Ngôi chợ hàng rong của ông Năm Hấp
Gần góc đường Kênh 19 Tháng 5 và T1, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM có một ngôi chợ nhỏ với vài chục quầy sạp. Người dân gọi là “chợ ông Năm Hấp”, người lập ra chợ này.
Ngôi chợ hàng rong của ông Năm Hấp
Gần góc đường Kênh 19 Tháng 5 và T1, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM có một ngôi chợ nhỏ với vài chục quầy sạp. Người dân gọi là “chợ ông Năm Hấp”, người lập ra chợ này.
Ông Năm Hấp trò chuyện cùng những người buôn bán trong khu chợ mang tên ông trên đường T1 (Q.Tân Phú, TP.HCM) – Ảnh: LÊ PHAN |
“Chợ ông Năm Hấp” có gần chục năm nay, người bán người mua phần lớn đều ở trong xóm phố, nghèo như nhau.
Họ “tiền thân” là những người buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường, suốt ngày phường phải cử lực lượng đẩy đuổi. Cả hai bên đều khổ. Cho tới một ngày khu chợ ra đời.
Tấm lòng và ngôi chợ
Ông Năm Hấp tên đầy đủ là Lý Văn Hấp, năm nay 70 tuổi và có 39 tuổi Đảng. Khu đất hương hỏa của ông trước đây trải dài từ mặt tiền đường Lê Trọng Tấn vào đường Kênh 19 Tháng 5.
Khi Nhà nước giải tỏa để cải tạo kênh, đất của ông bị cắt khoảng 2.000m2 và nhận tiền đền bù với giá 90.000 đồng/m2. Với giá cả hồi đó, “nếu đi đám cưới phải bù thêm 10.000 đồng mới đủ cái bao thơ” – ông cười nói.
Những năm 2007 – 2008, khi đường dọc kênh được nâng cấp thì dân cư kéo về nhiều, dịch vụ mọc lên, những gánh hàng rong của dân tứ xứ tụ về, đặc biệt tại góc ngã tư Kênh 19 Tháng 5 – T1.
Từ một vài người buôn bán ban đầu, dần dần nhiều người đổ về đây bán hàng khắp lề đường, rồi tràn ra lòng đường. Ngày nào ông Năm Hấp cũng thấy cảnh đẩy đuổi của lực lượng trật tự đô thị phường với những người mua bán lấn chiếm lòng đường.
“Mỗi lần lực lượng phường kiểm tra, những người bán hàng rong chạy nháo nhào đẩy xe, kéo sạp tìm nơi nấp. Có hôm bí quá họ đẩy cả xe vào nhà tôi, đồ đạc vướng víu, có vụ chết người do lòng lề đường bị lấn chiếm” – ông Hấp nhớ lại.
Từng kinh qua nhiều chức vụ như phó bí thư Đoàn phường (P.15, Q.Tân Bình cũ) rồi phó chủ tịch phường (năm 1978 – 1988), Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân…, ông Hấp rất đồng cảm với chuyện lập lại trật tự lòng lề đường mà chính quyền địa phương thực hiện, đặc biệt vì vấn đề an toàn giao thông.
Tuy vậy, ông Hấp cũng thông cảm với những người bán hàng rong: vì miếng cơm manh áo nên họ phải bám víu vỉa hè, lòng đường. Vì vậy, suy nghĩ dẹp hết trường hợp lấn chiếm hay để người dân buôn bán cứ giằng xé trong ông.
Biết được tâm tư này của ông Năm Hấp, lãnh đạo UBND P.Tây Thạnh tiếp cận ngay, vận động ông Hấp cho mượn khu đất trống khoảng 800m2 để đưa những người bán hàng rong vào, một mặt vừa hỗ trợ địa phương sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, mặt khác cũng giúp những người mua bán hàng rong có nơi có chỗ mưu sinh.
Như được “gãi đúng chỗ ngứa”, ông Hấp gật đầu cái rụp, thế là một ngôi chợ cho những người bán hàng rong được lập ra. Lúc này là năm 2009. Lúc cao điểm có hơn 50 hộ buôn bán kinh doanh.
Để chợ cho ra chợ, ông Năm kêu thợ về làm mái tôn che mưa che nắng, “chớ để mỗi hộ dựng cây dù thì thấy nhếch nhác quá, mà gió quật ngã lên ngã xuống tội người ta”.
Nền chợ cũng được ông láng ximăng, kéo điện, nước và thuê cả dịch vụ vệ sinh. Ông Hấp thu mỗi lô sạp ở đây 10.000 đồng/sạp/ngày và hiện giờ là 30.000 đồng/sạp/ngày.
Tiền này ngoài bù đắp chi phí đầu tư, trả tiền điện nước, dọn vệ sinh thì ông dành một phần nấu những bữa ăn từ thiện.
Mