26/12/2024

Thầy Ba ‘khùng’ hiến đất làm trường

“Khi biết tôi hiến đất làm trường, làm đường, nhiều người nói tôi khùng. Nhưng mình không tự nguyện làm vậy thì con cháu mình muôn đời không có trường để học, không có đường để đi” – thầy giáo Bàn Văn Ba lý giải biệt danh mà nhiều người đặt cho mình…

 

Thầy Ba ‘khùng’ hiến đất làm trường

 “Khi biết tôi hiến đất làm trường, làm đường, nhiều người nói tôi khùng. Nhưng mình không tự nguyện làm vậy thì con cháu mình muôn đời không có trường để học, không có đường để đi” – thầy giáo Bàn Văn Ba lý giải biệt danh mà nhiều người đặt cho mình…

 

 

 

Thầy Ba 'khùng' hiến đất làm trường
Thầy Ba “khùng” tươi cười bên điểm trường tiểu học được xây trên đất của gia đình mình – Ảnh: Đ.H.

Thầy Ba là người con dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Thanh Hải, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Thầy cũng là người đầu tiên đi học sư phạm, mang con chữ về bản nghèo.

Từ chuyện thầy Ba đi đầu hiến đất làm trường học, sau đó cả thôn nghe theo hiến đất làm đường đi lại. Bây giờ khang trang rồi, con cháu đỡ khổ hơn. Chúng tôi biết ơn thầy nhiều lắm.

Ông LÝ QUANG AN (trưởng thôn Thanh Hải)

Người thầy của bản

Hơn 30 năm trước, cậu học trò Bàn Văn Ba là một trong bảy người dân của thôn Thanh Hải học xong tiểu học, được lên trường huyện học cấp II. Đường từ nhà đến trường dài hơn 4km, những đứa trẻ ngày ngày phải đi bộ men con đường nhỏ ven biển.

 

Có những ngày mưa rét căm căm, để đến được trường, Ba cùng những người bạn phải bỏ quần áo dài và sách vở đội lên đầu rồi lội qua suối nước lạnh, người cứ run lên từng chập. Vậy mà trừ những khi bão lũ, chưa khi nào người ta thấy cậu bé Ba nghỉ học.

 

Kết thúc niên khóa, sáu người đã bỏ ngang về nhà làm nông, còn lại mình Ba khăn gói đi học tiếp tại Trường trung học Sư phạm 1 Đông Triều, với ước mơ đem được con chữ dưới xuôi về dạy con em trong bản. Năm 1987, Ba trở lại điểm trường quê hương Thanh Hải dạy học.

Ngày đầu đến lớp, thầy giáo trẻ không khỏi xót xa khi thấy lại hình ảnh của mình ở những trò nhỏ quần áo cũ mèm, rách rưới đang ngồi bên dưới.

Buổi họp hội đồng đầu tiên năm học mới, nhà trường nhận được một số quần áo tài trợ, thầy Ba không ngại ngần đề xuất xin ngay cho học sinh của mình.

Dạy chữ cho con em dân tộc cũng lắm gian nan và quả thật nếu không biết tiếng nói của các em, việc dạy học là cực khó. Để giải thích cho học sinh hiểu, nhiều lúc thầy Ba kiêm luôn việc phiên dịch câu chữ:

“Học sinh dân tộc rất hay bị nhầm lẫn từ so sánh và từ láy tượng hình, nên mình phải thường lấy ví dụ song ngữ: Nếu so sánh con sư tử và con hổ thì phải nói sang tiếng Dao là “ta đây slấy” và “ta gian”. Tương tự, nói cành lá xum xuê thì phải nói là “nhum nhum”, trĩu cành là “nhau nhau”, mênh mông là “mang màng” hay sáng – tối là “goảng” – “zom”…”.

Hơn 30 năm công tác, thầy Ba cứ cần mẫn “đẽo chữ” để bắc những chiếc cầu tri thức cho con em trong bản. Đến nay, nhiều người đã trưởng thành, học xong đại học về làm kỹ sư, giáo viên… đóng góp cho quê hương Quảng Ninh ngày một giàu đẹp.

Hiến đất xây trường, làm đường

Nằm cạnh nhà thầy giáo Bàn Văn Ba là điểm Trường tiểu học Thanh Hải với dãy nhà cấp 4 vững chãi, khá khang trang với sân bêtông sạch sẽ. Trường xây năm 2006, khuôn viên rộng gần 1.000m2.

Năm đó, nguồn vốn xây trường đã có, tuy nhiên cán bộ chính quyền địa phương tìm tới tìm lui cũng không tìm được mặt bằng xây trường. Không đành lòng nhìn cảnh con em trong thôn mãi chịu cảnh học nhà tranh vách đất, thầy Ba bàn với vợ hiến đất xây trường vì lo “nếu cứ nhùng nhằng, biết đâu trên thấy khó mà rút dự án thì chẳng biết bao giờ 
mới có cơ hội nữa”.

