Chống kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AID: Giáo Hội đã tiến bộ như thế nào?
Như Thánh Gioan Phaolô II thường khuyến khích chúng ta trong suốt Đại Năm Thánh 2000, tôi ý thức sâu sắc về sự cần thiết phải đi vào chỗ “sâu” để “lưới cá” – duc in altum . Suy niệm đó dần dần giúp tôi hiểu rõ hơn, chúng ta với tư cách cá nhân cũng như với tư cách là cộng đồng những người tin vào Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã được thách thức và đào tạo ra sao trong ba thập niên rưỡi kể từ khi chúng ta gặp cơn đại dịch này. Tôi hy vọng rằng suy tư của tôi sẽ gợi lên những tiếng vang chung trong tâm trí và trái tim của các anh chị khi chúng ta gia nhập nhóm những môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu trên đường Emmau, một cuộc hành trình đã cung cấp cho họ lời hứa về niềm hy vọng và tình yêu vĩnh cửu và tiếp tục làm như vậy với chúng ta, những môn đệ của Người trong thế giới ngày nay.
Tại sao việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đặt ra thách đố chấm dứt AIDS với tính cách một mối đe dọa sức khỏe của công chúng? Giáo Hội đã tiến bộ như thế nào về phương diện này?
Đức Ông Robert J. Vitillo
Cố vấn đặc biệt về y tế và HIV
Tại Diễn đàn lần thứ X của Fundación Eudes
ngày 27 tháng 11 năm 2015, Bogota, Colombia
Kính thưa anh chị em,
Tôi chào đón các anh chị trong ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần! Đối với tôi đây là một vinh dự lớn được tham gia cùng với anh chị em Diễn đàn Fundación Eudes lần thứ X này, tổ chức với sự hợp tác của Coproación Universitaira Minuto de Dios (UNIMINUTO) (Đại học Minuto de Dios của Colombia), Pontifica Universidad Javeriana de Colombia (Đại học Giáo hoàng Javeriana của Colombia) và Gobernacion de Cundinamarca (Chính quyền Khu Tự trị Cundinamarca). Tôi rất biết ơn Cha Bernardo Vergara và René Rey đã có nhã ý mời tôi chia sẻ niềm vui mà các anh chị đang cảm thấy, là kết quả công việc phục vụ đầy yêu thương, thông cảm và không xét đoán những con số rất có ý nghĩa, khoảng 25.000 những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất, đang sống với và chịu ảnh hưởng bởi HIV và AIDS tại Bogota và trong bốn thành phố khác của Colombia. Thực tế, hơn hai mươi năm về trước, tại Bogota, tôi đến thăm một trong những ngôi nhà chào đón do Cha Bernardo lập và tôi thường nói với những người trong chuyến thăm Mỹ Latinh của tôi và nhiều nơi khác trên thế giới, về tình yêu và sự chấp nhận mà tôi đã chứng kiến ở đó. Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ ý nghĩa của thách đố, thậm chí của thất vọng, mặc dù có tiến bộ trong cách ứng phó Y-Sinh học đối với bệnh dịch HIV, chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách đố lớn về việc giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử những người sống với và bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS, cả trong Giáo Hội lẫn trong xã hội. Cuối cùng, tôi cầu xin sự kiên nhẫn và tha thứ của các anh chị vì tôi không nói được lưu loát tiếng Tây Ban Nha của các anh chị; tôi đã học ngôn ngữ này trong khi phục vụ các nhu cầu của những người tị nạn Cuba ở Hoa Kỳ nhưng chưa bao giờ chính thức học tiếng Tây Ban Nha ở trường lớp.
