29/11/2024

Mạo danh đại dự án để huy động vốn

Công ty cổ phần Virtue Resources VN quảng bá đang thực hiện nhiều dự án khủng ở trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị, đưa ra mức lợi nhuận cao nhằm huy động vốn trái phép.

 

Mạo danh đại dự án để huy động vốn

Công ty cổ phần Virtue Resources VN quảng bá đang thực hiện nhiều dự án khủng ở trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị, đưa ra mức lợi nhuận cao nhằm huy động vốn trái phép.



Lễ ký kết do VR dựng lên
 /// Ảnh: Vona cung cấp

 

Lễ ký kết do VR dựng lênẢNH: VONA CUNG CẤP

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lên tiếng bóc mẽ sự mạo danh của công ty này.
Thông qua một nhà đầu tư đang đầu tư ở Công ty cổ phần Virtue Resources VN (VR), PV Thanh Niên đã tham dự buổi thuyết trình huy động vốn do Công ty cổ phần Asia Venture (AVC), công ty con của VR, tổ chức tại lầu 7 của một toà nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Lợi nhuận thấy mà ham
Khi PV có mặt, ở đây đã có 30 – 40 khách hàng đang dự buổi thuyết trình. Ông L., một nhà đầu tư đồng thời là người lôi kéo khách hàng cho VR, cho biết VR là một công ty của Malaysia nhưng có vốn đầu tư từ Mỹ. VR có trụ sở chính ở tầng 19 tòa nhà Petro VN số 1 – 5 Lê Duẩn (Q.1), còn địa chỉ 21K Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận) là nơi để công ty con AVC hoạt động. VR đang tìm khách hàng, nguồn vốn để cuối năm 2017 sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Theo ông L., hiện công ty đang có 2 gói đầu tư: V63 trị giá 6.615 USD (tương đương 152 triệu đồng) và V255 trị giá 26.775 USD (615 triệu đồng). Ông L. khuyên người mới thì nên đầu tư gói V63. Mua gói V63, nhà đầu tư sẽ nhận 125 USD/ngày (khoảng 2,8 triệu đồng). Tuy nhiên, VR sẽ không cho nhà đầu tư nhận hết bằng tiền mặt mà chỉ trả 30%, tương đương 37,5 USD/ngày, còn 30% (37,5 USD) để mua cổ phiếu và 40% (50 USD) dành để mua thêm các gói đầu tư. Nhà đầu tư sau khi bỏ tiền tham gia sẽ được cấp tài khoản để theo dõi chi tiết tiền mặt, cổ phiếu mà công ty chi trả. Nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh rút tiền vào thứ bảy và chủ nhật, sau 14 ngày kể từ thời điểm đặt lệnh, tiền sẽ về tài khoản.
Ông L. thông tin thêm, với hình thức “góp vốn” này, cổ phiếu mới là nguồn đem lại lợi nhuận chính cho nhà đầu tư. Theo đó, VR sẽ bán ưu đãi cho nhà đầu tư với giá 0,15 USD/cổ phiếu. Đến tháng 12.2017, cổ phiếu VR sẽ IPO ở sàn Nasdaq với giá khởi điểm 1 USD/cổ phiếu, tức gấp 6 lần giá công ty bán cho nhà đầu tư. Chưa kể sau khi lên sàn, giá cổ phiếu sẽ tăng hơn 1 USD và toàn bộ lợi nhuận này nhà đầu tư hưởng hết!
“Công ty cam kết khi lên sàn giá 1 USD/cổ phiếu, nếu ai muốn bán cổ phiếu thì công ty sẽ thu lại hết. Nếu IPO không thành công, đầu tháng 3.2018, công ty sẽ thu mua hết cổ phiếu đã bán cho nhà đầu tư bằng với giá bán ra là 0,15 USD/cổ phiếu. Đây vẫn được coi là lợi nhuận vì trước đó nhà đầu tư đã được hoàn vốn rồi”, ông L. nói và còn trấn an công ty đang có hệ thống hơn 50.000 nhà đầu tư phủ khắp VN, có mức độ an toàn nhất trong các công ty hoạt động theo mô hình tương tự.
Mạo danh đại dự án để huy động vốn - ảnh 1

Khách hàng tham dự buổi thuyết trình của VR tại lầu 7 tòa nhà số 21K Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận)ẢNH: TRUNG HIẾU