Cô Lý Thị Vân, vợ thầy Ba, nhớ lại: “Lúc ấy cả thôn chẳng ai đồng ý cho đất cả, anh Ba đồng ý cho thì bị dân nói là khùng điên. Thời điểm đó gia đình cũng khó khăn, nếu bán đất sẽ được một khoản tiền. Nhưng chồng tôi nhất quyết đem cho không cả nghìn mét vuông, bảo tương lai để dành cho con cháu trong thôn. Dần dần tôi cũng hiểu và đồng ý theo chồng”.

Trước đây, đường vào thôn Thanh Hải quá hẹp, ôtô không vào được, nhiều đoạn trơn trượt, cua gấp nên thường xảy ra tai nạn. Năm 2010, chính quyền xã Hải Lạng quyết tâm mở rộng, bêtông hóa đường liên thôn.

Thầy giáo Ba một lần nữa tiên phong đi đầu khi hiến hơn 600m2 đất ruộng cấy, hơn 100m2 đất ở, dỡ tường rào và nhổ cây ăn quả trong vườn để làm đường. Đến Thanh Hải hôm nay, con đường nông thôn mới đã chạy dài từ quốc lộ 18A vào đến nhà từng người dân trong thôn bản, cái đói cái nghèo từng bước bị đẩy lùi.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, thầy giáo “khùng” Bàn Văn Ba tiếp tục hiến 400m2 đất, thuê máy mở con đường nội đồng bằng đất dài 300m từ tiền túi của mình. Thầy đến từng nhà vận động mọi người cùng làm với mình, nhưng có hai hộ gia đình là anh Pẩu và anh Hùng nhất quyết không chịu cho làm đường qua ruộng.

“Thế không thuyết phục được thì sao?”. “Thì tôi đổi ruộng. Ruộng họ nhiễm mặn không canh tác được, tôi đổi ruộng đẹp 2 vụ lúa/năm, diện tích còn gấp mấy lần thì họ đồng ý” – thầy Ba cười. Hơn 20 triệu đồng làm đường không phải số tiền lớn, nhưng là chắt chiu từ đồng lương giáo viên của thầy và mồ hôi công sức làm nông của cô.

Con đường không chỉ giúp thầy Ba đến chòi nuôi tôm của mình thuận tiện hơn, mà những hộ dân trồng lúa quanh đấy cũng có đường đi và theo lời thầy, nếu có dự án bêtông hóa đường nội đồng thì mình đã có mặt bằng sạch chuẩn bị trước, khỏi lo.

Chuyện đứa con nuôi

Vợ chồng thầy Ba có ba người con, nhưng chỉ có hai con gái đầu là con ruột, còn cậu út tên Nhân năm nay 10 tuổi, đến với gia đình thầy Ba như duyên số định mệnh. Năm 2006, thầy Ba công tác tại xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Thứ bảy, chủ nhật thầy thường lên nhà bạn ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu chơi. Trong câu chuyện bạn kể, thầy Ba được biết có một gia đình người Dao Thanh Phán trong xã mới sinh con trai được 3-4 ngày nhưng đang muốn cho con đi.

“Lúc đó tôi cũng lấy làm ngạc nhiên vì ai chẳng muốn có con trai, hơn nữa bố mẹ bé đã có hôn thú đầy đủ. Hỏi ra mới biết người Dao Thanh Phán không muốn đẻ nhiều con trai vì sau này cưới vợ cho con rất tốn kém (theo tục lệ, nhà trai phải chịu mọi chi phí đám cưới cho cả nhà trai và nhà gái, lại thêm sính lễ khá nặng nề). Họ còn bảo nếu không có người xin nuôi, họ sẽ bỏ bú cho nó chết đói rồi mang vào rừng chôn. Thấy vậy tôi bèn hỏi ý kiến gia đình rồi đưa cháu về nuôi” – thầy Ba kể.

Làm giấy khai sinh, thầy Ba quyết định đặt tên con là Bàn Thế Nhân. Thế Nhân là mạng của con đã được thế bằng cuộc sống mới và vì vậy nên con sau này lớn lên luôn phải sống cho nhân đức. Mấy năm đầu nuôi Nhân vất vả, chạy xin sữa, thầy Ba chẳng nửa lời than vãn. Với vợ chồng thầy, cả ba người con luôn là tài sản vô giá.

Với những đóng góp của mình, thầy Bàn Văn Ba đã được tặng nhiều bằng khen của các cấp chính quyền. Điển hình là bằng khen của bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về công tác giáo dục và đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số; bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài giai đoạn 2007-2012 và thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2012…

ĐỨC HIẾU