Được quy hoạch với kỳ vọng giảm tải áp lực về dân cư và nhà ở, gánh nặng giao thông, ùn tắc cho nội đô Hà Nội, nhưng đến nay đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu nằm trên giấy.
Dở dang đô thị vệ tinh
Được quy hoạch với kỳ vọng giảm tải áp lực về dân cư và nhà ở, gánh nặng giao thông, ùn tắc cho nội đô Hà Nội, nhưng đến nay đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu nằm trên giấy.
Chính vì vậy mà những khu vực được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp, sinh thái, làng đại học sau nhiều năm vẫn trơ trọi, ngổn ngang, thậm chí vẫn là cánh đồng lúa.
“Thành phố đại học” 14 năm hoang vắng
Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được phê duyệt năm 2011, Hà Nội sẽ có đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái. Trong đó, đô thị trung tâm TP dự kiến có 4,6 triệu người (đến năm 2030), 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Ba Vì, Phú Xuyên, Sóc Sơn dự kiến sẽ hút 1,3 triệu người sinh sống. Nhưng trong khi các đô thị vệ tinh vẫn trong quy hoạch giấy, thì khu nội đô đang ngày càng phình to, quá tải với hàng loạt chung cư cao tầng. Thay vì giãn dân thì ngày càng hút dân vào vùng lõi.
Hòa Lạc được xác định sẽ quy hoạch thành đô thị khoa học công nghệ và đào tạo, mục tiêu chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút di dân. Được tạo điều kiện và thúc giục tiến độ triển khai của Chính phủ, khu công nghệ cao Hòa Lạc đang triển khai khá cấp tập. Nhưng mục tiêu vẫn ở phía rất xa.
Khởi công từ năm 2003, dự kiến hoàn thành vào 2015 (tổng vốn dự kiến ban đầu là hơn 7.200 tỉ đồng), dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, có quy mô 1.000 ha, ngoài 13 trường ĐH như KHXH-NV, Khoa học tự nhiên, ĐH Giáo dục, ĐH Luật, ĐH Việt – Nhật, ĐH Ngoại ngữ… còn có các trụ sở viện khoa học, bệnh viện, ký túc xá, trung tâm thể thao… Đã quá 2 năm so với tiến độ hoàn thành, nhưng những gì hiện diện tại dự án mới chỉ có khu nhà khách Trường ĐHQG, dãy nhà cho chuyên gia, 4 dãy ký túc xá cao 5 tầng dành cho sinh viên các trường trong nội thành mỗi năm về 1 lần học quân sự. Cả khu vực rộng lớn gần như không có bóng người, lác đác vài công nhân thi công tại một công trình làm đường nội bộ, một dự án vừa xây xong móng mới nhô lên 2 – 3 tầng và rất nhiều… chú bò nhởn nhơ gặm cỏ.
Theo dự án ban đầu, đến đầu năm 2010 sẽ có 3 trường ĐH tiến quân lên khu ĐHQG là Trường ĐH KHTN, khoa sư phạm (tiền thân của Trường ĐH Giáo dục), Trường ĐH Công nghệ, và tới 2015 toàn bộ ĐHQG HN chuyển lên khu vực này. Nhưng đến nay đã quá hạn 2 năm, mục tiêu này vẫn chưa thành hiện thực.
Trung tâm thương mại vẫn là đồng ruộng
Cách Hòa Lạc hơn 10 km cũng về phía tây, đô thị vệ tinh Xuân Mai (thuộc H.Chương Mỹ lấy vùng lõi là TT.Xuân Mai và các xã lân cận) được xác định là đô thị dịch vụ – công nghiệp, phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống… Tháng 6.2015, quy hoạch chi tiết khu đô thị vệ tinh Xuân Mai được phê duyệt. Nhưng đến nay, con đường dẫn vào TT.Xuân Mai vẫn nhỏ bé, bụi bặm, ngay cả người dân sinh sống cũng rất mơ hồ với khái niệm đô thị vệ tinh. Một cán bộ TT.Xuân Mai cho biết theo quy hoạch chi tiết, khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp là xã Thuỷ Xuân Tiên và Nam Phương Tiến (quy mô 290 ha), khu vực phát triển đô thị mới nằm giữa núi Thoong – sông Bùi (470 ha), khu trung tâm thương mại nằm ở ngã 4 Xuân Mai – QL6, nhưng tất cả vẫn đang nằm yên trên giấy.
Anh Nguyễn Đình Thắng, cán bộ địa chính TT.Xuân Mai, cho biết theo quy hoạch sẽ có trung tâm thương mại lớn nằm tại thị trấn, nhưng nằm ở đâu, nhà đầu tư nào thực hiện vẫn đang là câu hỏi. Đáng nói, từ năm 2009, một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Đại Khánh Hoàn đã đầu tư mở trung tâm thương mại (quy mô 3 ha) tại TT.Xuân Mai. Thu hồi đất xong từ năm 2011, nhưng 6 năm nay dự án vẫn chưa thể triển khai. Gần 3 ha đất ruộng được thu hồi của người dân từ năm 2011 đến nay vẫn bỏ hoang.
