02/11/2024

Lo cá chết ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Nhiều năm qua, cứ mưa đầu mùa là cá dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) chết hàng loạt. Những ngày đầu tháng 4, khi một vài trận mưa trái mùa đổ xuống là cá trên kênh này lại chết…

 

Lo cá chết ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

 Nhiều năm qua, cứ mưa đầu mùa là cá dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) chết hàng loạt. Những ngày đầu tháng 4, khi một vài trận mưa trái mùa đổ xuống là cá trên kênh này lại chết…

 

 

 

Lo cá chết ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Công nhân vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào đầu mùa mưa năm 2016 – Ảnh: Q.KHẢI

Thực tế này khiến nhiều người lo ngại khó ngăn được nạn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chết vào đầu mùa mưa. Trong khi đó, sau nhiều lần cá chết trước đây, nguyên nhân đã được xác định, giải pháp khắc phục đã được đề xuất, nhưng đến nay một số giải pháp căn cơ để hạn chế nạn cá chết trên dòng kênh này vẫn còn đang bàn thảo.

Những dấu hiệu cảnh báo

Theo một công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, sau những cơn mưa trái mùa đầu tháng 4, ngày 4-4 lượng cá chết vớt được trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khoảng vài trăm ký (chủ yếu vẫn là cá rô phi, chép).

Ngày 13-4, nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè khá lớn, nhưng đoạn kênh phía thượng lưu (gần đường Út Tịch, Q.Tân Bình) có rất nhiều cá nổi lên hớp bọt nước. Đa số cá nổi lên trên mặt nước là cá trê loại nhỏ tầm ngón tay cái, ngón tay út chứ không phải cá rô phi như thường thấy. Một công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP có mặt tại đây cho rằng có thể cá này do người dân mới phóng sinh, lạ môi trường nước nên nổi lên trên.

 

Cũng tại đoạn kênh trên, bong bóng nước liên tục nổi lên – một dấu hiệu ô nhiễm do thoát khí độc tích tụ trong lớp bùn cặn dưới đáy kênh mà Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) 
đã từng cảnh báo.

Trong hơn ba năm qua, sau những trận mưa đầu mùa lại xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Thời điểm cá chết nhiều nhất được ghi nhận trong ngày 17 và 18-5-2016 với hơn 70 tấn cá chết được vớt lên. Sau thời điểm này, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai giải pháp khắc phục, chủ động phòng ngừa ứng phó với tình trạng cá chết trên kênh, nhưng đến nay nhiều giải pháp vẫn chưa thực hiện được.

Chưa tạo oxy, nạo vét kênh…

PGS.TS Vũ Cẩm Lương, chủ nhiệm đề tài “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè”, đã từng cảnh báo hiện tượng cá chết có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là môi trường nước dưới kênh bị thay đổi đột ngột trong những trận mưa đầu mùa. Ngoài ra, lượng cá rô phi dưới kênh thời điểm nghiên cứu quá nhiều (chiếm hơn 84%) so với các loài thuỷ sản khác nên ông Lương khuyến cáo phải giảm loại cá này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương cho biết cần phải giảm ít nhất 30% lượng cá rô phi thì thuỷ vực ở Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới đảm bảo cho thuỷ sản sinh sống, phát triển. Để giảm đàn cá, ông Lương cho rằng có thể dùng biện pháp thủ công là dùng lưới quây bắt cá sống, sau đó đem thả ở sông Sài Gòn. Giải pháp thứ hai, theo ông Lương, là cần tạo thêm oxy trong nước bằng các vòi phun đặt dưới kênh tạo môi trường tốt hơn cho cá.

Khi chúng tôi hỏi về giải pháp hạn chế cá chết dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bà Võ Thị Mộng Thu – Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP – cho biết đã xây dựng kế hoạch chủ động trong vấn đề này và trình UBND TP. Tuy nhiên, UBND TP yêu cầu phải tiếp tục lấy ý kiến các sở ngành, chuyên gia. “Sau khi có sự thống nhất của các đơn vị, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí” – bà Thu cho biết.

Đề cập đến việc sử dụng hóa chất zeolite giúp hấp thu khí độc khi xảy ra hiện tượng cá chết, bà Thu cho rằng đây là giải pháp bị động, chỉ xử lý hiệu quả trong môi trường nước “kín”, chứ lưu vực lớn, nước ra vào như Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ khó phát huy 
hiệu quả cao.

Còn đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP cho biết nhằm hạn chế các chất ô nhiễm trong lòng cống theo nước mưa tràn ra lòng kênh, đơn vị này đã hoàn tất việc nạo vét, khơi thông bùn, cặn… dọc theo các tuyến cống đổ về lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Về giải pháp tạo thêm oxy bằng vòi phun nước, một lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP cho biết đã có đơn vị đề xuất cách thực hiện nhưng chi phí đầu tư quá lớn (hơn 130 tỉ đồng), chưa kể chi phí vận hành nên cơ quan chức năng đang xem lại giải pháp này.

Một giải pháp khác được cho là căn cơ lâu dài đối với môi trường ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mà UBND TP đã yêu cầu Khu quản lý đường thuỷ nội địa (Sở Giao thông vận tải TP) thực hiện trước mùa mưa là nạo vét lớp bùn cặn ô nhiễm dưới đáy kênh. Thế nhưng, đến nay khi mùa mưa đã cận kề mà việc này vẫn chưa được thực hiện. Ngày 13-4, ông Trần Văn Giàu – giám đốc Khu quản lý đường thuỷ nội địa – cho biết trong tuần tới mới có thể trình kế hoạch nạo vét đáy kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho Sở Giao 
thông vận tải TP.

Xem lại việc nuôi cá trên kênh 
Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường TP, cần xác định lại chức năng của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Vị này cho rằng mục đích chính của con kênh này là thoát nước, giao thông thuỷ. Còn việc thả cá trước đây chủ yếu cho thấy môi trường dòng kênh có dấu hiệu hồi sinh, chứ không phải chứng minh dòng kênh phù hợp để nuôi cá. “Môi trường nước ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tất nhiên cần tiếp tục được cải thiện, nhưng không phải môi trường để nuôi cá” – vị này nói.

QUANG KHẢI