29/11/2024

Chúa Nhật III PS A – 2017: Đức Giêsu Phục Sinh làm cho ta bình an, thành công và vĩ đại

Các bài Kinh Thánh tuần này mời gọi chúng ta hãy dùng cảm thức đức tin để cảm nhận và ý thức rằng Đức Giêsu Phục Sinh đang ở rất gần chúng ta: Người đang nâng đỡ, an ủi chúng ta trong từng bước đường đời như hai môn đệ đi về Emmaus.

 Đức Giêsu Phục Sinh làm cho ta
bình an, thành công và vĩ đại

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh tuần này, nhất là bài Tin Mừng, như mời gọi chúng ta hãy dùng cảm thức đức tin, như tuần trước chúng ta tìm hiểu, để cảm nhận và ý thức rằng Đức Giêsu Phục Sinh đang ở rất gần chúng ta: Người đang nâng đỡ, an ủi chúng ta trong từng bước đường đời như hai môn đệ đi về Emmaus. Chính Người đang hiện diện giữa chúng ta hôm nay và còn hiện diện mãi trong suốt dòng lịch sử nhân loại ở trấn thế (x. Mt 28,20) khi Người sống lại để giúp cho chúng ta giữ vững được niềm vui, bình an trước tất cả những đau khổ, thử thách, thất bại, kể cả bách hại trong cuộc đời.

1. Thực tế của đời sống

Hoàn cảnh của hai môn đệ trên đường Emmaus chính là hoàn cảnh của mỗi người chúng ta trong thực tế của đời sống. Hai ông đã hy vọng rất nhiều khi theo Chúa Giêsu như bao nhiêu người khác: hy vọng Người sẽ thiết lập một nước Do Thái độc lập, tự do, hạnh phúc khi giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Rôma. Vì các ông đi theo Người nên cũng hy vọng sẽ được chia sẻ vinh quang với Người. Nhất là vì hai ông đã tận mắt nhìn thấy biết bao phép lạ Chúa Giêsu làm, nghe những lời dạy khôn ngoan của Người nên hai ông càng hy vọng cuộc “cách mạng” của Chúa Giêsu sẽ thành công. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chết, chết một cách nhục nhã trên thập giá và tất cả niềm hy vọng của hai ông đã trôi theo dòng nước. Bây giờ, còn xảy ra chuyện ngôi mộ chôn táng Người trống rỗng! Chắc chắn bọn lính canh Rôma và các người lãnh đạo dân Do Thái sẽ chẳng để yên. Tốt hơn là tìm cách lánh xa thành phố. Hai ông đã tính toán kỹ lưỡng và bỏ về Emmaus.

Cuộc đời của chúng ta có lẽ cũng không khác gì hai môn đệ này. Nhiều lần chúng ta đã vất vả học hành, làm việc kiếm sống nhưng chúng ta đã thất bại và thất vọng. Nhiều lần chúng ta đã tin tưởng vào con người, làm việc chung với con người nhưng rồi họ lại lừa dối, bán đứng chúng ta. Nhiều lần chúng ta mơ ước xây dựng một gia đình hạnh phúc, đặt trọn vẹn niềm tin yêu vào người nào đó nhưng họ lại phản bội, lạm dụng chúng ta. Nhiều lần chúng ta theo đuổi những lý tưởng cao cả và tin tưởng vào một ý thức hệ, một chủ nghĩa, một tôn giáo nào đó sẽ giải phóng nhân loại, sẽ cứu thoát đất nước nhưng rồi tất cả những thứ ấy cũng đã thay đổi, phản bội chúng ta.  

Cuộc sống là thế để cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không nên bám vào con người vì con người sẽ chết, không nên bám vào những ý thức hệ hay tôn giáo vì chúng sẽ thay đổi, không nên bám vào vật chất như nhà cửa, tiền bạc, xe cộ vì chúng ta phải bỏ lại tất cả trước ngưỡng cửa của cái chết. Vậy chúng ta sẽ có những thái độ nào trước những nguy hiểm, bất định, vô thường ấy?

2. Những thái độ của con người

Rất nhiều người chúng ta đã muốn trốn chạy, bỏ đi như hai môn đệ trên đường Emmaus. Họ sợ hãi, chán nản, thất vọng về con người nên không muốn cộng tác với ai nữa, rút vào một cuộc đời bi quan ẩn dật. Có người tuyệt vọng đến nỗi đi tìm cái chết, nhưng cái chết thật ra không giải quyết cho họ được gì cả vì họ phải vẫn phải đối mặt với cuộc sống vĩnh hằng khi vừa vượt qua ngưỡng cửa cái chết và phải trả lời cho những hành động, ý nghĩ, lời nói mà họ đã thực hiện khi sống ở trần thế.

Hôm nay là ngày 30 tháng 4 chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Từ biến cố lịch sử 30/4/1975, nhiều người Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng của hai môn đệ trên đường Emmaus. Nhiều người giữ thái độ bất mãn, trốn chạy, an thân. Đối với những người thuộc Việt Nam Cộng hoà trước đây thì cho đó là Ngày Quốc Hận vì nói lên đau khổ, thất bại lớn lao, còn đối với người thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì lại là ngày chiến thắng vinh quang, thống nhất đất nước. Thậm chí đối với dân tộc Hoa Kỳ biến cố này cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người.

