Sau nhiều năm bị bạn bè trêu chọc, nhiều lần vật lộn với ý nghĩ tự tử, cô học trò 16 tuổi tên Grace ở Anh đã trở thành đại sứ chống bắt nạt học đường.
Đại sứ chống bắt nạt học đường
Sau nhiều năm bị bạn bè trêu chọc, nhiều lần vật lộn với ý nghĩ tự tử, cô học trò 16 tuổi tên Grace ở Anh đã trở thành đại sứ chống bắt nạt học đường.
Grace từng phải chuyển trường 2 lần, cố né những tiếng cười nhạo, trêu chọc của bạn bè. Ở giai đoạn tâm lý chuyển biến phức tạp tuổi mới lớn, những điều đó là quá sức chịu đựng của em. BBC dẫn lời Grace: “Hầu như tuần nào em cũng bị bắt nạt. Thầy cô giáo chẳng làm gì cả. Em còn nghe thầy cô nói những lời không hay sau lưng em”, Grace kể. Lo lắng, trầm cảm và vật lộn với ý nghĩ tự tử cứ thế đeo bám cô nữ sinh trong suốt nhiều năm trời. Trong một lần tâm trạng lao dốc, Grace đã quay một clip nói về ý định tự tử của mình và tung lên YouTube. May thay, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra.
Học sinh giúp học sinh
Ở ngôi trường thứ 3, Grace được hỗ trợ rất nhiều về sức khỏe tâm thần, về cách thức vượt qua tình trạng bị bắt nạt liên miên. Và em đã trở thành một đại sứ chống bắt nạt ở trường, tham gia luôn Hội đồng thanh niên chống bắt nạt quốc gia của Anh. Chương trình này đã đào tạo được hơn 22.000 đại sứ phủ khắp 2.500 trường học trên khắp xứ sở sương mù, huấn luyện các kỹ năng nhận diện và chống bắt nạt để các đại sứ đem về trường chia sẻ lại cho các bạn, tổ chức các chiến dịch chống bắt nạt, giúp nâng cao nhận thức về văn hóa chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân…
Khi về trường, các đại sứ sẽ tổ chức các buổi hội họp nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp cho các học sinh cùng trường những nơi họ có thể tìm đến để nhờ trợ giúp nếu bị bắt nạt. Họ cũng sẽ nhận diện những ai có dấu hiệu bị bắt nạt để tiếp xúc và hỗ trợ. Đặc biệt, các đại sứ luôn là một địa chỉ tin cậy để các bạn học chia sẻ, thổ lộ những vấn đề gặp phải mà không thể nói với ai khác.
Học sinh giúp học sinh luôn là mô hình hiệu quả, dễ được giới trẻ chấp nhận. Charlotte, 17 tuổi, một thành viên khác của hội đồng kể trên, nêu lý do cô tham gia tổ chức này: “Được giáo dục là quyền cơ bản của mọi người và không có bất kỳ ai, nhất là những người bạn đồng trang lứa khác, lại có thể tước mất quyền đó”.
Trong lúc dắt cô bé 4 tuổi đi xuống cầu thang, cô giáo trông trẻ Sarah Gable, 52 tuổi, đã từ phía sau đẩy em ngã nhào xuống các bậc thang. Khi nhận được thông tin, cảnh sát Mỹ đã vào cuộc và bắt giữ người phụ nữ.
Ở thời đại bùng nổ mạng xã hội với đội quân “anh hùng bàn phím” đông đúc, tỷ lệ thanh thiếu niên bị bắt nạt đến mức mắc các chứng bệnh tâm thần như rối loạn lo lắng, rối loạn trầm cảm cũng theo đó mà gia tăng. Rất nhiều trường hợp, các em bị “bắt nạt từ xa”, bị “đánh hội đồng trên mạng” rồi bị cô lập trong lớp học. “Bỗng dưng một ngày, tất cả bạn bè trong lớp đều dè bỉu, chọc ghẹo và nghỉ chơi với em sau khi em đăng một tấm ảnh trên Facebook mà các bạn bảo là “chảnh”. Em không thể học được nữa”, một học sinh lớp 9 ở thành phố Birmingham (Anh) kể.
Bài học hạnh phúc
Tăng cường sức khoẻ tâm thần, chống tự tử, chống bắt nạt trong giới trẻ, đặc biệt ở trường học là một trong những chương trình trọng điểm mà bà Therese May đề ra ngay sau khi lên làm thủ tướng Anh. Chương trình nhằm đưa các chuyên gia sức khoẻ tâm thần đến trường học, huấn luyện đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường hỗ trợ tâm lý bước đầu tại trường. Chương trình cũng chuyển hướng mở rộng các dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tâm thần trực tuyến, cho phép kiểm tra triệu chứng trên mạng trước khi gặp mặt chuyên gia trực tiếp.
Mọi nỗ lực không chỉ tập trung giải quyết hậu quả. Mô hình dạy học sinh về cách nhận ra hạnh phúc, về giá trị hạnh phúc, giá trị sự chia sẻ để tạo hạnh phúc cho bản thân cũng đang được thử nghiệm. Một chương trình song song khác huấn luyện cho học sinh cách đương đầu với ý định tự tử cũng được Thủ tướng May triển khai.
Học sinh 8 tuổi sẽ được dạy những bài học giúp tăng cường cảm giác hạnh phúc, còn học sinh tuổi dậy thì được hướng dẫn cụ thể cách đương đầu với những lo lắng, việc bị bạn bắt nạt, có ý nghĩ tự tử…
Tất cả các chương trình trên được thực hiện đồng bộ, tốn kém và dài hơi hơn nhưng theo nhận định của bà May, một khi được triển khai hiệu quả, giải quyết và điều trị được các vấn đề tâm thần khi còn mới nảy sinh thì nó vẫn rất có lợi. Tờ The Guardian dẫn số liệu từ chính phủ Anh cho thấy 1/4 người Anh gặp các rắc rối về sức khoẻ tâm thần ít nhất vào một quãng thời gian nào đó trong đời, làm hao tổn 105 tỉ bảng mỗi năm.
Tự tử, bạo lực, bắt nạt, bệnh lý tâm thần ở học sinh chẳng phải là chuyện ở riêng một cộng đồng nào. Thế nên Úc mới có Tổ chức Không bắt nạt trường học, Canada mới triển khai ứng dụng báo cáo chống bắt nạt hay toàn bộ 50 bang ở Mỹ đều thông qua luật chống bắt nạt…
Hôm 19.3 vừa qua, một cô giáo ở vùng Bắc cực xa xôi hẻo lánh của Canada là Maggie MacDonnell được trao giải thưởng Giáo viên toàn cầu trị giá 1 triệu USD vì thành tích giúp giảm thiểu tỷ lệ tự tử ở học sinh. Sau khi phải chứng kiến quá nhiều em tự kết liễu đời mình, phải nhìn thấy những cái bàn đột nhiên trống chỗ, cô MacDonnell đã lên một chương trình kỹ năng sống dạy cho học sinh, chủ yếu là nữ, cách phòng ngừa, đương đầu với việc bị lạm dụng tình dục, bạo lực và ma túy, từ đó giảm tỷ lệ tự tử.