Không gian cho di sản đô thị
Khu vực hồ Gươm không chỉ lưu giữ các giá trị của lịch sử mà còn cần mở rộng không gian văn hoá để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Không gian cho di sản đô thị
Khu vực hồ Gươm không chỉ lưu giữ các giá trị của lịch sử mà còn cần mở rộng không gian văn hoá để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh (ảnh), Uỷ viên Hội KTS Hà Nội. Ông Ánh là người đã tham gia đóng góp ý kiến cho UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Công ty AREP (Pháp), đơn vị thực hiện và tư vấn dự án Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm, do UBND TP.Hà Nội chỉ đạo. Đây cũng là dự án đầu tiên tổ chức cải tạo một cách quy mô khu vực hồ Gươm.
Còn nhiều “khối khổng lồ” đang rình rập quanh Hồ Gươm
Không gian hồ Gươm vừa cần giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nhưng cũng cần trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Chúng ta nhìn nhận như thế nào về việc bảo tồn và phát triển trong không gian này, thưa ông?
Không gian hồ Gươm là điểm hấp dẫn du khách đã hàng trăm năm nay và còn nhiều năm sau nữa. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn đó là sự ngưng tụ, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa rất đặc trưng của Hà Nội. Ngoài những giá trị phi vật chất còn có những yếu tố vật chất tạo nên, đó là không gian, môi trường cảnh quan bao gồm cây xanh, thảm cỏ, mặt nước, các công trình kiến trúc di sản và cả các công trình kiến trúc công cộng, dân dụng xung quanh hồ, hệ thống hạ tầng từ lòng đường, vỉa hè, ghế ngồi, cột đèn… đến cả những thiết bị đô thị khác như thùng rác, nhà vệ sinh, biển báo… Có những thứ cần gìn giữ bảo tồn nguyên trạng, nếu có hư hỏng thì cũng tôn tạo lại như nguyên gốc. Nhưng có những thứ bảo tồn quy mô, vóc dáng thôi, còn công năng sử dụng thì cũng cần bổ sung nâng cấp để đáp ứng nhu cầu hoạt động hiện thời. Ngoài những giá trị phi vật chất (truyền thuyết, kỷ niệm…), với những đối tượng vật chất thì các cơ quan quản lý cần thống kê, phân loại từng đối tượng để ứng xử phù hợp.
|
Vừa qua nhiều đề xuất như: đặt tượng rùa vàng, dựng mô hình 3D Kong, hay xây dựng đại lộ danh vọng trong không gian hồ Gươm đã gây ra những ý kiến trái chiều. Trước đấy, việc lát gạch lòng đường phố cổ cũng bị phản đối và phải dừng lại. Ngoài nguyên nhân những đề xuất này không phù hợp thì không gian hồ Gươm có phải là “bất khả xâm phạm”, tức là không thể đưa những thứ mới vào?
Những câu chuyện như tượng rùa vàng, mô hình Kong hay đại lộ danh vọng… tôi nghĩ là những đề xuất vội vàng đến và đã vội vàng đi qua. Nhưng còn nhiều “khối khổng lồ” đang rình rập quanh hồ Gươm kia mới ghê gớm, chưa một phút nào những dự án đó ngừng chuyển động.
Trước đây xã hội đã không đồng tình chuyện lát đá, đó là muốn làm rõ hơn sự cần thiết của việc lát đá: nếu lát đá tràn lan, tốn tiền vào những chỗ vu vơ, lát những loại đá không phù hợp, chất lượng không kiểm soát được, gây nguy hại tới người đi đường… thì không nên. Nhưng lát đá để tạo độ nhám, chống trơn trượt, lát đá để gia tăng giá trị các công trình kiến trúc cảnh quan, cân nhắc đến yếu tố thị giác… thì là việc rất đáng làm. Hồ Gươm cũng giống như muôn ngàn di sản khắp thế giới, phải thường xuyên chăm sóc, bảo vệ, duy tu, tôn tạo… để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tốt hơn. Nơi đây không phải là “bất khả xâm phạm”, nó chỉ “bất khả xâm phạm” với những ý tưởng phá vỡ quy ước tập thể bảo vệ không gian này.
Nhiều phương án, ý tưởng đoạt giải cao chưa được hiện thực hóa
Chúng ta cần đưa những thứ mới theo cách như thế nào để không phá vỡ không gian, thưa ông?
