Đồng bằng sông Cửu Long đang “chìm” dần?
Nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún 10-20mm/năm và ở thành thị cùng các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến 25mm/năm.
Đồng bằng sông Cửu Long đang “chìm” dần?
Nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún 10-20mm/năm và ở thành thị cùng các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến 25mm/năm.
Tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan ở ĐBSCL được xác định là nguyên nhân chính gây nên lún sụt nhanh khu vực này – Ảnh: Chí Quốc |
Với kịch bản lún sụt có vận tốc trung bình 3-4cm/năm kết hợp với diễn biến xấu từ biến đổi khí hậu, cùng với việc các nước thượng nguồn tiếp tục xây dựng các đập nước trên dòng chính sông Mekong thì tương lai vùng ĐBSCL sẽ vô cùng khó |
PGS.TS LÊ ANH TUẤN (phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu ĐBSCL) |
Tại TP Cần Thơ hôm 21-3 đã diễn ra hội thảo “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL – thách thức và giải pháp tương lai”.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ dự án “Rise and Fall” tại ĐBSCL do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Utrecht (Hà Lan) thực hiện, cho thấy sự sụt lún đáng quan ngại ở ĐBSCL.
Theo đó, nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún 10-20mm/năm và ở thành thị cùng các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến 25mm/năm.
Khai thác nước ngầm quá mức
GS Piet Hoekstra (Đại học Utrecht), giám đốc điều hành dự án “Rise and Fall”, cho biết do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi sử dụng đất đai mà ĐBSCL đang có những thay đổi nhanh chóng.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động nêu trên ngày càng gia tăng dẫn đến gia tăng khai thác tài nguyên nước dưới đất trên quy mô lớn, làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước này.
Nguyên nhân chính của tình trạng sụt lún được xác định do tốc độ khai thác nước dưới đất đang diễn ra ngày càng nhanh.
Ngoài khai thác nước ngầm, việc các lớp trầm tích dày bị nén; tác động của điều kiện tự nhiên; cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà cao tầng, các công trình lớn và quá trình kiến tạo địa chất bị đứt gãy… cũng là những lý do dẫn đến sụt lún đất.
Theo đánh giá của dự án, mức độ sụt lún này cao hơn đáng kể so với mực nước biển tăng (3-4mm/năm). Vì vậy, hậu quả của sụt lún còn đáng quan ngại hơn rất nhiều so với các dự báo về rủi ro do biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra.
Ông Trần Văn Thanh, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Sóc Trăng, nêu thực trạng việc khoan nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản (lấy nước ngầm pha với nước ngọt để nuôi tôm, nuôi cá lóc), thậm chí những năm hạn, khiến kênh rạch bị khô nước.
Người dân khoan nước ngầm lấy nước ngọt cứu lúa thì việc sử dụng này rất nguy hiểm. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã có chỉ thị ngăn chặn sử dụng nước ngầm để nuôi tôm, nuôi cá, trồng lúa…
Theo ông Thanh, qua quan trắc, tỉnh có đánh giá chung là mực nước ngầm của các tầng nước Sóc Trăng hạ thấp 0,3 – 0,8m/năm và hạ thấp liên tục.
Kết quả theo dõi 8 năm (2007 – 2015) cho thấy mực nước tĩnh của mạch nước ngầm hạ thấp và sắp tới còn hạ nhiều, trong đó các địa phương như TP Sóc Trăng, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu giống như “lòng chảo” khi mực nước ngầm hạ liên tục.
Trong khi đó, hiện tỉnh có nhiều giếng khoan không sử dụng, lại không được trám lấp khiến nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm rất lớn.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho biết mức độ sụt lún đất ở ĐBSCL hiện dao động 2-4cm/năm (20-40mm) do khai thác nước ngầm quá mức.
Nên ngưng cấp phép khai thác nước ngầm
Theo ông Thanh, tất cả nhà máy nước ở Sóc Trăng đều lấy nước từ nước ngầm. Riêng nhà máy nước ở TP Sóc Trăng là nhà máy nước đầu tiên của tỉnh khai thác nước mặt, tuy nhiên cũng rất khó khăn do mùa khô làm độ mặn của nước tăng cao.
