Phú Yên chấp nhận mất rừng để làm dự án
Ông LÊ THANH ĐỒNG – trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên – trả lời Tuổi Trẻ việc tại sao HĐND tỉnh lại phê chuẩn những tờ trình của UBND tỉnh về các dự án lấy nhiều diện tích rừng.
Phú Yên chấp nhận mất rừng để làm dự án
Ông LÊ THANH ĐỒNG - trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên - trả lời Tuổi Trẻ việc tại sao HĐND tỉnh lại phê chuẩn những tờ trình của UBND tỉnh về các dự án lấy nhiều diện tích rừng.
Tỉnh Phú Yên chủ trương phá rừng phòng hộ và thi công sân golf tại dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, nhưng phủ nhận dự án này liên quan đến cuộc thi hoa hậu hữu nghị ASEAN – Ảnh: V.TR. |
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, Phú Yên có 20 dự án đầu tư lấy khoảng 1.000ha đất rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ. Ngoài một vài dự án lớn lấy đất rừng phòng hộ trên 20ha phải xin ý kiến Thủ tướng, hầu hết dự án còn lại đều thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh.
Tại sao HĐND tỉnh lại phê chuẩn những tờ trình của UBND tỉnh về các dự án phải lấy nhiều diện tích rừng như vậy? Được sự uỷ quyền của Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, ông LÊ THANH ĐỒNG – trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên - trả lời:
Có những dự án HĐND tỉnh cho chủ trương, nhưng cấp có thẩm quyền thấy không phù hợp, họ yêu cầu điều chỉnh thì mình phải điều chỉnh. Mình không đơn phương làm được. Quy trình là rất chặt. Còn quá trình thực hiện có sai sót thì phải chấn chỉnh, khắc phục để cho đúng quy trình, quy định |
Ông LÊ THANH ĐỒNG trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên |
– Tất cả những vấn đề về dự án, đầu tư, xây dựng… đều căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm năm 2015-2020.
Việc UBND tỉnh trình cho HĐND tỉnh những dự án có liên quan đến việc sử dụng đất rừng là việc hết sức bình thường. HĐND tỉnh phê chuẩn, nhưng quan trọng là sau đó UBND tỉnh phải tổ chức thực hiện dự án đúng quy trình, quy định pháp luật.
HĐND tỉnh cũng có thẩm quyền ở một mức độ thôi. Ví dụ đối với đất rừng mà khi phê duyệt thứ kia thứ nọ, điều chỉnh quy hoạch rừng… thì phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự án muốn được thực hiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ Tài nguyên – môi trường phê duyệt.
Quá trình tổ chức thực hiện, nếu đâu đó có khâu này khâu khác chưa đảm bảo thì những vấn đề đó cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.
* Nhưng khi phê duyệt những dự án trên thì Phú Yên chấp nhận mất khoảng 1.000ha rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ. Sắp tới sẽ có một số dự án lấy diện tích lớn đất rừng phòng hộ ven biển nữa để triển khai, như dự án trường đua ngựa tại xã An Mỹ (huyện Tuy An). Sau những phản ứng của dư luận gần đây về việc đổi rừng lấy dự án, HĐND tỉnh Phú Yên sẽ cân nhắc thế nào?
– Trong mọi vấn đề đừng mong muốn là việc gì cũng được hết hay việc gì cũng mất hết. HĐND tỉnh xem xét kỹ việc được nhiều – mất ít hoặc mất nhiều – được ít để cân nhắc vấn đề phát triển, đặc biệt là liên quan đến môi trường.
Về đất đai thì trước hết hạn chế sử dụng đất lúa hai vụ, đất rừng thì cân nhắc xem xét quy hoạch ba loại rừng ở mức độ nào là phù hợp, vừa đảm bảo môi trường vừa phù hợp cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng nói vậy không có nghĩa là không thu hồi đất rừng, kể cả đất rừng phòng hộ, không có nghĩa là không được thu hồi, kể cả đất lúa hai vụ.