Sau Thế chiến thứ II, dân tộc Hoa Kỳ quả thực rất vĩ đại vì đã nêu cao chính nghĩa của thế giới tự do, nhưng cuộc chiến tranh lâu dài, tốn kém ở Việt Nam đã làm cho dân tộc này mệt mỏi và chia rẽ. Lúc bấy giờ Hoa Kỳ lãnh đạo khối tư bản, hô hào bảo vệ những giá trị cao quý như nhân phẩm, tự do, tôn giáo… . Nhưng rồi đứng trước thị trường lớn lao của Trung Quốc với hơn 1 tỉ người, nhiều nhà chính trị, cũng là những chủ nhân của các tập đoàn kinh tế lớn ở Hoa Kỳ, sẵn sàng đi theo kinh tế và chối bỏ những giá trị ấy, chối bỏ những cam kết với những nước nhỏ bé như Việt Nam.  Cũng từ đó người Hoa Kỳ mất đi sự vĩ đại của mình, nên tổng thống Donald Trump mới hô hào khẩu hiệu “Chúng ta làm cho nước Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng: một khi chối bỏ những giá trị cao quý của con người để chạy theo vật chất thì chính con người đã đánh mất sự vĩ đại của mình, thì làm sao có thể làm cho mình hay dân tộc mình vĩ đại được!

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta cũng có nhà cách mạng Nguyễn Thái Học (1904-1930), người sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng ngày 25/12/1927, đã hô hào cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái đêm 9/2/1930 và chủ trương “không thành công cũng thành nhân” trước lực lượng quá mạnh mẽ và lớn lao của kẻ thù. Ông đã thất bại và bị xử bắn ngày 17/6/1930. Ông đã có thái độ tích cực dấn thân thay vì bất mãn, an thân.

Rồi hơn một triệu chiến sĩ của cả hai miền Nam Bắc đã ngã xuống trong cuộc chiến từ năm 1963-1975, họ đã chiến đấu nhân danh tự do hay độc lập của tổ quốc, nhưng sau khi vượt qua ngưỡng cửa cái chết họ đã nhìn thấy gì? Những lá cờ vàng ba sọc đỏ hay cờ đỏ sao vàng trên quần áo, vũ khí của họ đã tan rã vì chỉ là những vật chất, những chủ thuyết, ý thức hệ cũng chẳng tồn tại vì các nước tư bản, cộng sản bây giở đứng chung trong nền kinh tế thị trường như họ đang thấy hiện nay.

3. Cảm nhận Đức Giêsu là giá trị đích thực làm cho ta vĩ đại

Họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu với những giá trị cao cả của Người, Người là sự sống lại và là sự sống của họ. Người là sự thật, công lý và tình yêu. Họ đã chiến đấu cho những lý tưởng cao quý, cho sự thật và sự sống là chính Người (x. Ga 14,6)– dù họ có thể bị lừa bịp bởi những tuyên truyền của các đảng phái, chủ nghĩa, tôn giáo – nên tất cả họ đang sống, đang hiện diện giữa chúng ta đây. Họ không phải chỉ thành nhân mà còn thành công vì không một hành động cao quý nào của họ mà lại không được Đức Giêsu Kitô đón nhận. Họ không mất vợ, chồng con cái hay bất cứ một ai để phải giữ mãi lòng thù hận như một số người sống đang còn bám víu vào những chủ thuyết mơ hồ vì Thiên Chúa là Chúa của người sống. “Thiên Chúa không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1Pr 1,17).

Giá trị vĩ đại của con người chỉ là Đức Giêsu Kitô nên chính lòng tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả những căng thẳng, thất bại, bách hại và cả cái chết nhục nhã ở trần thế để “chúng ta đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1Pr 1,21).

Thánh Phêrô trong bài đọc I (x. Cv 2,14-33) hôm nay đã gợi ý cho chúng ta: chính vua David, cách 700 năm trước khi Chúa Giêsu chịu chết, đã được soi sáng để tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu nên ngài đã giữ được mãi niềm vui, bình an. Ngài nhắc cho người Do Thái lời cầu nguyện của vua David trong Thánh vịnh mà họ đọc hằng tuần: “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ti cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống và cho con được vui sống tràn trề khi ở trước Thánh Nhan”.

Lời kết

Khi suy nghĩ về những biến động của cuộc đời, mỗi người chúng ta được mời gọi dùng cảm thức đức tin mà nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang ở sát bên mình, cùng đi với mình và giải thích Lời Người cho chúng ta nghe để lòng chúng ta bừng cháy lên  niềm hy vọng. Người cũng mời gọi chúng ta đến với bàn Tiệc Thánh để gặp gỡ Người, nhận ra Người như hai môn đệ đi Emmaus và mau mắn trở về hoà nhập với cộng đồng để sống trong niềm vui, bình an.