Lễ nghĩa của người Việt: Trung hiếu làm đầu
“Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”, câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên cho thấy “trung, hiếu” là một giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt.
Lễ nghĩa của người Việt: Trung hiếu làm đầu
“Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”, câu thơ trong tác phẩmLục Vân Tiên cho thấy “trung, hiếu” là một giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt.
Từ xưa đến nay, sử sách nước nhà đã ghi chép lại nhiều tấm gương trung hiếu, trung nghĩa cho muôn đời sau. Những người con ưu tú ấy luôn được cộng đồng tôn vinh. Trong Việt Nam phong tục, nhà văn hoá Phan Kế Bính cho biết: “Trong làng không cứ đàn ông đàn bà, kẻ quý người tiện, ai có ân nghĩa với dân thì có bia kỷ niệm, lúc còn sống thì dân kính trọng, lúc mất rồi thì dân khắc tên vào bia để dân nhớ ân nghĩa về sau”. Việc làm này còn nhằm “kính khuyến lòng người trong chốn hương đảng”.
Lịch sử của hơn bốn ngàn năm của nước Việt đã chứng minh một điều: Khi đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi người lại tự giác gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung. Sự đoàn kết một lòng ấy mới là nội lực ghê gớm nhất. Sử gia Pháp là Gosselin đã kinh ngạc nhận định: “Khi chúng ta đặt chân đến đất nước này, chúng ta phải đối đầu với một dân tộc có sự thống nhất ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”. Sự thống nhất ấy bền vững ngàn đời, bởi tự thâm tâm của mỗi con người đều hướng đến một lễ nghĩa đã thâm nhập vào máu thịt: Trung hiếu với dân, với nước.
Tinh thần sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước đó ở thế kỷ 13 cũng đã được thể hiện một cách quật cường trong bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn – bài hịch kêu gọi toàn dân Đại Việt đứng lên đoàn kết chống giặc Nguyên Mông xâm lược: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Và chính Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng ngời trong việc dẹp “thù riêng” để phụng sự cho lợi ích chung của quốc gia.
Xưa nay đã có nhiều người con ưu tú đi sứ, họ đã làm tròn trọng trách đối với dân, với nước. Tưởng cũng nên nhắc lại chuyến đi sứ của Lý Văn Phức vào năm 1831. Lúc đến Phúc Kiến (Trung Quốc), sau khi lên bộ, phái đoàn của ông được đưa đến nhà công quán. Đến nơi, một dòng chữ đập vào mắt khiến ông nổi giận đùng đùng: “Việt Nam quốc di sứ công quán” (Nhà công quán tiếp sứ rợ nước Việt Nam). Lập tức, ông biện bạch rành mạch. Đuối lý, họ phải lột bỏ dòng chữ nhảm nhí đó, thay bằng “Việt Nam quốc sứ quan công quán” (Nhà công quán tiếp quan sứ nước Việt Nam). Không chỉ vậy, Lý Văn Phức còn viết ngay bài Biện di luận dán lên ở cổng quán như một cách khí khái bày tỏ thái độ. Sự bình tĩnh, hiên ngang không hề run sợ trước oai “thiên triều” của những sứ giả nước Việt phải chăng cũng được hun đúc từ lòng thành trung với nước?
Và nếu không đặt vận mệnh đất nước, nhân dân lên hàng đầu, liệu chừng những năm 1946, trong thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn, đời sống nhân dân còn hết sức cơ cực, các công dân anh tài đang sống xa Tổ quốc có vâng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước?
Ngày 11.9.1946, từ cảng Marseille, một chuyến tàu lặng lẽ khởi hành. Trên tàu có Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Hữu Tước và các kỹ sư Võ Quý Huân, Võ Đình Huỳnh, Phạm Quang Lễ… Khi tàu cặp bến Lyon, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi kỹ sư Phạm Quang Lễ: “Bây giờ, ở nhà còn gian khổ lắm, chú có chịu nổi không?”. “Thưa Bác, tôi chịu nổi!”. Người trầm ngâm rồi hỏi tiếp: “Bây giờ ở nhà kỹ sư về vũ khí không có, máy móc thiếu thốn, liệu chú có làm việc được không?”. “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm và tôi tin tưởng là làm được những nhiệm vụ Bác giao”. Rồi lần lượt các bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, nhà triết học Trần Đức Thảo… cũng trở về nước tham gia kháng chiến và kiến quốc. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho hàng triệu con người tận trung với nước, trong đó có kỹ sư Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Trần Đại Nghĩa.
Vâng, trung hiếu với dân, với nước, đó cũng chính là nghĩa lớn của người dân Việt.
Lê Minh Quốc