Thiết bị bảo vệ người già và trẻ em
Đó là thiết bị định vị và giám sát sức khoẻ do Lê Văn Đây, sinh viên ngành cơ điện tử, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, sáng chế.
Thiết bị bảo vệ người già và trẻ em
Đó là thiết bị định vị và giám sát sức khoẻ do Lê Văn Đây, sinh viên ngành cơ điện tử, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, sáng chế.
Sản phẩm này vừa giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học – FAMELAB 2017, khu vực miền Trung – Tây nguyên do ĐH Đà Nẵng phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức.
TIN LIÊN QUAN
Sắp ứng dụng công nghệ tương tác thông minh của sinh viên tại các bảo tàng
Công trình 5 năm nghiên cứu của nhóm đang được UBND TP.HCM chọn để triển khai vào thực tế tại các bảo tàng.
“Một lần tình cờ thấy mẹ đi làm đồng về say nắng gần ngã quỵ, phải tấp vào gốc cây ven đường nghỉ mệt, mình rùng mình khi nghĩ đến những tình huống xấu, những di chứng của huyết áp, tim mạch, đột quỵ… của người lớn tuổi, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Sản phẩm được nghiên cứu và ra đời từ đó”, Đây kể.
Thiết bị được chế tạo nhỏ gọn, tích hợp công nghệ phát – thu RF, định vị GPS, cảm biến nhiệt độ, cảm biến nhịp tim và module phát âm thanh giọng nói. Khi đeo trên tay, bất cứ sự thay đổi bất thường nào về nhịp tim hay thân nhiệt đều được nhận diện và cảnh báo. Đây là hai tín hiệu quan trọng nhất đối với sức khỏe, báo hiệu tình trạng bất ổn định, viêm nhiễm khi thân nhiệt đột ngột nóng lên hay lạnh đi. Những tín hiệu này sẽ được chuyển đến bộ xử lý trung tâm, cảnh báo bất thường và kết nối với người quản lý.
Cùng với tín hiệu báo động, thiết bị sẽ nhanh chóng định vị người sử dụng và báo về máy chủ, hoặc gọi đến những số máy được cài đặt sẵn. Thiết bị cũng đồng thời kết nối với hệ thống loa báo gần nhất trong khu vực để người gần nhất có thể trợ giúp, phòng khi người quản lý chưa kịp có mặt.
Bộ xử lý trung tâm sẽ phát ra tín hiệu RF liên tục, nếu người cao tuổi nằm trong vùng phủ sóng thì thiết bị đeo tay sẽ nhận được sóng này, nếu người đó đi ra khỏi vùng phủ sóng thì thiết bị đeo tay sẽ gửi thông tin kèm theo địa chỉ GPS đến cho con cháu hoặc người quản lý.
Thiết bị cũng hỗ trợ người thân tìm kiếm khi người đeo thiết bị đi lạc thông qua ba phương tiện: nhận diện vị trí qua cảm biến đặt trong nhà, định vị qua GPS, lưu lại vị trí cuối cùng mà thiết bị nhận được nếu trong quá trình sử dụng gặp phải sự cố hỏng hóc. Những thông tin mà máy nhận được sẽ gửi đến điện thoại của người thân khoảng 5 phút/lần, tùy vào chế độ cài đặt, trong từng thời gian cụ thể.
TIN LIÊN QUAN
Chàng trai trẻ sở hữu nhiều phần mềm đột phá
Nguyễn Xuân Giềng (23 tuổi) được xem là người có nhiều phần mềm sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin mang tính đột phá.
“Thiết bị của mình tích hợp sẵn khả năng nghe – gọi ngay trên sản phẩm mà không cần phải kết nối với điện thoại, thông qua thẻ sim”, Lê Văn Đây thuyết minh về thiết bị.
Hiện sản phẩm đang được Đây nghiên cứu và tích hợp thêm cảm biến gia tốc, kiểm soát vận động, phát hiện té ngã, đột quỵ. Các thông số sẽ được cập nhật và update lên internet, tin nhắn, web thống kê và bác sĩ sẽ thông qua đó chẩn đoán sớm bệnh từ những biểu hiện bất thường. Thiết bị này còn dùng để bảo vệ trẻ em tránh khỏi những tình huống ấu dâm, bắt cóc, xâm hại… thông qua biểu đồ có tính bất thường của nhịp tim, huyết áp và ra tín hiệu kêu gọi hỗ trợ kịp thời.
“Trẻ chỉ có thể nói chuyện với người thân qua những số máy cài đặt chứ không thể chơi game và online nên rất tiện để kiểm soát và rất an toàn cho trẻ nhỏ”, Đây cho biết. Đây kỳ vọng rằng sản phẩm của mình sẽ được sản xuất rộng rãi và lưu hành trên thị trường với mức giá không quá 5 triệu đồng. “Đây sẽ là mức giá hợp lý nhất để sản phẩm có thể đến tay nhiều người dùng trong tương lai”, Đây chia sẻ.
An Dy