29/11/2024

Phỏng vấn Cha Raniero Cantalamessa thuyết giảng viên của Phủ Giáo hoàng

Ngày thứ sáu mồng 10 tháng 3 vừa qua, Cha Raniero Cantalamessa, Dòng Capucino, thuyết giảng viên của Phủ Giáo hoàng, đã bắt đầu các bài giảng Mùa Chay cho các nhân viên Toà Thánh trong Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế ở nội thành Vatican. Đề tài năm nay là “Không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3).

 Phỏng vấn Cha Raniero Cantalamessa thuyết giảng viên của Phủ Giáo hoàng

 

 
Ngày thứ sáu mồng 10 tháng 3 vừa qua, Cha Raniero Cantalamessa, Dòng Capucino, thuyết giảng viên của Phủ Giáo hoàng, đã bắt đầu các bài giảng Mùa Chay cho các nhân viên Toà Thánh trong Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế ở nội thành Vatican. Đề tài năm nay là “Không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3).

Cha Raniero Cantalamessa sinh năm 1934. Năm 1946, chú bé Raniero gia nhập Dòng Capucino. Một số người biết tính tình lanh lợi nghịch ngội của cậu đánh cá với nhau là thế nào chú bé cũng chỉ ở được vài tuần là bỏ dòng. Nhưng chú bé đã trung thành với ơn gọi tu sĩ, và sau này viết lại: “Từ năm 13 tuổi tôi đã nghe được tiếng gọi của Chúa và với một sự rõ ràng đến nỗi tôi đã không bao giờ nghi ngờ trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời tôi: đó là một ơn ngoại thường. Từ đó trở đi cuộc đời tôi đã tràn đầy ‘thanh thản, an bình và niềm vui nhờ một tương quan cả nhân, bạn hữu, liên tục, đơn sơ và thân tình với Chúa Giêsu’.” Năm 1958, thầy Raniero được thụ phong linh mục trong Vương cung Thánh đường Loreto, nơi cha bắt đầu chức thừa tác của mình. Tiếp đến, Cha Raniero lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Fribourg, Thuỵ Sĩ, và năm 1969, cha lấy thêm bằng tiến sĩ văn chương tại Đại học Thánh Tâm Milano.

Việc yêu thích văn chương cổ điển khiến cho cha học tiếng Hylạp và Latinh để đọc Phúc Âm và các Giáo phụ. Cha cũng đọc nhiều tác phẩm của các văn sĩ, tư tưởng gia và các thi sĩ tân thời. Tiếp đến, cha là giáo sư dạy môn Lịch sử Nguồn gốc Kitô tại Phân khoa Văn chương của Đại học Công giáo Milano, bắc Italia, rồi sau đó trở thành Phân khoa trưởng Phân khoa Khoa học Tôn giáo.

Từ năm 1975 tới 1981, cha cũng đã là thành viên của Uỷ ban Thần học Quốc tế. Năm 1979, cha bỏ dạy học để chú tâm vào thừa tác Lời Chúa, và đầu năm 1980, cha đuợc chỉ định là thuyết giảng viên của Phủ Giáo hoàng, với nhiệm vụ giảng vào mỗi ngày thứ sáu Mùa Vọng và Mùa Chay trước Đức Giáo hoàng và các nhân viên cơ quan trung ương của Toà Thánh. Đây là nhiệm vụ cha đã chu toàn trong suốt triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Vào tháng 4 năm 2005, trong Mật nghị Hồng y bầu Đức Bênêđictô XVI, cha đã là một trong hai vị giảng thuyết ngỏ lời với các hồng y.

** Cha tiếp tục là thuyết giảng viên dưới thời Đức Bênêđictô XVI đồng thời cũng tổ chức các tuần tĩnh tâm đó đây trên thế giới. Chẳng hạn năm 2010 cha đã giảng tĩnh tâm cho 4.000 linh mục và 100 giám mục tại Philippines.

