Nam. Tính đến năm 2014, dân số thế giới là trên 7 tỉ người, người Công giáo có 1 tỉ 250 triệu người (đạt 17, 68% dân số thế giới). Toàn bộ những người theo Đức Kitô, gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo… cộng thêm khoảng 900 triệu nữa, tức là có khoảng 2 tỉ 200 triệu người tín hữu Kitô. Số linh mục trên toàn thế giới là 415.348 người, nam nữ tu sĩ trên thế giới khoảng 750.000 người (trong đó có 55.253 tu sĩ nam và 693.575 tu sĩ nữ) (x. Niên Giám, tr 165-166).

Nếu so sánh với 55 năm trước đây, vào năm 1962, số linh mục, nhất là các tu sĩ, quả thật đã sa sút. Số linh mục triều và dòng lúc đó là 421.609, số tu sĩ gần 1,2 triệu người, trong đó có 1.012.573 nữ tu và 129.303 nam tu, và người Công giáo lúc bấy giờ có hơn 558 triệu người trên dân số toàn cầu là 3, 068 tỷ, chiếm 18,2% (Xem Niên Giám Việt Nam Công Giáo 1964, tr 139). Như vậy các con số cho chúng ta thấy có một khủng hoảng về ơn gọi linh mục cũng như  tu sĩ và hiệu quả truyền giáo thấp kém.

1.2. Trong Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN)

Nhìn vào Giáo hội Công giáo Việt Nam, chúng ta phải cám ơn Chúa vì có ơn gọi linh mục và tu sĩ nhiều nhất thế giới. Vào đầu năm 2016, GHCGVN có 5.197 linh mục triều và dòng, 4.854 chủng sinh, 18.862 tu sĩ nữ và 4.524 tu sĩ nam, 6.756.303 tín hữu Công giáo trên tổng dân số cả nước là 95.340.779 người, chiếm gần 7% dân số  (x. Niên Giám GHCGVN 2016, trang 480-481). Nều tính từ năm 1962, Giáo Hội CGVN có 1.523 linh mục triều, 293 linh mục dòng và thừa sai, 533 đại chủng sinh 956 tu sĩ nam, 4.977 tu sĩ nữ, với số tín hữu là 2.151.370 trên tổng số khoảng 30 triệu dân chiếm khoảng gần 7% (x. Niên giám 2016, tr 190). Như thế là số linh mục tu sĩ ở Việt Nam không ngừng gia tăng trong 55 năm qua nhưng kết quả truyền giáo vẫn giữ nguyên gần 7% trong suốt 130 năm qua.

2. Một vài  thách đố cho đời linh mục và tu sĩ

Nhiều vấn đề đang đặt ra cho các linh mục cũng như tu sĩ sống và làm việc ở Việt Nam. Hiện nay, GHCGVN có khoảng 2.800 giáo xứ có linh mục triều hoặc dòng phụ trách, như vậy hiện có khoảng hơn 1.000 linh mục không có xứ đạo để chăm sóc giáo dân. 10 năm nữa chúng ta sẽ có khoảng 10.000 linh mục và số giáo xứ chỉ phát triển đến khoảng 3.500 giáo xứ, vậy sẽ thừa ra khoảng 5 ngàn linh mục không có xứ đạo. Vậy các linh mục này sẽ làm gì nếu tình hình truyền giáo không có kết quả tốt hơn? Các linh mục có được chuẩn bị dấn thân vào các lĩnh vực khác thay vì chỉ chuyên trách trong lĩnh vực mục vụ giáo xứ? Nếu không dự liệu trước sẽ xảy ra tình trạng quá dư linh mục dẫn tới việc tranh giành xứ đạo lớn nhỏ, gần thành phố, ngại dấn thân vào vùng sâu, vùng xa nghèo khổ như đã bắt đầu xuất hiện. Nếu hướng đến việc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số, hay cho các nước khác thì việc đào tạo trong các đại chủng viện sẽ phải chuẩn bị và thay đổi như thế nào để các linh mục Việt Nam làm việc hiệu quả tại nước ngoài?

