Thông luồng hay tận thu cát?
Dù mục đích chính là khơi thông luồng sông cho các phương tiện đường thủy lưu thông, nhưng chủ các dự án nạo vét phân luồng kết hợp tận thu tại khu vực phía Nam chỉ nhắm vào việc tận thu cát…
Thông luồng hay tận thu cát?
Dù mục đích chính là khơi thông luồng sông cho các phương tiện đường thủy lưu thông, nhưng chủ các dự án nạo vét phân luồng kết hợp tận thu tại khu vực phía Nam chỉ nhắm vào việc tận thu cát…
Dự án nạo vét sông Cái Vừng được triển khai từ năm 2013 với mục đích giúp thông luồng nhiều đoạn sông xuống -9m, tuy nhiên đến nay khối lượng nạo vét vẫn chỉ ở mức 10% – Ảnh: SƠN LÂM |
Thực tế cho thấy nhiều dự án nạo vét luồng sông kết hợp tận thu sản phẩm kéo dài hết năm này sang năm khác, thậm chí được gia hạn nhiều lần nhưng khối lượng nạo vét rất khiêm tốn, luồng lạch cũng không được khơi thông do chủ đầu tư chỉ tranh thủ lấy cát, thay vì nạo vét cả bùn.
Chỉ lấy cát, bỏ bùn
Cách nay hơn một tháng, ông Lâm Quang Thi – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – ký văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Châu Phát ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) tiếp tục nạo vét sông Cái Vừng, huyện Phú Tân.
Lý do được đưa ra là để “lấy cát phục vụ công trình nông thôn mới”, từ đề xuất của UBND huyện Phú Tân đăng ký thu hồi khoáng sản (cát san lấp) trong khu vực dự án nạo vét sông Cái Vừng với khối lượng 145.000m3.
UBND huyện Phú Tân làm chủ đầu tư, thời gian nạo vét được thực hiện trong 4 tháng (từ ngày 1-3 đến 30-6). Có 2 xáng cạp được đăng ký thực hiện việc lấy cát sông này.
Nhiều người dân trong khu vực dự án cho rằng việc chấp thuận chủ trương này không ngoài mục đích tạo điều kiện để Công ty TNHH Châu Phát tiếp tục khai thác cát tại sông Cái Vừng.
Trước đó, khi thi công dự án nạo vét thông luồng sông Cái Vừng, do UBND huyện Phú Tân làm chủ đầu tư vào đầu năm 2013, Công ty Châu Phát (một trong 5 đơn vị thực hiện) từng phát sinh rất nhiều khuất tất.
Vào thời điểm đó, dự án này được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, cho phép thực hiện từ tháng 4-2013 đến hết năm 2014 với tổng chiều dài công trình hơn 10km, chia làm ba đoạn.
Một trong ba đoạn nạo vét đó thuộc địa bàn thị trấn Chợ Vàm, được An Giang chấp thuận cho công ty này tiếp tục khai thác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này được đăng ký khối lượng gần 2,5 triệu m3, với mục tiêu nạo vét các đoạn sông sâu từ -5m xuống -9m. Nhưng hết tháng 3-2014, UBND huyện Phú Tân phải cho tạm dừng vì các đơn vị chỉ thực hiện đạt gần… 10% khối lượng, trong đó chủ yếu lấy cát, bỏ bùn…
Thế nhưng năm 2015, UBND tỉnh An Giang lại tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp để thống nhất chủ trương gia hạn dự án nạo vét này đến hết năm 2016.
Ban quản lý dự án huyện Phú Tân cho biết “ước lượng” các đơn vị nạo vét chưa tới 10% khối lượng, dự án vẫn… giậm chân tại chỗ.
Trong khi đó theo ông Lâm Quang Thi, việc gia hạn dự án là… cần thiết vì sông Cái Vừng đang cần được nạo vét nhằm phục vụ các công trình nông thôn mới do UBND huyện Phú Tân đăng ký.
“Việc nạo vét phải kéo dài vì các đơn vị thực hiện không hoàn thành được khối lượng công việc, còn việc gia hạn là do cần cát phục vụ công trình nông thôn mới” – ông Thi nói.
Phải tạm dừng do bị phản đối
Theo số liệu từ Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, trong các dự án nạo vét tận thu trên các sông, nhiều dự án phải tạm dừng với nhiều lý do, chỉ còn 2 dự án đang thực hiện với khối lượng nạo vét vô cùng ít ỏi.
Trong đó, dự án nạo vét duy tu nâng cấp tuyến luồng đường thuỷ nội địa sông Vàm Cỏ, Công ty TNHH phát triển hàng hải Hiệp Phát Đạt được giao nạo vét hơn 3,5 triệu m3, thực hiện từ năm 2013 nhưng đến nay chỉ mới thực hiện hơn 446.000m3.
Với dự án nạo vét nâng cấp tuyến luồng trên sông Tiền, Công ty CP Địa chất và môi trường miền Nam cũng chỉ mới nạo vét gần 900.000m3 trong số gần 3 triệu m3 được giao, dù thực hiện từ năm 2013 đến nay.
Trong khi đó, nhiều dự án phải tạm dừng hoặc chưa được triển khai do bị người dân và địa phương phản ứng.
Tại sông Vàm Cỏ Đông, dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa do Công ty TNHH SX&TM Đức Phú Thịnh thực hiện, với trữ lượng đăng ký hơn 300.000m3, vừa mới nạo vét hơn 40.000m3 đã phải tạm ngừng do bị dân phản ứng, buộc UBND tỉnh Long An gửi văn bản kiến nghị Cục Đường thủy nội địa tạm ngưng dự án từ tháng 12-2016.
Dự án nạo vét duy tu luồng sông Đồng Nai với trữ lượng gần 2 triệu m3 cũng tạm ngưng từ tháng 2-2014.
Tương tự, dự án nạo vét duy tu luồng trên sông Tiền đoạn nhánh cù lao Long Khánh và nhánh cù lao Tây Ma cũng phải tạm dừng do bị dân phản đối. Trong đó, Công ty CP An Điền Phát đăng ký trữ lượng nạo vét hơn 3,5 triệu m3, nhưng mới thực hiện được hơn 700.000m3 đã phải tạm ngưng từ tháng 1-2017.
Công ty TNHH xây dựng & đầu tư Phúc Lợi Hà Nội cũng đăng ký trữ lượng nạo vét hơn 2 triệu m3 nhưng không triển khai được vì người dân phản đối.
Dự án nạo vét do Công ty CP Địa chất và môi trường miền Nam thực hiện tại đoạn thuộc xã Tân Quới, Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng bị người dân phản đối quyết liệt, buộc UBND tỉnh Đồng Tháp gửi đơn kiến nghị lên Cục Đường thủy nội địa tạm dừng từ tháng 12-2016.
Ba dự án khác trên sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông đã được cấp phép nhưng vẫn chưa được triển khai cũng với lý do bị người dân phản đối.
Giám sát chưa chặt chẽ
Khi chúng tôi đặt vấn đề về chuyện giám sát dự án nạo vét sông Cái Vừng, ông Quách Hoàng Lâm – trưởng Ban quản lý dự án huyện Phú Tân – lại cho rằng do chủ đầu tư thuê Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên môi trường An Giang, trách nhiệm giám sát của đơn vị này trong khi ban quản lý dự án chỉ có thể “ước lượng” khối lượng cát mà đơn vị thi công đã thực hiện.
Ông Hoàng Văn Hùng, chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, thừa nhận quy trình giám sát các dự án này vẫn còn thiếu chặt chẽ. Lẽ ra các khối lượng nạo vét phải tập kết sản phẩm tại một địa điểm rồi tổ chức đấu giá sản phẩm để kiểm soát khối lượng chính xác.
“Nếu đơn vị nạo vét tập kết sản phẩm rồi đấu giá bán, cơ quan giám sát mới bảo đảm được chắc chắn khối lượng họ đã nạo vét” – ông Hùng nói.
Ngành giao thông cũng chỉ kiểm tra độ sâu các dự án nạo vét thông luồng theo thiết kế đã được phê duyệt, còn phía tài nguyên – môi trường phải quản lý khối lượng khoáng sản để thu thuế tài nguyên.
“Việc này cần sự phối hợp, nhưng một số nơi còn chưa có tiếng nói chung khiến việc giám sát trở nên khó khăn” – ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Tân Thuấn, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Long An, cho rằng cơ quan này chỉ nhận thông tin về khối lượng một khi dự án thực hiện tại địa phương, còn việc cấp phép cho các dự án thuộc thẩm quyền của Cục Đường thuỷ nội địa.
“Các đơn vị thi công thường đưa sà lan đến lấy cát trực tiếp ngay tại công trình, rất khó giám sát được chính xác khối lượng họ khai thác” – ông Thuấn nhận định.
Dù khẳng định việc nạo vét đường sông là cần thiết nhưng theo ông Thuấn, nếu thực hiện theo mô hình xã hội hoá sẽ khó đảm bảo việc thông luồng trên các sông, bởi đa số doanh nghiệp chỉ nhận nạo vét những địa điểm có khả năng “tận thu” cát.
“Do chấp nhận lời ăn lỗ chịu khi tham gia đấu thầu, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách lấy cát để lời thay vì nạo vét thông luồng như yêu cầu”.
Các dự án nạo vét tận thu đều không thành công Tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với tỉnh Bến Tre ngày 16-12-2016, ông Nguyễn Nhật – thứ trưởng Bộ GTVT – cho rằng cần đánh giá lại các dự án duy tu nạo vét luồng, kể cả luồng hàng hải. “Về mặt tận thu cát, tôi khẳng định là không thành công. Bởi mình không quản lý được, vì tính tuân thủ của doanh nghiệp rất kém, trong khi cơ quan chức năng làm sao giám sát được 24/24 giờ khi tàu bè nằm giữa lòng sông” – ông Nhật nói. Trong thực tế, theo nhiều chuyên gia, sau khi được cấp phép các đơn vị thi công thường “tranh thủ” khai thác cát ra ngoài vùng dự án, nhất là vào ban đêm, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây bức xúc cho người dân. |