Năm 1994, Viện Hàn lâm kiến trúc quốc tế mở cuộc thi với chủ đề Kiến trúc – Con người 2000, nhận được 250 tác phẩm dự thi đến từ 55 quốc gia. KTS Lê Thị Kim Dung cùng với đồng nghiệp đã tham gia dự thi với đồ án Hồ Gươm – Hà Nội: Không gian và ý tưởng kiến trúc. Hình ảnh ấn tượng của đồ án là bàn tay gớm ghiếc, ngón tay tham lam vươn ra thèm muốn vừa thu tóm lấy không gian, vừa muốn bóp nghẹt những giá trị văn hóa lịch sử của hồ Gươm. Ðây không còn là dự cảm nữa mà là một thực tế khi hơn mười mấy năm qua, đã có gần 30 dự án cao ốc ven hồ Gươm được soạn thảo và trình bày tại các cơ quan quản lý, không kể vài công trình đã sừng sững soi bóng xuống mặt hồ bé xíu. Giữa những năm tháng nhà nhà, người người liên doanh liên kết (trong và ngoài nước), đầu tư xây dựng văn phòng khách sạn, thì đồ án lại vạch ra những kế hoạch mở rộng lối đi ven hồ, khai thông các không gian nối các quảng trường nằm cách hồ Gươm vài dãy phố thành một quần thể trong sáng – rộng mở, đẹp tới mức không tưởng.
Ban giám khảo quốc tế gồm các viện sĩ, KTS danh tiếng đã lựa chọn và trao giải thưởng đặc biệt cho đồ án của KTS Lê Thị Kim Dung. 2 năm sau khi đồ án của KTS Lê Thị Kim Dung đoạt giải, năm 1996, Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định 448 BXD/KTQH phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực hồ Gươm và phụ cận. Năm 2008, sau khi liên doanh đầu tư nước ngoài lại ập đến “cơn sóng” đầu tư bất động sản, hồ Gươm lại đối mặt với thách thức mới, nên Hà Nội đã tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận, nhận được sự hưởng ứng của 20 đơn vị tư vấn kiến trúc. Ngày 5.10. 2009, Hội KTS VN đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi: không có giải nhất, 2 giải nhì và 1 giải ba. Tuy vậy cho đến nay, những phương án đoạt giải này chưa có ý tưởng nào được hiện thực hóa.
Trong từng không gian cụ thể như các di tích văn hoá, lịch sử, các công trình có kiến trúc Pháp, phố xá…, chúng ta cần đưa ra những nguyên tắc thế nào trong việc tu bổ, chỉnh trang lại?
Không gian phố phường cho dù có nhiều di tích, di sản thì vẫn có các sinh hoạt đô thị diễn ra hằng ngày hằng giờ khác với tủ kính bảo tàng. Và ngay cả trong các công trình di sản thì vẫn có các hoạt động không chỉ du khách mà có cả các cư dân sinh sống trong đó. Trong một thực thể sinh động như vậy, người quản lý phải thống kê phân loại từng loại đối tượng để bảo tồn và khai thác phù hợp. Ngay trong bảo tồn thì cũng phân loại từng đối tượng để ứng xử phù hợp.
Q.Hoàn Kiếm đã xây dựng bản đồ các công trình cần bảo tồn trong khu phố cổ. Các chuyên gia Pháp cũng đã hỗ trợ Hà Nội bản đồ các công trình kiến trúc có giá trị tại Hà Nội, kèm theo các khuyến cáo những nguyên tác chỉnh trang, bảo tồn: hình thức, chất liệu, màu sắc. Căn cứ vào các tài liệu đó, mỗi công trình chỉnh trang lại được mô tả các phương thức can thiệp chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều công trình đã chỉnh trang thiếu cân nhắc, những yếu tố nguyên gốc chưa được tôn trọng dẫn đến biến dạng ít nhiều.
Theo ông, hiện tại những không gian nhỏ trong không gian hồ Gươm đã phát huy được hết những giá trị vốn có? Chúng ta cần mở thêm những không gian nào? Cần tổ chức các không gian văn hoá hồ Gươm như thế nào để đáp ứng với nhu cầu du lịch, sinh hoạt văn hoá?