Để tìm kiếm nguồn cảm hứng tinh thần cho suy tư ngày hôm nay, tôi quyết định dựa vào một đoạn Kinh Thánh – đoạn thuật lại cuộc hành trình Emmau của hai môn đệ và cuộc gặp gỡ của họ với một “người khách lạ” tốt bụng trên đường đi mà sau đó họ nhận ra là Chúa Giêsu. Lý do của sự lựa chọn này là, trong khi tôi đồng hành cùng Caritas Quốc tế và những người khác trong Giáo Hội trong cuộc đấu tranh của chúng ta để ứng phó một cách công bằng và bác ái trước đại dịch HIV toàn cầu này, tôi thường cảm nghiệm nhu cầu sâu sắc cần nhìn xa hơn các phân tích về dịch tễ học, tâm lý học hoặc xã hội học về đại dịch, các phân tích này tự bản thân không đủ để giải thích các huyền nhiệm của sự sống và cái chết trong thời đại AIDS này. Do đó, như Thánh Gioan Phaolô II thường khuyến khích chúng ta trong suốt Đại Năm Thánh 2000, tôi ý thức sâu sắc về sự cần thiết phải đi vào chỗ “sâu” để “lưới cá” – duc in altum[1]. Suy niệm đó dần dần giúp tôi hiểu rõ hơn, chúng ta với tư cách cá nhân cũng như với tư cách là cộng đồng những người tin vào Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã được thách thức và đào tạo ra sao trong ba thập niên rưỡi kể từ khi chúng ta gặp cơn đại dịch này. Tôi hy vọng rằng suy tư của tôi sẽ gợi lên những tiếng vang chung trong tâm trí và trái tim của các anh chị khi chúng ta gia nhập nhóm những môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu trên đường Emmau, một cuộc hành trình đã cung cấp cho họ lời hứa về niềm hy vọng và tình yêu vĩnh cửu và tiếp tục làm như vậy với chúng ta, những môn đệ của Người trong thế giới ngày nay.
Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu… Phần chúng ta, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en (Luca 24,13-17. 21).
Nhiều người trong chúng ta trực tiếp kinh nghiệm ngập tràn cảm giác u buồn và vỡ mộng về đại dịch này đã lan tràn khắp thế giới. Chúng ta đau buồn vì sự mất mát trên 35 triệu sinh mạng. Hầu hết những người này chết trong khi khả năng làm việc của họ đang ở mức cao nhất, trong đó có những người thân yêu của chúng ta như vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột, các mục tử và bạn bè. Ảnh hưởng bi thảm của HIV đã vượt quá tất cả các nạn dịch khác trong lịch sử thế giới, trong đó có Đại dịch Medieval Black Plague và Dịch Cúm năm 1918. Giám đốc Điều hành UNAIDS, ông Michel Sidibé mô tả các thách đố AIDS đặt ra cho gia đình nhân loại toàn cầu: “Nạn dịch làm chúng ta sợ hãi tận cốt lõi, đem cái chết đến cửa nhà của chúng ta và mở mắt cho chúng ta thấy bất công của sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta phải đối diện”[2].
Mặc dù vẫn chưa có thuốc chữa hoặc vắc xin phòng bệnh, ta phải nhận rằng rất nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi ta phát hiện ra, hiệu quả của thuốc chống retrovirus để kéo dài cuộc sống của những người sống với virus này và để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, từ những năm 1990. Ông Sidibé báo cáo về tiến bộ này như sau: “Trong 15 năm qua chúng ta đã làm giảm số ca nhiễm mới HIV từ 3,1… xuống 2,0 triệu người … Nếu chúng ta đã tự mãn, thì 30 triệu người nữa có thể đã bị nhiễm HIV, 7,8 triệu người nữa có thể đã chết và 8,9 triệu trẻ em đã bị mồ côi do AIDS”[3]. Các dấu hiệu khác của sự tiến bộ bao gồm, tuổi thọ trung bình của người sống với AIDS trong năm 2002 là 36 năm, trong năm 2015 là 55 năm. Năm 2001, chi phí các loại thuốc cứu mạng sống này là 10.000 USD/năm/người; hiện nay, chi phí cho thuốc đó ở các nước có thu nhập thấp là 100 USD/năm. Những lợi ích của việc điều trị chống retrovirus vượt quá bản thân người bị nhiễm; trên thực tế, 96% những người sống với HIV trung thành dùng những thuốc này ít có khả năng truyền bệnh hơn cho đối tác tình dục của mình[4]. Ngoài việc luôn chung thuỷ trong quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng không bị nhiễm bệnh, thì những thuốc này phòng chống hiệu quả nhất đối với sự lây nhiễm HIV mà ta đã nhận ra trong giai đoạn nghiên cứu về đại dịch HIV. Hơn nữa, kể từ năm 2011, nhờ những nỗ lực tăng cường chẩn đoán và điều trị sớm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thể giảm 58% sự lây truyền từ mẹ sang con[5].
