Chúa Nhật V Mùa Chay A – 2017: Ý nghĩa sống và chết
Vào Chúa Nhật V này, con đường sự sống của Đức Giêsu càng ngày càng mở rộng. Từ “Nước hằng sống” ban cho người phụ nữ Samari (tuần III) đến “ánh sáng ban sự sống” cho người mù bẩm sinh (tuần IV), hôm nay Đức Giêsu trực tiếp cho chúng ta biết Người là sự sống siêu việt, khi cho Lazarô sống lại sau 4 ngày chết trong mồ (x. Ga 11,1-45).
Ý nghĩa sống và chết
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Bài giảng ở Nhà thờ Đức Mẹ La Vang,
thành phố Greenville, South Carolina, Hoa Kỳ
Lời mở
Vào Chúa Nhật V này, con đường sự sống của Đức Giêsu càng ngày càng mở rộng. Từ “Nước hằng sống” ban cho người phụ nữ Samari (tuần III) đến “ánh sáng ban sự sống” cho người mù bẩm sinh (tuần IV), hôm nay Đức Giêsu trực tiếp cho chúng ta biết Người là sự sống siêu việt, khi cho Lazarô sống lại sau 4 ngày chết trong mồ (x. Ga 11,1-45). Người đưa ta ra khỏi huyệt khi ban Thần Khí hồi sinh của Người cho ta (x. Ed 37,12-14). Mỗi người chúng ta đang sống, nhưng ai nấy cần phải nhớ rằng: mỗi giây phút sống thêm là ta tiến gần hơn đến cái chết. Vậy ta sẽ sống thế nào để vượt qua cái chết. Đó cũng là một vấn đề ta muốn cùng nhau suy niệm bây giờ.
1. Chủ đề Mùa Chay 2017
ĐTC Phanxicô mời gọi ta nhìn vào cuộc sống của người giàu có: hằng ngày với yến tiệc linh đình, với quần áo bằng gấm vóc lụa là. Cuộc sống giàu sang, phú quý đó thật đáng mơ ước. Nhưng ông ta sống mà kể như đang chết vì không nhìn thấy ai và không nhận ra cả chính mình, nên đời ông kết thúc trong đau khổ mãi mãi. Ông đã cắt đứt với nguồn sống là Thiên Chúa, ông đã khép cửa lòng với người nghèo khổ Lazarô là hiện thân của chính Đức Giêsu hằng sống. Người nằm đó, đói khát, ghẻ lở và chết trong nỗi nhục nhã tột cùng để đánh động lòng thương xót của ông nhà giàu cũng như của chúng ta. Người đã được tôn vinh khi ở trong lòng Chúa Cha như Lazarô trong lòng Abraham.
Vì thế, ĐTC mời gọi chúng ta nhận ra Đức Giêsu chính là Lời Chúa, là hồng ân sự sống cao quý nhất được Chúa Cha ban cho ta và tha nhân cũng là hồng ân để ta chia sẻ ân phúc sự sống khi biết trao ban những của cải vật chất và tinh thần, giúp họ được sống no đủ, dồi dào, cho xứng với địa vị con cái Thiên Chúa. Lúc đó ta đang xây dựng hình ảnh của thiên đường trong trần thế hôm nay, giữa một xã hội con người càng ngày càng bị phân hoá về giàu nghèo nên đánh mất ý nghĩa của sự sống và sự chết.
2. Đi tìm ý nghĩa sống và chết
Trong xã hội chỉ biết vật chất và chối bỏ các giá trị siêu nhiên, từ chối cả Thiên Chúa là nguồn sự sống của muôn loài ta thấy có rất nhiều người sống mà kể như đã chết, vì họ bo bo giữ của, miệt mài tìm kiếm danh lợi, hay thoả mãn dục vọng, không chịu học hành làm việc để xây dựng hạnh phúc cho con người, tự do độc lập cho đất nước và sự phát triển cho cộng đồng nhân loại. Đúng như nhà cách mạng Phan Bội Châu đã mô tả trong bài “Sống” như sau:
Sống tủi làm chi đứng chật trời…
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến!
Sống mà như thế đừng nên sống.
Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Ông đã cùng với Phan Chu Trinh, Kỳ ngoại hầu Cường Để, Lương Văn Can và một số sĩ phu yêu nước hô hào sống như người Công giáo, cởi mở với ý thức dân chủ, với khoa học, kỹ thuật, với chữ quốc ngữ, với bình đẳng nam nữ, với hôn nhân một vợ một chồng, và nhờ đó, người Công giáo thoát cảnh bị bách hại do phong trào Văn Thân vào những năm 1860-1885. Ông mời gọi người dân dám hy sinh cho những giá trị cao cả như tự do, độc lập của đất nước qua bài thơ “Chết” của mình:
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh
Chết tựa Trưng Vương phách hoá thần.
Nhiều em học sinh, sinh viên ở Việt Nam, qua những bài học chính trị, lấy thuyết tiến hoá của C.R. Darwin (1809-1882) làm nền tảng cho ý thức hệ duy vật vô thần, vẫn nghĩ rằng sự sống là kết quả vận động ngẫu nhiên của vật chất. Các nguyên tố Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm… ngẫu nhiên kết hợp thành chất vô cơ, hữu cơ rồi thành sự sống của thực vật, của động vật và nhất là của con người có tình yêu, tư tưởng và các giá trị cao quý khác, chứ không cần nhờ đến ai cả. Sự việc diễn ra cách “vô lý” y như các bộ phận của chiếc đồng hồ đột nhiên xuất hiện và tự động ráp lại với nhau thành chiếc đồng hồ chạy được, mà không cần một người chế tạo ra các bộ phận và lắp ráp chúng theo một trật tự đúng đắn.
Thật ra mỗi người chúng ta đang sống, đang nghĩ, đang yêu, đang mong muốn hạnh phúc, tự do… mà không có một máy móc nào có thể đo lường được. Đó là một sự thật hiển nhiên để dẫn ta đến kết luận: cần có một nguồn sống, nguồn tư tưởng, nguồn tình yêu, nguồn chân thiện mỹ và mọi giá trị cao cả. Sự sống là một mầu nhiệm, chứ không phải chỉ là một thực tại vượt quá những suy luận và kiểm chứng của con người (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.267).
3. Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống
Qua phép lạ làm cho Lazarô chết 4 ngày được sống lại, Đức Giêsu muốn chứng tỏ cho mọi người biết Người là nguồn sống kỳ diệu và cho những ai tin vào Người cảm nhận được sự sống nhiệm mầu của chính Thiên Chúa.
Chi tiết “4 ngày” được kể trong câu chuyện muốn nói đến sự tan rã của thân xác bị phận huỷ, bốc mùi hôi thối, xác định không còn chút sự sống nào và người chết không thể hồi sinh. Con người bất lực trước cái chết. Tuy nhiên Đức Giêsu là nguồn sống, là chủ sự sống nơi muôn loài vì tất cả được tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có thể ban sự sống cho cả vật chất bị phân huỷ.
Tuy nhiên, sự sống mà Lazarô nhận lại cũng chỉ là một sự sống tạm thời. Vài chục năm sau, Lazarô cũng đã chết. Phép lạ cho Lazarô sống lại chỉ là một dấu hiệu dẫn muôn loài đến một sự sống kỳ diệu hơn, vượt quá sự sống nhân linh của con người và cả sự sống thần linh của các thiên thần. Đó là sự sống siêu việt của chính Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Đức Giêsu sau khi Đức Giêsu vượt qua cái chết và sống lại.
Sự sống phi thường này đã được ban cho các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu sau khi họ đón nhận Chúa Thánh Thần hiện xuống: Thánh Phaolô, trong bài đọc II (x. Rm 8,8-11), đã cảm nghiệm được sự sống này khi ngài gặp được Đức Giêsu trên đường đi Damas, khi được đưa lên tầng trời thứ ba, khi rao giảng Tin Mừng cứu độ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho cậu bé Eutikô sống lại.
Ngài hiểu được rằng mình cần phải thở hít được Thần Khí ban sự sống của Đức Giêsu Kitô. “Vì nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đó cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11). Nhiều người trong chúng ta chưa phát huy được sự sống siêu việt của Thiên Chúa, có thể phần lớn là ta chưa gặp được Đức Giêsu và thở được Thần Khí của Người.
Lời kết
Để nhận được sự sống đó, Đức Giêsu hỏi ta như hỏi chị Matta: “Con có tin thế không?”. Và Người đợi câu trả lời của ta.