Kể từ ngày 1.9.2016, khu vực hồ Gươm và phụ cận đã tổ chức đi bộ 2 ngày cuối tuần, đến nay đã hơn 6 tháng. Chúng ta thấy hồ Gươm còn nhiều tiềm năng để phát huy những giá trị của không gian đô thị văn hoá - lịch sử. Chúng ta mới thấy được những kết quả tạo ra một không gian công cộng thú vị nhưng cũng đang từng bước hình thành một văn hoá sống mới tại đây và những giá trị văn hoá thì có tiềm năng phát triển không giới hạn.
Hà Nội cũ vốn chỉ có vài chục vạn cư dân, giờ đây là nơi diễn ra sinh hoạt của số lượng cư dân nhiều hơn hàng chục lần, với tốc độ, tần suất hoạt động cao hơn nhiều… Do vậy không gian đô thị cần được điều tiết thông minh hơn rất nhiều mới đáp ứng đủ. Không gian hiện hữu cần được thương lượng ổn thoả giữa các hoạt động của các thành phần cư dân. Không gian hồ Gươm cũng không đủ lớn để tiếp nhận tất cả các nhu cầu, các hoạt động. Không gian này rất cần đa dạng và phong phú hơn, nhưng cũng cần chọn lọc hơn để đảm bảo sự cân bằng, và rõ ràng nhu cầu bình an, tĩnh lặng, truyền thống sẽ cần được ưu tiên hơn những nhu cầu ồn ào, náo nhiệt và quá hiện đại.
Có ý kiến cho rằng cần mở rộng không gian phố đi bộ, đến Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ông nhìn nhận thế nào về việc mở rộng này?
Hà Nội cũ vốn được xây dựng để đi bộ. Giao thông công cộng là xe ray có ngựa kéo, sau năm 1900 mới chuyển đổi thành xe điện, xe kéo tay thì cũng là tốc độ đi bộ. Sau 30 năm nữa mới có đường nhựa, Hà Nội xuất hiện chiếc ô tô đầu tiên và cho đến tận những năm 1975 thì ô tô xe máy cũng chỉ vài trăm chiếc. Ngày hôm nay, những thành phố văn minh nhất là những thành phố mà người dân có thể đi bộ an toàn đến bất cứ đâu trong thành phố. Tất nhiên để hỗ trợ cho người đi bộ cần có hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo. Việc mở rộng phố đi bộ đến Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được nghiên cứu đề xuất 15 năm trước đây và hôm nay cần có bước cụ thể hóa đề xuất đó. Có thể Hà Nội sẽ làm nhanh hoặc chậm nhưng đó là việc tất yếu cần làm.
Cần có một quy hoạch tổng thể không gian hồ Gươm như thế nào?
Ngay từ khi hình thành trong bản vẽ quy hoạch cuối thế kỷ 19, hồ Gươm đã là không gian có vai trò trung gian giữa khu phố truyền thống và khu phố hiện đại. Nơi đây sẽ có giá trị mặt gương cân bằng sang trọng giữa hai khu vực, nếu như quy hoạch tổng thể kiểm soát hiệu quả khoảng trống hiện trạng. Nơi đây chỉ còn là ao tù nhỏ bé, tầm thường nếu các công trình đặc cứng trưởng giả kiểu mới lấp kín bao quanh lấn át giành giật không gian tĩnh lặng vốn có của nó.
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng
Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến đưa ý kiến: “Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Trước hết, cơ quan quản lý cần hạn chế bớt các đề xuất, dự án không cần thiết không phù hợp với không gian cổ xưa, phi văn hoá tại khu vực hồ Gươm. Thứ hai, bởi không gian này rất đặc biệt với rất nhiều di tích lịch sử như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Bà Kiệu… nên các nhà quản lý cần làm thế nào để du khách biết rằng đó là những di tích thiêng liêng không chỉ riêng với Hà Nội mà của cả nước để có ý thức hơn trong việc bảo tồn. Việc mà tôi thấy vẫn diễn ra hằng ngày là nhiều du khách vẫn viết những chữ bậy bạ lên tháp Hoà Phong, tháp Bút. Chúng ta cần có những biển cảnh báo, duy trì các biện pháp để bảo vệ di tích không bị xâm hại. Thêm nữa, xác lá rụng và rác vẫn thường trôi về phía nam của hồ, gây mất mỹ quan. Vì vậy, cần đảm bảo mặt hồ trong xanh và không có rác. Điều đó mới khiến hồ Gươm đẹp và văn hóa hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Hà Nội”.
|
Ngọc An
(thực hiện)