Khu vực được xác định là dự án sinh thái nghỉ dưỡng của Xuân Mai nằm trong xã Thủy Xuân Tiên và Tân Tiến với quy mô khủng lên tới 1.200 ha. Nhưng tất cả những gì nhìn thấy được ngoài một số khu resort, sân golf đã xây dựng cách đây khá lâu, đa số phần diện tích vẫn là những cánh đồng lúa. Trong khi đó, giao thông quan trọng nhất để kết nối với khu nội đô là QL6 đoạn Xuân Mai – Hà Đông vẫn là con đường mặt cắt ngang chỉ 2 làn xe nhỏ hẹp, lồi lõm, xuống cấp.
Tương tự Xuân Mai, Sơn Tây được xác định là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng nhờ những cụm di tích như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm… Nhưng trước và sau khi được quy hoạch, các cụm di tích này vẫn chưa hề được khai thác đồng bộ, hiệu quả. Anh Thuận, bán hàng tạp hóa ngay trước cổng đình làng Đường Lâm, cho biết mỗi nhà cổ được hỗ trợ 200.000 – 400.000 đồng/tháng, tuỳ từng mức độ nhà. Người dân Đường Lâm đã từng nhiều lần bức xúc gửi đơn kiến nghị được trả lại danh hiệu di sản, bởi đi không được, ở không xong, không được xây sửa nhà, phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp nhưng nguồn thu gia tăng từ nhà cổ lại không đáng kể. “Khách tham quan đến Đường Lâm cũng tùy mùa, nhưng đến trong ngày rồi về, không có cái gì để giữ được chân khách như có làng nghề, nghỉ dưỡng… Cách làm du lịch như hiện nay không hiệu quả”, anh Thuận chia sẻ.
Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.Chương Mỹ, phát triển đô thị vệ tinh là ý tưởng tốt đẹp, nhưng để làm được phải giải quyết triệt để các vấn đề cơ bản: thu hút dân cư, nhà đầu tư và giao thông kết nối. Lấy ví dụ từ chính Xuân Mai, theo ông Hùng, quan trọng nhất phải trả lời được câu hỏi: Yếu tố nào sẽ thu hút cư dân từ trung tâm ra vệ tinh? Trong khi ở trung tâm, giá trị đất, điều kiện kinh doanh, giáo dục, chăm sóc y tế… đều tốt hơn, kể cả việc cho thuê nhà cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Để hình thành được đô thị vệ tinh Xuân Mai, trước hết phải thu hút từ 6 – 8 vạn sinh viên, bố trí hơn 172 ha đất trường tập trung và 147 ha đất dự trữ.
Đáng nói, dù quy hoạch chung thủ đô triển khai đã hơn 5 năm, nhưng việc chuyển các trường ĐH nội đô ra khu vệ tinh rất chậm, chưa hình thành được khu ĐH nào trên thực tế. Với lĩnh vực công nghiệp, Xuân Mai đã định hướng khu công nghiệp Nam Tiến Xuân với quy mô gần 200 ha. Dù đã tạo điều kiện cơ chế và chính sách thu hút, ưu đãi cho doanh nghiệp, nhưng đến nay khu công nghiệp này vẫn nằm trên giấy.
Dọc trục đại lộ Thăng Long dẫn về Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, hàng loạt khu đô thị “ma” đã tồn tại nhiều năm nay, kể cả thời kỳ suy thoái bất động sản cũng như khi thị trường phục hồi. Dự án khu đô thị Sunny Garden City nằm trên địa bàn Sài Sơn, H.Quốc Oai được đầu tư từ những năm 2008, dù chủ đầu tư là C.E.O Group đã xây thô xong hơn 200 căn biệt thự, hoàn thiện cả hạ tầng và tiện ích của khu đô thị nhưng vẫn rất ít người sử dụng. Chung số phận với khu đô thị này là Thiên Đường Bảo Sơn, Nam An Khánh…, hàng trăm nhà liền kề, biệt thự được xây dựng nhiều năm vẫn nằm phơi sương, dãi nắng.
Trả lời thắc mắc của cử tri về đô thị vệ tinh trong các cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: Phải phát triển hạ tầng đồng bộ, các tuyến kết nối, xuyên tâm, vành đai thì mới phát huy được lợi thế đô thị vệ tinh. “Hạ tầng có đồng bộ, đảm bảo 30 phút người dân từ Sơn Tây ra được trung tâm thì người ta sẽ về Sơn Tây sống. Sức ép rất lớn về môi trường, tiếng ồn… xu hướng thế giới là làm ở trung tâm, nhưng ra khỏi nội đô ở”, ông Hải nói. Theo ông Hải, trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch, TP cũng đang thay đổi lại phương pháp: trước đây phát triển đô thị theo hướng vết dầu loang, mà như bà con phản ánh là nhà máy di dời chung cư mọc lên. “Vết dầu loang” chủ yếu dựa trên các hạ tầng gốc, nhưng nếu phát triển được 5 đô thị vệ tinh một cách độc lập, có kết nối trung tâm, sẽ tránh được tình trạng này