29/11/2024

Phạt nặng việc xả ‘rác quảng cáo’ nơi công cộng

Phát tờ rơi quảng cáo xả ra đường phố, dán quảng cáo lên cột điện, cây xanh… có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng.

 

Phạt nặng việc xả ‘rác quảng cáo’ nơi công cộng

Phát tờ rơi quảng cáo xả ra đường phố, dán quảng cáo lên cột điện, cây xanh… có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng.



Tờ rơi quảng cáo xả tràn lan dưới lòng đường Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM) /// Ảnh: Như Thảo

Tờ rơi quảng cáo xả tràn lan dưới lòng đường Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM)ẢNH: NHƯ THẢO

Quy định này có hiệu lực từ ngày mai (5.5), được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để tình trạng nhức nhối này nếu được thực thi nghiêm. 

 
 
Thưởng tiền người phát hiện phát tờ rơi, dán quảng cáo bậy
Thực tế, trong khi nhiều nơi buông lỏng việc xử phạt, thì nhiều phường tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) thường xuyên kiểm tra, cương quyết xử lý. Theo UBND P.Tam Phú, từ năm 2016 đến nay, phường xử lý 31 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 31 triệu đồng, thu giữ 700 băng rôn, 2.000 poster quảng cáo trái phép. UBND P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) năm 2016 xử lý 21 trường hợp, phạt hơn 26 triệu đồng; năm 2017 đã xử lý 17 trường hợp, phạt 36 triệu đồng, thưởng tiền 18 cá nhân phát hiện các trường hợp phát tờ rơi, dán rao vặt trên địa bàn với mức thưởng 150.000 đồng/người.

 


Cụ thể, theo Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ có hiệu lực từ 5.5, người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5 – 10 triệu đồng (mức phạt trước đây là 1 – 2 triệu đồng); người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội sẽ bị phạt tiền 5 – 10 triệu đồng.
Nghị định cũng đưa ra mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 – 500.000 đồng với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Tờ rơi vẫn xả đầy phố
Thực tế, ngay trước khi quy định mới có hiệu lực, tình trạng phát tờ rơi, dán quảng cáo làm mất mỹ quan đô thị đang diễn ra tràn lan ở TP.HCM.
Khoảng 15 giờ 30 ngày 3.5, tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) có 2 cô gái trẻ đứng phát tờ rơi khi dòng xe máy dừng lại lúc đèn đỏ. 2 cô gái thoăn thoắt lách qua hàng chục chiếc xe máy, phát hết xấp tờ rơi đang cầm trên tay. Tiếp xúc với PV, một trong hai cô gái cho biết là sinh viên đi phát tờ rơi kiếm tiền.
“Em từng bị công an phường mời lên trụ sở để xử phạt nhưng khi biết là sinh viên làm thêm thì công an không phạt tiền mà chỉ cảnh cáo rồi cho về”, nữ sinh thật thà cho biết.
Chiều 2.5, một người đàn ông lớn tuổi đứng ngay ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) phát tờ rơi quảng cáo bất động sản, trong khi một phụ nữ đứng cách đó không xa cảnh giới. Khi thấy PV đưa máy lên chụp hình, người đàn ông và phụ nữ liền ôm bao tờ rơi lên xe máy bỏ đi.
Chị Nguyễn Thị Lụa, lao công tại một toà nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám gần ngã tư trên, cho biết chiều nào chị cũng quét rác ở vỉa hè trước tòa nhà và gom lại cả đống tờ rơi.

Phạt nặng việc xả ‘rác quảng cáo’ nơi công cộng - ảnh 1

Phát tờ rơi quảng cáo ở giao lộ Trường Chinh – Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM)

Theo ghi nhận của PV, hầu như mỗi buổi sáng, tại giao lộ Tây Thạnh – Trường Chinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đều có vài người đứng phát tờ rơi, đủ loại từ mua bán nhà đất, quảng cáo phòng khám, điện máy đến vay tiêu dùng… Khi các xe máy dừng lúc đèn đỏ thì những người này nhào xuống đường dúi tờ rơi vào tay người đi đường. Một số người từ chối không nhận, người phát tờ rơi liền nhét vào sau yên xe máy.
Khi xe di chuyển, những tờ rơi này bị gió thổi bay xuống đường, khiến cả giao lộ thành bãi “rác quảng cáo”. Tương tự, tại giao lộ Nguyễn Ảnh Thủ – quốc lộ 22 (Q.12, TP.HCM) cũng thường xuất hiện nhóm người phát tờ rơi quảng cáo bán đất và cho vay tiêu dùng, biến nơi đây thành nơi chứa rác.
Giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ (Q.1, TP.HCM) cũng là điểm nhiều người chọn làm nơi phát tờ rơi khi xe cộ dừng chờ đèn đỏ. “Tôi không có nhu cầu xem nội dung quảng cáo nhưng nhiều lúc thấy trời nắng chói chang, nhìn mấy cô cậu trẻ tuổi chắc là sinh viên mồ hôi nhễ nhại nên tội nghiệp. Nhận lấy tờ giấy rồi nhét túi quần, về nhà tôi lại vứt sọt rác”, anh Phú (ngụ Q.8) cho biết.
Không những phát tờ rơi ở ngã tư, trên địa bàn TP.HCM còn xuất hiện những người đi phát tờ rơi đến tận nhà. “Cứ sau giờ nghỉ trưa, ra mở cửa là thấy tờ quảng cáo nhét vào khe cửa”, chị Đào (ngụ đường Trịnh Thị Miếng, H.Hóc Môn, TP.HCM) bức xúc. Còn theo Thùy Linh (26 tuổi, làm việc ở một công ty môi giới bất động sản ở Q.Bình Thạnh) tiết lộ: “Cứ phát 1.000 tờ sẽ được trả thù lao từ 100.000 – 130.000 đồng. Nếu phát tại ngã tư sẽ nhanh hơn, còn phát tại nhà dân đi lâu, mất thời gian hơn”.