Tuy nhiên, với nhiều hối tiếc, ta cũng phải nhận rằng những thách đố đang diễn ra vẫn còn ở phía trước trong nỗ lực không ngừng của chúng ta nhằm kết thúc AIDS là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong năm 2014, có 36,9 triệu người sống với HIV. Con số này tiếp tục gia tăng kể vì người nhiễm HIV đang sống lâu hơn. Mặt khác, mặc dù các vụ nhiễm mới HIV đã giảm, vẫn còn con số không thể chấp nhận được các ca nhiễm mới mỗi năm (2 triệu ca năm 2014). Hơn nữa, mặc dù cộng đồng quốc tế vào năm 2015 đã đạt được mục tiêu cung cấp sự tiếp cận các thuốc chống retrovirus cho 15 triệu người HIV dương tính, thêm 60% nhóm quần thể này vẫn cần đến các loại thuốc này[6]. Tình trạng này đã thúc đẩy UNAIDS và các bên đối tác chính khác trong việc ứng phó AIDS toàn cầu nâng cao sự cảnh báo về nguy cơ tái diễn tình trạng “mệt mỏi” vì AIDS hoặc “thỏa mãn” về AIDS sau khi đã thực hiện được rất nhiều tiến bộ:
Nếu thế giới theo đuổi ‘công việc như bình thường’ trong việc ứng phó với AIDS như hiện nay mà không xây dựng tiếp trên những thành công đã đạt được, thì vào năm 2030 sẽ đối đầu với một dịch bệnh tái phát gia tăng nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Trong khi con số hàng năm những vụ nhiễm mới HIV ở châu Phi Cận-Sahara là 1,4 triệu người… năm 2014 có xu hướng đi xuống, thì việc không xây dựng trên mức bao phủ hiện nay đến năm 2030 sẽ gây ra con số hàng năm các ca nhiễm HIV trong khu vực lên tới 2 triệu người, chủ yếu trở lại khu vực với những ngày tồi tệ nhất của nạn dịch[7].
Với 25,8 triệu người sống với HIV ở khu vực châu Phi Cận-Sahara, vùng này vẫn còn chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất. Mặc dù 80% số người sống với HIV chỉ sống trong 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, nhưng cũng còn ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ La tinh, đại dịch HIV vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi miền thế giới và do đó tăng đáng kể gánh nặng y tế ở nhiều vùng. Những người trẻ từ 15-24 tuổi chiếm 34% số người nhiễm mới. Trong năm 2014 khu vực châu Phi Cận-Sahara chiếm 66% tổng số ca nhiễm HIV mới[8].
Vai trò của sự kỳ thị và phân biệt đối xử tạo nên những thách đố thậm chí còn phức tạp hơn:
Việc phân tích cẩn thận hơn các dữ liệu dịch tễ cho thấy những người có một số hành vi tự nguyện hay không tự nguyện nào đó tiếp tục có nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV hơn, và do kết quả của sự kỳ thị và phân biệt đối xử, ít có khả năng tiếp cận việc chẩn đoán hoặc điều trị[9]. Những hành vi này bao gồm hoạt động đồng tính nam, hoạt động trao đổi tình dục lấy tiền hoặc các hình thức đền bù khác và tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục sớm hoặc cưỡng ép tảo hôn, hoặc có đối tác tình dục là những người tham gia các hoạt động đó.