Theo quy định của Luật đất đai, đối với việc thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng từ 20ha trở lên, thu hồi đất lúa từ 10ha trở lên là phải xin ý kiến Thủ tướng, còn diện tích dưới mức đó thì HĐND tỉnh cân nhắc xem xét theo thẩm quyền.
Xin nói là động cơ (của việc đổi diện tích rừng làm dự án – PV) là vì mục tiêu phát triển của địa phương, ngoài ra không có vấn đề gì khác. Còn đâu đó trong quá trình tổ chức thực hiện còn khiếm khuyết như báo chí nêu thì cố gắng khắc phục.
* Không chỉ dự án sân golf của New City lấy hơn 112ha rừng phòng hộ ven biển, mà sắp tới còn một loạt dự án khác cũng sẽ lấy đi rừng phi lao dọc biển từ TP Tuy Hòa ra huyện Tuy An. Xin hỏi ông, với tư cách một công dân Tuy Hòa, ông thấy để thảm phi lao này lại tốt hơn hay phá bỏ làm dự án kinh tế tốt hơn?
– Tốt hơn hay xấu hơn thì phải phụ thuộc vào ĐTM, vì tất cả dự án đều phải thực hiện một quy trình bắt buộc, nghiêm ngặt trước khi triển khai là phải có ĐTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt. ĐTM đánh giá được hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án thế nào. Mình tay ngang làm sao biết được.
TP Tuy Hoà cũng đã có quy hoạch phân khu phát triển, riêng dải bờ biển thì hầu hết là quy hoạch phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái. Tôi không chỉ là công dân TP Tuy Hoà, mà còn là đại biểu HĐND tỉnh, trong các cuộc tiếp xúc cử tri thì bà con cũng phản ảnh dải bờ biển Tuy Hòa sao lụp xụp quá, trong khi bãi biển đẹp, nhiều tiềm năng.
Những dự án đầu tư du lịch ven biển Tuy Hoà lấy một diện tích rừng phi lao phòng hộ nhưng không có nghĩa là phát trắng, mà có diện tích cây xanh để lại, diện tích phải trồng vào thêm theo thiết kế, quy hoạch nên vẫn còn hành lang bảo vệ.
Nếu ảnh hưởng môi trường như cát bay, bão gió thì trước tiên dự án đó phải hứng chịu rồi mới tới nhà dân. Họ đổ tiền tỉ ra làm dự án thì phải tính toán để bảo vệ trước những vấn đề đặt ra như thế.
Tóm lại, HĐND tỉnh phê duyệt các dự án là cho chủ trương, còn triển khai thực hiện thì phải đúng theo quy định pháp luật. HĐND giám sát việc triển khai thực hiện đó có đúng không.
* Nhưng HĐND tỉnh giám sát thế nào mà một số dự án lớn như lấy rừng ở huyện Sông Hinh để nuôi bò thịt chất lượng cao, lấy rừng phòng hộ ven biển để làm sân golf của New City… đều có vấn đề, có sai sót?
– Chúng tôi cũng đang theo dõi, giám sát những dự án đó. Công tác giám sát của HĐND tỉnh là thường xuyên chứ không phải cái gì giám sát là cũng được hết, có hết, thấy hết. Chúng tôi cảm ơn báo chí đã góp phần giúp HĐND tỉnh làm tốt công tác giám sát của mình.
Ngoài giám sát, HĐND tỉnh phải lắng nghe cử tri, báo chí, dư luận xã hội và cân nhắc, chắt lọc những vấn đề nào cần nắm lại, giám sát lại.
HĐND sẽ giám sát những việc tổ chức thực hiện các dự án, nếu còn những khâu nào chưa tốt, thiếu sót như báo chí phản ánh thời gian qua thì HĐND tỉnh sẽ cân nhắc, xem xét có ý kiến vào thời điểm phù hợp.