Phạt nặng việc xả ‘rác quảng cáo’ nơi công cộng - ảnh 3

Các áp phích, tờ quảng cáo treo, dán tràn lan trên phốẢNH: KHẢ HOÀ

Truy theo số điện thoại để xử phạt
Theo luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM, việc xử phạt người trực tiếp phát tờ rơi; người có sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội đã có quy định của Nghị định 28/2017 của Chính phủ (hiệu lực từ 5.5). “Hành vi vi phạm này thường diễn ra công khai ngay tại các giao lộ, nơi công cộng nên việc phát hiện và xử lý là không khó. Vấn đề là cơ quan chức năng có thật sự kiên quyết xử lý hay không mà thôi”, luật sư Thuận nói.
Phạt nặng việc xả ‘rác quảng cáo’ nơi công cộng - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

Chả lẽ không dẹp được ‘rác quảng cáo’ ở TP.HCM?

Đi qua nhiều tuyến đường ở TP.HCM, ta dễ dàng nhận thấy trên các cột điện, cột biển báo giao thông, tường nhà, những tờ rơi quảng cáo, rao vặt in bằng giấy hoặc vải nhựa được treo, dán lung tung làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị (ảnh).  
Theo nghị định, trách nhiệm xử phạt về vấn đề này thuộc về UBND, công an phường xã, quận huyện. Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM, nhìn nhận việc xử lý vi phạm thời gian qua ở nhiều quận, huyện dường như buông lỏng, dẫn đến hệ luỵ là thực tế không những không chuyển biến mà vi phạm ngày càng “bùng nổ”. “Trách nhiệm chính trong việc phát hiện, kiểm tra, xử phạt thuộc UBND các quận, huyện. Nếu như quận, huyện lơ là thì TP phải có chế tài trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa bàn cơ sở”, ông Bình nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM, khẳng định: “TP sẽ có biện pháp nghiệp vụ dựa theo số điện thoại ghi trong các tờ rơi nhằm xác minh các “chủ nhân” có sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quảng cáo trái phép để làm căn cứ xử phạt nghiêm người vi phạm”. Ông Nguyễn Thành Phương, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, khẳng định sẽ giao cho lực lượng công an quản lý địa bàn chủ trì kiểm tra, xử phạt.
Quảng cáo rao vặt tràn lan trên phố
Không chỉ tờ rơi xả xuống phố, theo ghi nhận của PV, tại đường Lê Trọng Tấn (Q.Bình Tân và Q.Tân Phú, TP.HCM), những hàng cột điện, gốc cây ven đường đều bị treo, dán kín các mẩu quảng cáo tuyển dụng, bán đất, cho vay, khoan cắt bê tông… Tại đường Tây Thạnh (Q.Tân Phú) cũng có tình trạng tương tự. Trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đường Hoàng Sa (Q.Tân Bình và Q.3) hàng loạt cột điện, gốc cây, trụ đèn cũng bị treo rất nhiều quảng cáo bán bất động sản…
Tại Hà Nội, bờ tường, cột điện nhiều tuyến phố cũng bị dán các mẩu quảng cáo rao vặt. Cụ thể, các bức tường dọc hai bên các tuyến phố Hoa Bằng, Trung Kính, Yên Hòa (P.Yên Hoà, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đều phủ kín bởi quảng cáo rao vặt. Các cột điện, bốt điện hai bên đường cũng bị các mẩu quảng cáo dán đè lên. Ngoài ra, thông tin quảng cáo rao vặt còn được in lên tấm bạt rồi treo vào các cột điện, cây xanh dọc đường. Nhiều người sinh sống trong ngõ 165 Cầu Giấy (P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy) bức xúc khi các cá nhân lợi dụng đêm khuya để dán quảng cáo trong ngõ, gây mất mỹ quan đô thị.
Trong khi đó, các tấm bảng được chính quyền sở tại bố trí từ năm 2010 để các cá nhân, doanh nghiệp dán quảng cáo miễn phí trở nên vô tác dụng. Theo ghi nhận của PV, nhiều tấm bảng ở các tuyến đường như Thuỵ Khuê, Đội Cấn, Giảng Võ… đều không được sử dụng để dán quảng cáo, nằm phơi mưa nắng nên bị hoen gỉ, xuống cấp.


 

Thanh Niên