Kể từ khi bệnh được xác định lần đầu tiên, một phản ứng gần như bản năng đối với HIV đã dẫn đến hậu quả là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người HIV dương tính. Các nỗ lực “đuổi” những người bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng dưới hình thức khác – từ các làng, các bệnh viện, các cơ sở giáo dục và thậm chí từ các cộng đồng tôn giáo – được cảm thấy ở hầu như mọi nơi trên thế giới đối với tất cả các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số, cũng như trong tất cả các giai cấp xã hội và kinh tế. Hành vi phân biệt đối xử này có xu hướng tạo ra sự sợ hãi và giấu diếm, ngay cả những người đã có kiến thức cơ bản về đại dịch.
UNAIDS đưa ra các định nghĩa sau đây về phương diện này:
· Sự kỳ thị có liên quan đến HIV là những niềm tin, tình cảm và thái độ tiêu cực đối với người sống với HIV, các nhóm có liên hệ với người sống với HIV (ví dụ các gia đình của những người sống với HIV) và các quần thể chính khác có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn …
· Sự phân biệt đối xử liên quan đến HIV là sự đối xử bất công (hành động hoặc thiếu sót) đối với một cá nhân về tình trạng nhiễm HIV thực sự hoặc nhận thức của người đó.
· Sự phân biệt đối xử liên quan đến HIV thường dựa vào những hành vi và niềm tin có liên quan đến kỳ thị về các nhóm quần thể, các cách hành xử, các thực hành, tình dục, bệnh tật và cái chết.
· Sự phân biệt đối xử có thể được thể chế hoá thông qua pháp luật, các chính sách và các thực hành hiện có tập trung một cách tiêu cực vào người sống với HIV và các nhóm bên lề xã hội…[10]
Theo UNAIDS, sau đây là một số kết quả tiêu cực của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến AIDS:
· Sự kỳ thị thường làm cho những người đã có nguy cơ nhiễm HIV tìm kiếm thử nghiệm, và một khi đã được chẩn đoán, họ thậm chí trì hoãn điều trị.
· Những người sống với HIV có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc– 37,7% trong số những người sống với HIV so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình toàn quốc 11,7%. Các lý do được báo cáo về thất nghiệp bao gồm sự kỳ thị, phân biệt đối xử, các chính sách hạn chế, các thực hành và bệnh tật.
· Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một trong tám người sống với HIV báo cáo họ bị từ chối dịch vụ y tế và 6% số người được hỏi cho biết có kinh nghiệm bị tấn công thể lý vì tình trạng HIV dương tính.
· Tính đến tháng 7 năm 2014, 38 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực có những hạn chế về nhập cảnh, lưu trú hoặc cư trú đối với những người sống với HIV.
· Việc triệt sản và phá thai không tự nguyện và bị ép buộc được báo cáo đã xảy ra ở những phụ nữ sống với HIV tại nhiều quốc gia, bao gồm Bangladesh, Campuchia, Chile, Cộng hòa Dominica, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Mexico, Namibia, Nepal, Nam Phi, Cộng hòa Bolivia Venezuela, Việt Nam và Zambia[11].
Năm 2013, bà Aung San Suu Kyi, là người Myanmar được giải Nobel Hòa bình, kêu gọi hãy đoàn kết hơn để kết thúc sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người sống với HIV, đặc biệt là những người trong các nhóm quần thể có nguy cơ lây nhiễm cao. “Sự tôn trọng các quyền con người của những người sống với HIV phải được thăng tiến… Ta cũng cần phải bảo vệ những người sống bên lề xã hội, đấu tranh mỗi ngày để duy trì phẩm giá và các quyền con người cơ bản của họ. Tôi tin rằng với sự thương cảm thực sự – sợi dây vô hình nối kết ta với những người khác không phân biệt chủng tộc, tình trạng cá nhân, tôn giáo và biên giới quốc gia – ta có thể đạt được các kết quả cho tất cả mọi người”[12].