Từ năm 1982, theo gương Cha Mariano, Cha Cantalamessa bắt đầu xuất hiện trên kênh 1 của Đài Truyền hình Italia để chú giải Phúc Âm. Trong các năm 1995-2009, cha đã hướng dẫn mục “Các lý do hy vọng” bên trong Chương trình Văn hoá Tôn giáo “Theo hình ảnh Ngài”, và khai sinh ra điều được định nghĩa là “Giáo xứ lớn nhất Italia”, bao gồm hàng triệu tín hữu theo dõi các buổi nói chuyện của cha bên trong và bên ngoài Italia, và hàng hàng lớp lớp các người liên lạc thư tín với cha.

Hiện nay, Cha Canltalamessa cử hành Thánh lễ Chúa Nhật ngoài trời cho mọi người tại một đan viện cũ của Dòng Capucino, trở thành trụ sở của một cộng đoàn các nữ tu dòng kín ở Cittaducale trong tỉnh Rieti, trung nam Italia. Đây cũng là nơi cha thường về sống đời cầu nguyện chiêm niệm. 

Cha Cantalamessa đã là tác giả của 40 cuốn sách, đa số là suy niệm và diễn giải Lời Chúa, cuốn cuối cùng tựa đề “Gương mặt của Lòng Thương Xót, xuất bản năm 2015; “Hai lá phổi. Một hơi thở duy nhất” năm 2015; “Mầu nhiệm Hiển dung” 2010;  “Từ Tin Mừng tới cuộc sống” năm 2009; “Mầu nhiệm Phục sinh” năm 2009; “Quyền năng của Thập giá” 2 cuốn năm 1999-2009; “Cuộc sống trong Chúa Kitô. Sứ điệp tinh thần của thư gửi tín hữu Roma” năm 2008; “Lời ngài làm cho con sống” năm 2008; “Sức mạnh của tinh thần” năm 2008; “Đức Giêsu thành NAzareth giữa lịch sử và đức tin” năm 2009; “Từ Kerygma tới tín lý. Nghiên cứu về Kitô học của các Giáo phụ” năm 2006; “Đức tin chiến thắng thế giới. Loan báo Chúa Kitô cho thế giới ngày nay” năm 2006; “Yêu thương Giáo Hội” năm 2003; “Chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ba Ngôi” năm 2002. Bên cạnh đó là một loạt sách về mầu nhiệm phục sinh, các nhân đức, cái chết,  Mẹ Maria…

Sau đây, Xin giới thiệu bài phỏng vấn cha về đề tài tĩnh tâm năm nay được khai triển trong năm ngày thứ sáu mồng 10, 17, 24, 31 tháng 3, và mồng 7 tháng 4.

Hỏi: Thưa cha, ở trung tâm các bài giảng tĩnh tâm năm nay sẽ có Chúa Thánh Thần, tại sao vậy?

Đáp: Có hai lý do đã thúc đẩy tôi dành các bài giảng cho Mùa Vọng năm vừa qua và Mùa Chay năm nay cho con người và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lý do thứ nhất là để nêu bật điều mà tôi coi là sự mới mẻ đích thực của thời hậu Công Đồng, nghĩa là một ý thức rõ ràng hơn về chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và trong nền thần học của Giáo Hội. Lý do thứ hai, ít đại đồng hơn nhưng cũng quan trọng, đó là năm 2017 là kỷ niệm 50 năm hoạt động của Phong trào Canh tân Đặc sủng Thánh Linh trong Giáo hội Công giáo, là phong trào đã lôi cuốn hàng chục triệu tín hữu trên toàn thế giới, là kỷ niệm mà ĐTC Phanxicô mong ước được cử hành một cách đặc biệt long trọng và rộng mở đích thực, vào lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tới đây.

Hỏi: Có bao nhiêu chỗ sẽ được dành cho thời sự trong các bài suy niệm thưa cha?

Đáp: Nếu hiểu “thời sự” trong nghĩa quy chiếu các tình trạng hay biến cố đang xảy ra, tôi sợ là có ít điều thời sự trong các bài giảng của tôi. Nhưng theo ý tôi, “thời sự” không chỉ là “điều đang xảy ra”, và nó không đồng nghĩa với “mới đây”. Các điều thời sự nhất là những gì vĩnh cửu, nghĩa là những điều đụng chạm tới con người trong nhân tố sâu thẳm cuộc sống của nó, trong mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa. Đó cũng chính là sự phân biệt giữa “cấp thiết” và “quan trọng”. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ đặt cái “cấp thiết” trước cái “quan trọng”, đặt cái mới đây trước cái vĩnh cửu. Đó là một khuynh hướng mà tiết nhịp dồn dập của truyền thông và nhu cầu mới lạ của truyền thông khiến trờ thành sắc nhọn một cách đặc biệt hơn nữa.

Có cái gì quan trọng và thời sự hơn đối với một tín hữu, và hơn thế nữa đối với mỗi một người nam nữ, hơn là biết xem cuộc sống có một ý nghĩa hay không, cái chết có phải là kết thúc mọi sự hay không, hay trái lại nó là khởi đầu của cuộc sống đích thực? Giờ đây mầu nhiệm vượt qua  cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô mà tôi tự hứa là đọc lại dưới ánh sáng việc tái khám phá Chúa Thánh Thần, và là câu trả lời duy nhất cho các vấn đề như thế. Sự khác biệt giữa việc thời sự này và thời sự truyền thông tin tức cũng giống như giữa người dùng thời gian để nhìn hinh vẽ mà sóng để lại trên bãi cát, và bị làn sóng tiếp theo xoá đi mất – và người hướng mắt nhìn biển trong cái mênh mông của nó.

Hỏi: Đối với con người ngày nay hiểu biết sự thật có nghĩa là gì thưa cha?

Đáp: Câu trả lời xem ra bị đơn giản hoá thái quá, nhưng câu trả lời duy nhất mà kitô hữu có thể đưa ra đó là việc hiểu biết sự thật toàn vẹn hay sự thật duy nhất có giá trị là hiểu biết Chúa Kitô. Hai bài giảng đầu tiên sẽ trình bầy đề tài này: hiểu biết Chúa Kitô là ai; không phải chỉ đã là ai, mà là ai đối với tôi và đối với thế giới ngày nay. Archimede, người đã chế ra đòn bẩy  đã kêu lên: “Bạn hãy cho tôi một điểm tựa, và tôi sẽ nâng thế giới lên.” Ai tin vào thiên tính của Chúa Kitô là một người đã tìm ra điểm tựa không thể nào sụp đổ được trong cuộc sống.

Hỏi: Thưa cha, trong các xã hội của chúng ta có còn chỗ cho Chúa Thánh Thần hay không?

Đáp: Chúa Thánh Thần không phải là một ý tưởng, hay một trừu tượng, Ngài là thực tại hồi hộp nhất mà ta có thể nghĩ ra. Không phải vô tình và Thánh Kinh nói tới Thánh Thần như là gió, lửa, nước, hương thơm, bồ câu. Thi hào Goethe đã trông thấy trong kinh “Lạy Đấng sáng tạo, xin hãy đến” thánh thi tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, một “lời khẩn nài thiên tài, Đấng nói một cách quyền năng với tất cả những người có thần trí và tâm hồn vĩ đại”. Chính ông đã làm một bản dịch rất hay bằng tiếng Đức, và muốn rằng nó được hát mỗi ngày Chúa Nhật trong nhà ông.

Chúng ta đang sống trong một nền văn minh tuyệt đối bị thống trị bởi kỹ thuật. Người ta giả thiết tới một máy vi tính có thể suy nghĩ, nhưng đã không có ai nghĩ tới một máy vi tính có thể yêu thương. Chúa Thánh Thần Đấng là tình yêu  trong trạng thái tinh tuyền và là suối nguồn của mọi tình yêu – là Đấng duy nhất có thể đổ tràn đầy một linh hồn vào trong nhân loại khô cằn này của chúng ta.

(Oss. Rom 10-3-2017)
 
 

Linh Tiến Khải