Với số tu sĩ 23.000 người hiện nay, nhiều dòng tu dù không phải chuyên ngành giáo dục vẫn phải mở trường mẫu giáo, nhà trẻ để kiếm sống. Công việc dạy học như vắt kiệt sinh lực của họ và làm cho nhiều người không còn tha thiết với các lĩnh vực khác như dạy giáo lý, sinh hoạt hội đoàn, hoặc lĩnh vực y tế, xã hội, từ thiện…vì phải cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều trường mẫu giáo của các dòng tu còn phải cạnh tranh nhau. Hiện nay cũng như trong tương lai, Nhà Nước đang cố gắng tham gia vào lĩnh vực mẫu giáo với những trường lớp và cơ sở to lớn hơn, đầy đủ phương tiện hơn và dùng cả những sức ép của luật pháp và quyền lực để thu hút học sinh vào các trường mẫu giáo công lập. Vậy các tu sĩ sẽ sống như thế nào, cần đào tạo họ ra sao để có thể sống tốt đẹp và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu giữa lòng xã hội? Nếu 10 năm nữa số tu sĩ tăng đến 35.000 – 40.000 người, số tu sĩ thừa ra đó sẽ sống như thế nào? Cần trợ giúp các tu sĩ và các linh mục như thế nào để họ có thể theo học tất cả các ngành khoa học, tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống như các linh mục và tu sĩ Hàn Quốc đã làm và làm rất thành công để Phúc Âm hoá xã hội?

Khi nhìn vào đất nước và GHCG Việt Nam với nhiều vấn đề và thách đố, chúng ta không thể sống an thân hay phó mặc cho định mệnh đẩy đưa mà nhiều khi gọi là ý Chúa. Đức Giêsu đã giao phó cho mỗi tín hữu nhiệm vụ mục tử để chăn dẫn đàn chiên Chúa, nên dù là mục tử cộng đồng như các giáo dân hay thừa tác như hàng giáo phẩm và giáo sĩ, chính chúng ta phải sống ơn gọi của mình cách tốt đẹp và trọn vẹn để có thể phục vụ dân Chúa cách hiệu quả?

3. Lời giải đáp chỉ tìm được nơi Chúa Giêsu

Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng “Người là cửa cho chiên ra vào” (Ga,10, 7), “Ai qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,2). Tất cả chúng ta, nhờ bí tích Rửa Tội nhân danh Đức Giêsu Kitô, bí tích Thêm Sức và tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta đều nhận được rất nhiều ơn lành để làm thành đoàn chiên Chúa như cộng đoàn giáo hội ban đầu ở Giêrusalem. Từng tín hữu giáo dân đều được kêu gọi làm mục tử để cùng nhau chăm sóc đàn chiên của Chúa, vì chúng ta gắn bó với Giáo Hội là Hiền thê của Chúa Kitô. Đó là ơn gọi làm mục tử cộng đồng. Bài đọc I (x. Cv 2, 36-41) diễn tả sự kiện này.

Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để đi qua một cửa duy nhất là chính Chúa Giêsu Kitô. Chỉ đi qua cửa này chúng ta mới nhận được ơn cứu độ và chia sẻ ơn cứu độ ấy cho người khác. Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ… Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 9-10). Cánh cửa mà chúng ta ép mình đi qua gợi ý cho chúng ta rằng Đức Giêsu là nguyên tắc, là khuôn mẫu, là cội nguồn mà chúng ta phải tuân giữ, phải noi theo, phải đến kín múc mọi ân phúc cho sự sống dồi dào Người ban như thánh Phêrô nhắc nhở trong Bài Đọc II (1Pr 2,20-25) : “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”.

Chúng ta hãy ra vào qua cánh cửa Giêsu, nhìn lại các nguyên tắc sống của Người và so sánh với cuộc sống của ta, nhìn lại xem chúng ta đã tận dụng được những ân phúc của Thánh Thần ban cho chúng ta chưa để làm chứng cho sự sống dồi dào của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh hiện nay. Hàng triệu người nghèo đói, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy hoá bánh cá ra nhiều. Hàng chục triệu người đau ốm, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy chữa lành cho họ. Hàng trăm ngàn người bị ma quỷ kiềm chế, với đam mê nghiện ngập đủ loại như ma tuý, cờ bạc, rượu chè, trai gái, phim ảnh đồi truỵ, nghiện game…, Chúa Giêsu mời gọi ta giải thoát cho họ. Ta chỉ có thể dẫn họ vào đồng cỏ sự sống dồi dào nếu ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và thở hít được Thần Khí của Người.

Kết luận

Đó là thách đố đặt ra cho tất cả những vị mục tử hôm nay.