Các cộng đồng tôn giáo cũng gánh chịu “tội” kỳ thị và phân biệt đối xử
Mặc dù việc khước từ và bắt làm con dê tế thần đối với những người bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS trong cộng đồng tôn giáo không tìm thấy có cơ sở trong suy tư thần học hay trong giáo lý của Giáo Hội, các sự cố như thế vẫn tiếp tục xảy ra. Khi đến thăm nhiều quốc gia khác nhau để điều phối các cuộc hội thảo về HIV và AIDS cho những người làm công tác mục vụ, tôi đã nghe những “câu chuyện kinh dị” về các mục tử từ chối xức dầu cho người nhiễm HIV hoặc buộc họ phải công khai xưng thú “các tội” đã khiến cho họ bị nhiễm bệnh. Đáng buồn thay, một số linh mục và các thừa tác viên từ chối việc chăm sóc mục vụ và cử hành lễ an táng trong nhà thờ cho những người nhiễm HIV.
Thực tế đáng buồn là có một số thành viên của Giáo Hội, do tính yếu đuối của con người, muốn phán xét ai là người “vô tội” hoặc “có tội” trong số những người sống với HIV. Họ nhấn mạnh cần xác định các tiêu chí nghiêm ngặt về lòng thương xót của Thiên Chúa, mà theo mặc khải của Thiên Chúa, lòng thương xót này không có giới hạn và luôn chờ đợi sự hòa giải với các con cái mà Người đã tạo dựng theo hình ảnh và giống Người.
Trong nhiều cuộc thăm viếng những người sống với HIV, tôi đã phải đối mặt với những câu hỏi của họ: “Tại sao không có chỗ trong Giáo Hội cho tôi?” Và tôi đã nghe những lời than thậm chí còn bi đát hơn: “Tại sao Giáo Hội phải đợi cho đến khi tôi chết mới nói rằng Giáo Hội quan tâm đến tôi?”
Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Luca 24,25)
Mặc dù những nỗi sợ hãi và thành kiến liên quan đến HIV của nhiều tín hữu Kitô giáo và mục tử của họ, ta cũng đã được chúc phúc với các giáo huấn mang tính tiên tri của nhiều thành viên trong hàng giáo phẩm. Hơn nữa, sự tham gia tích cực trong việc chăm sóc mục vụ và đồng hành với những người sống với HIV của nhiều thành viên dấn thân trong hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân cũng đã truyền cảm hứng cho ta. Ví dụ, khi nghe nói rằng các linh mục của mình đã không muốn đến thăm một người phụ nữ bị coi là “tai tiếng” và đang đau khổ với căn bệnh liên quan đến AIDS, một tổng giám mục Caribê đã đích thân đến thăm bà trong bệnh viện và tiếp tục đi thăm hàng ngày cho đến khi người phụ nữ chết. Sau đó, ngài đã cử hành Thánh Lễ an táng cho bà ở nhà thờ của ngài. Khi giám mục ở Botswana nghe các linh mục của ngài khẳng định không nên nhận người nhiễm HIV dương tính vào để đào tạo linh mục, ngài nhấn mạnh rằng tình trạng nhiễm HIV không nên được coi là một tiêu chí để biện phân ai đã nhận được ơn gọi để phục vụ dân của Thiên Chúa qua sứ vụ linh mục.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuyên đưa ra những lời kêu gọi đầy cảm xúc là cần tránh phân biệt đối xử với người sống với HIV và AIDS. Người là nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu đầu tiên công khai gặp gỡ những người đó và tiếp tục làm thế trong những cuộc thăm viếng mục vụ của ngài trên khắp thế giới. Trong chuyến công du mục vụ San Francisco, Hoa Kỳ năm 1987, ngài tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thương tất cả các bạn, không phân biệt, không giới hạn… Người yêu thương những người trong các bạn đang đau bệnh, đang đau khổ vì AIDS. Người yêu thương bạn bè và thân nhân của các bệnh nhân và những ai chăm sóc cho họ. Người yêu thương tất cả chúng ta”[13].