Quảng cáo dự án “khủng”
Để huy động vốn, VR luôn “nổ” đang triển khai nhiều dự án “khủng” ở Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, VN. Trong các buổi thuyết trình, đại diện VR “úp mở” do có quan hệ với lãnh đạo cấp cao chính phủ Malaysia nên VR được “ưu tiên” lấy các dự án mà chính phủ sở tại đang triển khai. Tiêu biểu như VR đang đầu tư dự án khai thác mỏ vàng tại Pahang (Malaysia) với tổng trữ lượng 5.000 tấn vàng, sau khi dự án hoàn thành sẽ thu về 158 triệu USD mà chi phí bỏ ra chỉ 29 triệu USD.
Dự án thứ hai mà VR tự nhận đang đầu tư ở Malaysia là toà tháp đôi Vona Sky ở Penang với giá trị đầu tư ban đầu là 125 triệu USD. Để nhà đầu tư tin tưởng, cuối năm 2016, VR đưa 400 nhà đầu tư sang Malaysia tham quan dự án tháp đôi và chứng kiến VR ký kết thỏa thuận với chính quyền Malaysia lẫn các đối tác tham gia dự án.
VR còn “quảng cáo” đầu tư chuỗi 12 khách sạn container của Tập đoàn Carton dọc suốt các bãi biển VN. Trong 3 năm tới, VR sẽ hoàn thành 7 dự án khách sạn với tổng giá trị đầu tư 60 triệu USD và đầu tiên là dự án khách sạn ở Phú Quốc. Ở Trung Quốc, VR đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh. VR cũng quảng cáo sẽ đầu tư xây dựng thành phố nghỉ dưỡng lớn nhất châu Á mang tên Empire World City trên diện tích đất rộng 1.250 ha ở Bavet (Campuchia)…
Mạo danh dự án trăm triệu USD ở Malaysia
Trong các dự án mà VR quảng cáo, hiện chỉ có dự án tòa tháp đôi Vona Sky đã triển khai. Các dự án còn lại mới chỉ được VR “vẽ” ra. Tuy nhiên, mới đây, đại diện Tập đoàn Vona Properties and Gambier Sanctuary (gọi tắt là Tập đoàn Vona, chủ sở hữu thực sự của dự án Vona Sky) tại VN lên tiếng và đưa ra những bằng chứng khẳng định VR giả mạo dự án Vona Sky để lừa nhà đầu tư ở VN.
Trả lời Thanh Niên, ông Tan Chong Keat, người sáng lập và hiện là Chủ tịch Tập đoàn Vona, cho biết đã nắm thông tin VR mạo danh dự án vào tháng 12.2016. Sau đó, Vona ủy quyền đại diện ở VN làm rõ thông tin. Ông Tan cho biết: “Vona Sky có khu nhà mẫu nằm trong dự án để khách hàng muốn mua nhà có thể tới đó tham quan, tìm hiểu. Đây chính là kẽ hở để các tổ chức muốn lợi dụng hình ảnh, đưa người qua để giới thiệu mình là đối tác của tập đoàn khiến nạn nhân sập bẫy. VR từng đề nghị được “sử dụng hình ảnh” của Vona nhưng chúng tôi dứt khoát từ chối vì không muốn hình ảnh của tập đoàn bị lợi dụng”.
Về chuyện vào tháng 10.2016, khi đưa 400 nhà đầu tư sang Malaysia, VR công bố lễ ký kết với Gambier liên quan đến dự án Vona Sky, ông Tan khẳng định đó là sự giả mạo. Theo ông, Gambier là công ty con của Tập đoàn Vona và chưa bao giờ ký kết liên quan đến dự án Vona Sky. “Tập đoàn phối hợp với chính quyền, cảnh sát ở Malaysia “điểm mặt” những người đại diện của VN và sẽ có biện pháp kiểm soát, xử lý theo luật”, ông Tan nhấn mạnh.
Ông Mohd Hashim, Tổng giám đốc Tập đoàn Vona, cho biết vào cuối năm 2016, đại diện VR có qua xin đưa khoảng 300 – 400 người tới tham quan dự án. Ông Mohd Hashim có đứng ra tiếp, giới thiệu bằng tiếng Anh về vị trí, quy mô, tiềm năng dự án, sau đó người của VR dịch ra bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, sau đó ông Mohd Hashim phát hiện hình ảnh của mình được cắt gọt, lồng ghép vào những clip của VR đăng trên mạng YouTube. “Tôi khẳng định hôm đó chỉ nói về quy mô dự án và không hề nói đến chuyện hợp tác với VR. Họ đã lừa tôi và nhà đầu tư VN”, ông Mohd Hashim nói.
Đáng lưu ý, VR công bố dự kiến giữa tháng 4.2017 tiếp tục đưa 400 nhà đầu tư VN sang Malaysia tham quan dự án Vona Sky và mỏ vàng ở Pahang. Tuy nhiên, trước động thái cứng rắn của Tập đoàn Vona, VR chuyển hướng sẽ đưa 400 nhà đầu tư tham quan “đại dự án” Empire World City ?!
VR không có dự án khách sạn container ở Phú Quốc
Về dự án khách sạn container ở Phú Quốc, trả lời PV Thanh Niên vào chiều 11.4, ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc, cho biết qua rà soát không có dự án khách sạn container của VR phối hợp với Tập đoàn Carton đầu tư ở địa chỉ ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, Phú Quốc (Kiên Giang). Ông Nhất khẳng định nếu VR công bố có dự án ở Phú Quốc thì đó là sự giả mạo để lừa nhà đầu tư.

Huy động vốn trái phép
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, chỉ có các tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) mới được triển khai nghiệp vụ huy động vốn (nhận tiền gửi) của các tổ chức, cá nhân. Các công ty cổ phần không được phép triển khai nghiệp vụ này.
Anh Vũ

 

Trung Hiếu