‘Cơn ác mộng’ của những kẻ tạt axit
Cuộc đời cô doanh nhân trẻ Natalia Ponce de Leon xinh đẹp, thành công trong lĩnh vực kinh doanh thời trang đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi bị một kẻ tạt axit năm 2014.
‘Cơn ác mộng’ của những kẻ tạt axit
Cuộc đời cô doanh nhân trẻ Natalia Ponce de Leon xinh đẹp, thành công trong lĩnh vực kinh doanh thời trang đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi bị một kẻ tạt axit năm 2014.
Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà Melania Trump, chụp ảnh cùng Natalia Ponce de Leon tại buổi lễ trao giải thưởng dành cho Phụ nữ quốc tế dũng cảm năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ – Ảnh: Heavy |
“Mọi thứ trở nên tối sầm” – cô nhớ lại tai nạn kinh hoàng, bảo rằng khi đó cô cảm thấy da dẻ và toàn bộ quần áo trên người như cùng tan chảy khi bị cả một lít axit sulphuric tạt vào mặt và người. “Tôi cũng không nhớ là mình có thấy đau không nữa” – cô nói.
Kẻ tấn công là Jonathan Vega, mới chỉ gặp cô hai lần và họ thậm chí còn chưa từng nói chuyện với nhau, nhưng không hiểu sao gã phải lòng cô. Khi thấy tình cảm không được đáp lại, gã lên kế hoạch tỉ mỉ tấn công cô. Hắn mua chai axit sulphuric từ tám tuần trước, âm thầm theo dõi nếp sinh hoạt hằng ngày của cô để chờ thời điểm ra tay. Biết Natalia sống một mình, hắn đã tính toán để ra tay ngay tại nhà riêng.
Sau tai nạn, Natalia bị bỏng nặng phần mặt, bụng và một chân. Cô “không còn khuôn mặt nữa và luôn muốn chết”. Cô nhớ lại: “Tôi thực sự đã rơi xuống vực sâu nhất của cuộc đời và không nghĩ mình có thể sống tiếp”.
Colombia là quốc gia có tỉ lệ phụ nữ bị tấn công bằng axit thuộc loại cao nhất thế giới. Trong 10 năm qua, tại đây có hơn 900 nạn nhân các vụ tấn công bằng hoá chất, tỉ lệ cao thứ ba thế giới chỉ sau Bangladesh và Pakistan.
Số vụ tấn công trên thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều vì không ít nạn nhân bị tấn công nhưng xấu hổ không dám tới bệnh viện. Nhưng điều đáng nói là trước cuộc vận động của Natalia, Colombia chưa có luật xử phạt các hành vi tấn công tàn bạo đó.
Theo trang web của Quỹ Natalia Ponce de Leon, có tới 99% nạn nhân bị tấn công, phần lớn trong đó là phụ nữ, không được chứng kiến kẻ tấn công họ bị trừng trị trước pháp luật. Ngay trong vụ việc của Natalia, gã Vega cũng đã biến mất sau khi ra tay, bỏ mặc cô la hét đau đớn.
Ở một phương diện nào đó, có thể nói Natalia đã may mắn hơn những nạn nhân cùng cảnh ngộ. Cô có được một luật sư giỏi, người này đã giúp cô tạo được áp lực với cơ quan chức năng, buộc họ phải truy lùng và trừng phạt kẻ tấn công cô.
Chính Tổng thống Colombia Manuel Santos đã treo mức thưởng chưa từng có tiền lệ là 37.000 USD cho nguồn tin giúp bắt được tên Jonathan Vega. Chỉ trong tám ngày người ta đã bắt được hắn.
Tuy nhiên khi ra tòa, người ta mới vỡ lẽ là luật pháp Colombia vẫn chưa có luật quy định rõ ràng mức phạt với hành vi tội lỗi của hắn. Và đó là lúc Natalia bắt tay vào cuộc chiến đấu đòi quyền lợi cho các nạn nhân bị tấn công bằng hoá chất như mình.
Trong những năm tháng khủng hoảng đó, chiếc mặt nạ đặc biệt của ông Mark Dillon, nhà sáng lập Công ty Bio Med Sciences chuyên sản xuất các loại vật liệu điều trị vết thương, đã giúp Natalia Ponce de Leon có niềm tin gượng dậy. Cô đã đồng hành cùng chiếc mặt nạ ấy trong mọi nỗ lực vận động, thuyết phục, chứng minh rằng tội ác của những kẻ tấn công người khác bằng hoáchất cần phải bị pháp luật nghiêm trị.
Tháng 1-2016, một luật mới với các điều khoản trừng phạt thẳng tay loại tội phạm tấn công người khác bằng axit với án tù lên tới 50 năm đã chính thức đi vào đời sống ở Columbia, đất nước quê hương của Natalia Ponce de Leon. Điều đáng nói, người ta đã lấy tên của Natalia để đặt cho luật mới này, ghi nhận các nỗ lực vận động của cô gái sinh năm 1981 trong suốt quá trình khởi thảo và phê chuẩn.
Vào ngày điều luật mới được phê chuẩn, lần đầu tiên Natalia Ponce de Leon xuất hiện trước mọi người với gương mặt đã bị tàn phá của mình. Cô tháo bỏ chiếc mặt nạ của ông Mark Dillon, tới thăm ông và kể ông nghe câu chuyện đời mình. Lúc này Natalia đã là một phụ nữ khoẻ mạnh, hạnh phúc. Cô nói với vị ân nhân: “Đã đến lúc tôi phải gỡ bỏ chiếc mặt nạ của mình. Tôi đã sống!”.
Kể từ lúc bị tấn công tới nay, cô đã trải qua ít nhất 22 ca phẫu thuật (riêng 16 ca phẫu thuật gương mặt) để hồi phục dần cả về ngoại hình lẫn sức khoẻ, và sẽ còn phải tiếp tục trải qua những đợt phẫu thuật khác nữa.
Nhưng Natalia Ponce de Leon đã không trở thành một nạn nhân, cô trở thành một người chiến đấu vì quyền của những nạn nhân khác. Sức mạnh của Natalia Ponce de Leon đã truyền đi một niềm cảm hứng sống mạnh mẽ với rất nhiều người.
Ngày 29-3 vừa qua, cùng với 12 phụ nữ đến từ các quốc gia khác như Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Peru…, Natalia Ponce de Leon đã trở thành gương mặt phụ nữ được Bộ Ngoại giao Mỹ lựa chọn trao giải thưởng dành cho Phụ nữ quốc tế dũng cảm.
Đây là một giải thưởng thường niên có từ năm 2007 dành tôn vinh những phụ nữ trên toàn thế giới đã có cống hiến trong công cuộc thúc đẩy hoà bình, an ninh và quyền phụ nữ ở đất nước họ.