Trong Thông điệp Deus Caritas Est, Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã nghiên cứu nền tảng Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta yêu thương tất cả mọi người không phân biệt, không thành kiến ai. Người trích dẫn lời dạy của Chúa Giêsu trong dụ ngôn người Samari nhân hậu và chỉ ra rằng theo truyền thống Do Thái, “… khái niệm “anh em” được hiểu là ám chỉ đặc biệt đến những người đồng hương và những khách ngoại kiều cư trú trên đất Israel; nói cách khác, đến một cộng đoàn khép kín của một đất nước hay một dân tộc chuyên biệt. Giới hạn này giờ đây bị hủy bỏ. Bất cứ ai cần đến tôi và bất cứ ai tôi có thể giúp đều là anh em tôi. Khái niệm “anh em đồng loại” giờ đây được toàn cầu hóa, tuy nhiên vẫn còn cụ thể. Dù được mở rộng đến toàn thể nhân loại, nó không bị giản lược thành một thuật ngữ tình yêu khái quát, trừu tượng và không đòi hỏi, nhưng mời gọi bản thân tôi dấn thân trong thực tế ở đây và bây giờ”[14].
Các giám mục Hội đồng Giám mục Nam Phi khẳng định không có chỗ cho sự hiểu lầm hoặc hiểu sai dựa trên tiền đề sai lầm rằng Thiên Chúa đã “muốn” cho các cá nhân phạm tội bị bệnh AIDS: “AIDS không bao giờ được coi là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta được khỏe mạnh và không phải chết vì AIDS. Đối với chúng ta, đó là một thách thức thời đại là ta hãy biến đổi nội tâm và bước theo Đức Kitô trong sứ vụ chữa lành, thương xót và yêu thương của mình”[15].
Các giám mục Ghana là một trong những tiếng nói đầu tiên của hàng giáo phẩm Công giáo kêu gọi chấp nhận vô điều kiện những người chịu ảnh hưởng của căn bệnh HIV:
AIDS thường liên quan đến sự xa lánh và tách biệt giữa người có bệnh và cộng đồng xung quanh họ. Chúng ta hãy là những người hoà giải, giúp khôi phục lại và chữa lành các tương quan bị phá vỡ giữa bệnh nhân và những người khác. Ta phải xây dựng một cảm thức tin tưởng và quan tâm. Điều này đòi hỏi giáo dục và một sự thay đổi của trái tim…
Nếu thước đo của đức tin chúng ta là tình yêu vô điều kiện, đặc biệt là tình yêu thương những người mà xã hội xem là những người bị ruồng bỏ, thì phản ứng của chúng ta đối với những người chịu khổ vì AIDS sẽ là thước đo đức tin chúng ta[16].
Năm 2008, Hội đồng Giám mục Mêhicô đã phát động một chiến dịch công cộng đầy sáng tạo và thông tin để chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng tôn giáo và trong toàn xã hội. Chiến dịch được gọi là: “Esperanza de VIHDA: Sin culpas, sin peros: incluirlos es facil” (Hy vọng cho HIV/AIDS: Không tội lỗi, không nhưng: đón nhận họ thật dễ). Một ví dụ khác về sự vận động công chúng của Giáo Hội trong nỗ lực chống lại sự kỳ thị là sự kiện do Tổng Giáo phận Rio de Janeiro và UNAIDS đồng tổ chức và thực hiện ngay trước Giải Bóng đá Thế giới vào tháng 5 năm 2014, trong nỗ lực chống phân biệt đối xử với người sống với HIV trong giới thể thao.
Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người… (Luca 24, 30-31)
Chính bằng cử chỉ đơn giản nhưng mạnh mẽ của Chúa Giêsu chia sẻ bánh với các môn đệ trên đường Emmau mà các ông không còn coi Người là người khách lạ hiếu kỳ nhưng thay vào đó họ thực sự cảm thấy có Người đồng hành. Sau đó, quan trọng nhất, họ một lần nữa đã có thể nhận ra Người là Chúa và là Đấng Cứu Thế của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta tham gia sứ vụ mục vụ cho người sống với HIV và AIDS cũng đã khám phá rằng chìa khóa phục vụ không tìm thấy trong các phương pháp điều trị tâm lý rất nhiêu khê, cũng không phải trong các khảo luận thần học phức tạp, cũng không phải trong khâu điều trị chỉ bằng y tế. Đúng ra, chìa khoá đó được tìm thấy trong các cử chỉ khiêm tốn chia cơm sẻ bánh, hoặc một cái chạm vào người ấm áp, một nụ cười, hoặc một khoảnh khắc cùng im lặng cầu nguyện với nhau. Các hành động trực tiếp và vị tha đó cũng giúp chúng ta – và hy vọng cũng giúp những người khác–vượt qua những khuynh hướng kỳ thị và phân biệt đối xử của chúng ta với những người có thể “khác biệt” hay là “người ngoài” đối với chúng ta.
Từ khi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng của mình, và thậm chí trước đó, khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã là một người thầy và người làm chứng mạnh mẽ về tình yêu vị tha của Chúa Giêsu đối với mọi người, nhưng đặc biệt nhất là đối với những người ở bên lề, bị từ chối, và bị bỏ quên trong các cộng đồng địa phương của chúng ta và trên toàn thế giới. Người thường xuyên kêu gọi các linh mục đến … “những vùng ngoại vi”, nơi người có đức tin “bị phơi nhiễm nhiều nhất trước sự tấn công của những kẻ muốn phá bỏ đức tin của họ. Người ta cảm ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã cầu nguyện cho những thực tế trong cuộc sống hàng ngày của họ, những khó khăn của họ, niềm vui của họ, gánh nặng của họ và hy vọng của họ”[17].
Người tuyên bố rằng “không có đời sống người này thánh thiện hơn người khác, cũng như không có sự sống của người này chất lượng và có ý nghĩa hơn người khác. Độ tin cậy của một hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ đo bằng hiệu quả nhưng trên tất cả, bằng sự chăm sóc và tình yêu thương những con người mà cuộc sống của họ luôn luôn là thánh thiêng và bất khả xâm phạm”[18].
Người nhắc nhở ta rằng chính những hành động yêu thương và không xét đoán của chúng ta đối với người khác, kể cả những người sống với HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV, mới làm giàu cho chúng ta bằng ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Đức tin dạy chúng ta nhìn thấy rằng trong mỗi người có phúc lành dành cho tôi, rằng ánh sáng của Dung Nhan Thiên Chúa chiếu rọi trên tôi qua khuôn mặt của anh chị em tôi.”[19].
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh (Lc 24,35).
Trong khi chúng ta tiến bước trong cuộc hành hương thiêng liêng của chúng ta đến Emmau ngày hôm nay, khi chúng ta cử hành kỷ niệm mười năm ngày triệu tập Diễn đàn quan trọng này và trong suốt phần còn lại của đời sống Kitô hữu của chúng ta, ta hãy cầu nguyện để Thần Khí của Thiên Chúa sẽ giúp ta mạnh mẽ dấn thân để chấm dứt AIDS với tính cách trường hợp khẩn cấp Không có Ca Nhiễm Mới, Không Phân Biệt Đối Xử AIDS, và Không Tử Vong vì AIDS. Nhưng, quan trọng nhất, ta cũng cầu xin được làm mới sức sống trong cuộc hành trình trên camino (con đường) mà Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta, sẽ dẫn ta đến sự sống viên mãn. Một lần nữa, Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và hướng dẫn của ngài về phương diện này:
Nếu chúng ta muốn chia sẻ đời mình với người khác và quảng đại trao ban, chúng ta cũng phải nhận ra rằng mọi người xứng đáng với sự trao ban của chúng ta. Không phải vì dáng dấp nơi thân hình của họ, những khả năng của họ, ngôn ngữ của họ, cách suy nghĩ của họ, hay bất cứ sự thỏa mãn nào mà chúng ta có thể nhận được, nhưng vì họ là công trình của Thiên Chúa, là thụ tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên con người ấy theo hình ảnh Người, và người ấy phản chiếu phần nào vinh quang của Thiên Chúa…
Bất kể hình hài họ thế nào, mỗi người đều vô cùng thánh thiện và xứng đáng với tình yêu của chúng ta. Do đó, nếu tôi có thể giúp ít là một người có một cuộc sống tốt hơn, thì sự hiến mình của tôi đã được thể hiện rồi. Là những người trung tín của Thiên Chúa quả là tuyệt vời. Chúng ta đạt được sự thành toàn khi phá đổ các bức tường ngăn cách và trong tim chúng ta chứa đầy mọi khuôn mặt và tên tuổi của họ![20]
Đan Quang Tâm dịch
[1] Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Novo Millennio Ineunte, 6 tháng 1 năm 2001, Thành phố Vatican, http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_letters/2001/documents/hf_jp-ii_apl_20010106_novo-millennio-ineunte.html
[2] How AIDS Changed Everything, UNAIDS , 2015, tr. 20, http://www.unaids.org/sites/default/files/media_asset/MDG6Report_en.pdf
[3] Sđd.
[4] Cohen et al., “HPTN 052: randomized clinical trial of immediate vs delayed ART in couples,” New England Journal of Medicine, 2011.
[5] How AIDS Changed Everything, tr. 23.
[6] The Gap Report: Beginning the End of the AIDS Epidemic, UNAIDS, 2014, tr. 13, http://www.unaids.org/sites/default/files/media_asset/UNAIDS_Gap_report_en.pdf
[7] “15 by 15”: A Global Target Achieved, UNAIDS, 2015, tr. 26, http://www.unaids.org/sites/default/files/media_asset/UNAIDS_15by15_en.pdf
[8] How AIDS Changed Everything, tr. 23.
[9] Sđd, tr. 100-105.
[10] Reduction of HIV-Related Stigma and Discrimination: UNAIDS 2014 Guidance Note, Box 1, tr. 2, http://www.unaids.org/sites/default/files/media_asset/2014unaidsguidancenote_stigma_en.pdf
[11] The Gap Report, tr. 123-127.
[12] “Daw Aung San Suu Kyi kêu gọi chấm dứt ký thị và phân biệt đối xử với những người sống với HIV,” UNAIDS Media Centre, 28 tháng 5 năm 2013, http://www.unaids.org/en/resources/presscentre/featurestories/2013/may/20130528assk
[13] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Mision Dolores Basilica, 1987.
[14] Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, Thành phố Vatican, 25 tháng 12 năm 2005, #15, http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est.html
[15] A Message of Hope to the People of God from the Catholic Bishops of South Africa, Botswana, and Swaziland (Sứ điệp Hy vọng cho Dân Chúa từ các Giám mục Công giáo tại Nam Phi, Botswana và Swaziland), 30 tháng 7 năm 2001.
[16] Tuyên bố Mục vụ về AIDS, Hội đồng Giám mục Ghana, tháng 10 năm 1990.
[17] Bài giảng của Giáo hoàng Phanxicô – Thánh lễ Truyền Dầu – Thứ Năm Tuần Thánh, 28 tháng 3 năm 2013,
http://www.vatican.va/content/…/papa-francesco_20130328_messa-crismale.html
[18] Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn trước Hội nghị các Hiệp hội Y tế Công giáo, 20 tháng 9 năm 2013, http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/september/documents/papa-francesco_20130920_associazioni-medici-cattolici_en.html
[19] Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Lumen Fidei, 29 tháng 6 năm 2013, #54, http://www.vatican.va/holy_father/francesco/encyclicals/documents/papa-francesco_20130629_enciclica-lumen-fidei_en.html
[20] Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 24 tháng 11 năm 2013, #274 http://www.vatican.va/holy_father/francesco/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium_en.html