Lại xin phá rừng làm công nghiệp
UBND tỉnh Thái Bình đã trình Bộ Tài nguyên – môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xoá bỏ 150ha rừng ngập mặn.
Lại xin phá rừng làm công nghiệp
UBND tỉnh Thái Bình đã trình Bộ Tài nguyên – môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ xoá bỏ 150ha rừng ngập mặn.
150ha rừng ngập mặn sú vẹt ven biển thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình được đề nghị phá bỏ để tạo mặt bằng làm khu công nghiệp – Ảnh: NAM TRẦN |
Điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy ĐTM của dự án được trình lên có nhiều số liệu sai lệch, như số hộ nuôi thuỷ sản có đất bị thu hồi tới 354 hộ nhưng ĐTM chỉ nêu 80 hộ.
Phá 150ha rừng phòng hộ đê
Sau hơn 30 năm được trồng giữ, những cánh rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê biển trên địa bàn các xã Thuỵ Hải, Thụy Xuân (H.Thái Thuỵ, Thái Bình) giờ có chiều cao 5-6m.
Ông Lê Ngọc Cung – thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải – nói người dân nhớ như in về lịch sử hình thành cánh rừng ngập mặn này, bởi nó được trồng sau lần vỡ đê Xuân Hải – Thái Thụy năm 1986. Theo ông Cung, người dân ven biển nơi đây quý rừng hơn vàng, vì không chỉ là mái nhà che dông bão, hàng ngàn hộ gia đình vẫn được hưởng lợi từ nguồn lợi thuỷ sản trong rừng.
Ông Cung băn khoăn ngay đầu tháng 2-2017, nhân ngày đất ngập nước thế giới, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã về trồng thêm cây rừng cho rừng ngập mặn tại hai xã Thuỵ Hải, Thuỵ Xuân, vậy mà giờ lại có dự án phá bỏ 150ha rừng…
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án mà người dân nêu đã được UBND tỉnh Thái Bình trình Bộ TN-MT thẩm định ĐTM, có tên gọi nâng bãi ổn định đê biển số 8 huyện Thái Thuỵ, để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ. Đáng nói là toàn bộ diện tích 320ha định làm dự án đều nằm trong khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, trong đó 150ha rừng ngập mặn kể trên được trồng bằng nguồn vốn dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ và cũng như các dự án tài trợ.
Lo lắng hơn, chính ĐTM của dự án dù đưa ra cảnh báo “nếu phá bỏ 150ha rừng ngập mặn, khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh kết hợp triều cường, nước biển sẽ tràn qua đê xâm nhập sâu trong nội đồng tàn phá hệ thống đê biển, các đầm nuôi trồng thuỷ sản”. Tuy nhiên, ĐTM của dự án lại chưa nêu cụ thể, chi tiết các tác động xảy ra khi mất rừng.
Số liệu chênh xa với thực tế
Theo tìm hiểu, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNT tỉnh Thái Bình được giao làm chủ đầu tư dự án kể trên. Ban này đã “đặt hàng” Trung tâm quan trắc, phân tích TN-MT (Sở TN-MT tỉnh Thái Bình) lập ĐTM của dự án. Và bản ĐTM trình lên Bộ TN-MT khẳng định “có khoảng 80 hộ gia đình bị thu hồi đất nuôi thủy sản… Các hộ chủ yếu tại hai xã Thuỵ Hải và Thuỵ Xuân”, đồng thời đưa số liệu đánh giá hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên thu hồi không đạt hiệu quả cao. Vì vậy, phần kết luận đánh giá: mức tác động là nhỏ.
Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy khi phóng viên gặp người dân và lãnh đạo hai xã Thụy Hải và Thuỵ Xuân. Ông Nguyễn Đức Anh (xã Thụy Xuân) có 30 sào đầm nuôi thủy sản, tá hoả khi nghe thông tin cả hai xã chỉ có 80 hộ nuôi trồng thuỷ sản trong diện tích 170ha. “Tôi chắc chắn số liệu báo cáo 80 hộ là sai” – ông Anh quả quyết.
Ông Bùi Ngọc Hiện, chủ tịch UBND xã Thuỵ Xuân, cũng khẳng định: số liệu chỉ có 80 hộ bị thu hồi chắc chắn không chính xác. Ông Nguyễn Dương Luân, chủ tịch UBND xã Thụy Hải, cho biết “Riêng Thuỵ Hải đã có 297 hộ nuôi thuỷ sản rồi”. Như vậy, theo xác nhận của lãnh đạo hai xã Thụy Xuân, Thụy Hải, có tới 354 hộ nuôi thuỷ sản có đất bị thu hồi. Con số này gấp 4,5 lần so với số liệu ĐTM của dự án.
150ha rừng ngập mặn sú vẹt ven biển thuộc huyện Thái Thuỵ, Thái Bình được đề nghị phá bỏ để tạo mặt bằng làm khu công nghiệp – Ảnh: NAM TRẦN |
Không thực sự tham vấn cộng đồng?
Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, trong biên bản tham vấn tại xã Thụy Xuân về ĐTM của dự án vào ngày 6-12-2016, dù ghi rõ là tham vấn cộng đồng dân cư, nhưng chỉ có 5 người dự, gồm chủ tịch xã, cán bộ địa chính, chủ tịch MTTQ xã, trưởng và phó thôn, những hộ nuôi thuỷ sản chịu tác động trực tiếp không được mời.
Tương tự, tại biên bản tham vấn tại xã Thuỵ Hải ngày 9-12-2016, thành phần được mời cũng chỉ có lãnh đạo xã và trưởng, phó các thôn, không mời các hộ nuôi thủy sản có đất bị thu hồi.
Lãnh đạo hai xã Thụy Hải, Thuỵ Xuân cũng xác nhận với Tuổi Trẻ, sau hội nghị tham vấn với thành phần là trưởng, phó thôn, từ đó đến nay chưa có cuộc nào tham vấn với các hộ nuôi thuỷ sản có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, hồ sơ trình Bộ TN-MT thẩm định ĐTM của dự án lại nêu “kết quả tham vấn cộng đồng tại địa phương trong quá trình thực hiện ĐTM cho thấy người dân nhất trí với chủ trương thực hiện dự án để phát triển công nghiệp dịch vụ”…
Số liệu sai, kết quả đánh giá tác động cũng sai Ông Nguyễn Khắc Kinh, chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN, khẳng định như vậy trước thông tin số liệu ĐTM đã giảm số hộ nuôi thủy sản từ 354 còn 80. Về việc không tham vấn với 354 hộ nuôi thuỷ sản chịu tác động trực tiếp, ông Kinh khẳng định làm vậy cũng không đúng. “Luật quy định phải tham vấn những người chịu tác động trực tiếp” – ông Kinh nói. Ông Kinh cũng khẳng định với 150ha rừng ngập mặn bị phá bỏ, nếu ĐTM kết luận ảnh hưởng mất đất rừng này chưa nêu cụ thể, chi tiết các tác động xảy ra khi mất rừng là không chấp nhận được. “Tất cả tác động cụ thể như thế nào phải nêu ra đầy đủ trong ĐTM. Tôi cảnh báo rừng ngập mặn là một ngành sinh thái cực kỳ nhạy cảm, động vào nó không phải chuyện đùa. Mất nó có thể mất luôn cả tôm” – ông Kinh nhấn mạnh. |