Vì vậy hiện tại trong một năm nhà máy chỉ hoạt động sản xuất một nửa, còn lại không sản xuất được do nước nhiễm mặn.
Để hạn chế khai thác nước ngầm, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thu gom và tái sử dụng nước mưa cho sinh hoạt, sản xuất, nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở nhiều mô hình nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, tổ chức, bệnh viện, trường học (chủ yếu để xử lý, sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống).
“Các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đồng loạt thu gom nước mưa thì giảm khai thác nước ngầm với một lượng lớn. UBND tỉnh Sóc Trăng đã chấp thuận và giao cho sở triển khai các mô hình thu gom nước mưa.
Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai rộng cho địa phương, tổ chức tận dụng nước “trời cho” để giảm khai thác nước ngầm” – ông Thanh đề xuất.
Ông Kỷ Quang Vinh dẫn kinh nghiệm của Nhật cho biết nước này đã không cho phép khai thác nước ngầm từ năm 1985, nhưng phải 15 năm sau mực nước ngầm mới chựng lại, không sụt giảm tiếp và từ sau năm 2000 đến nay nước ngầm mới bắt đầu dâng lên.
Ông Vinh khuyến cáo Việt Nam nên ngưng ngay việc cấp phép khai thác nước ngầm từ bây giờ, vì nếu tiếp tục cho khai thác kéo dài thì sự phục hồi mực nước ngầm sẽ còn kéo dài thêm vài chục năm nữa.
Chia 3 tiểu vùng để có giải pháp phù hợp Tại hội thảo, một nhóm các nhà khoa học đề xuất để hạn chế khai thác nước ngầm, cần căn cứ vào từng tiểu vùng cụ thể để có giải pháp phù hợp. Cụ thể, vùng thượng nguồn có nguồn nước mặt dồi dào có thể xây dựng các hồ trữ nước trong mùa lũ, kết hợp với việc giảm sản xuất lúa vụ 3 và giảm xây dựng đê bao để vừa giữ được nước mặt, vừa bổ cập cho nước ngầm. Vùng trung tâm với các đô thị cần nghiêm cấm khai thác nước ngầm, khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến thủy sản, đầu tư công nghệ để tái sử dụng nước thải. Vùng thứ ba là vùng ven biển cần xây dựng các hồ chứa nước mưa kết hợp với việc xây dựng đường ống cấp nước dẫn từ khu vực thượng nguồn về cung cấp cho vùng này. Song song đó, từng hộ dân ở khu vực ven biển cần được khuyến khích xây dựng các bể chứa nước mưa để phục vụ sinh hoạt, bởi hiện nay họ phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngầm. |
Vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ “biến mất”? Cách nay ít lâu, các chuyên gia của Viện Địa kỹ thuật hoàng gia Na Uy (NGI) đưa ra con số khiến nhiều người phải giật mình: mỗi năm, tỉnh Cà Mau sụt lún 1,56-2,3cm… Tình trạng này còn diễn ra ở nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Mới đây, một báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết hằng năm tỉnh phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để đối phó tình trạng sạt lở, sụt lún, nước dâng. Qua nhiều năm quan trắc, khảo sát, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã đưa ra những con số: trong vòng 5 năm mực nước tại cửa sông Gành Hào đã dâng cao 0,73m. Cụ thể, nếu năm 2007 mực nước đo được tại cửa sông này là +1,5m thì năm 2012, mực nước đo được tại đây là 2,23m. Cơ quan này cũng nhận định nếu mực nước tiếp tục dâng như hiện nay thì trong thời gian tới có khoảng 90.000ha đất sản xuất (tương đương 1/6 diện tích của tỉnh) có nguy cơ bị ngập, nhất là hai huyện cực nam Năm Căn và Ngọc Hiển. Từ chuyện sụt lún này, Cà Mau và vùng lân cận có thể sẽ đối diện tình trạng mất đất, bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh, mất rừng; mặn xâm nhập sâu vào các sông và tấn công tầng nước ngầm… “Nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm thì toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới” – NGI khuyến cáo. |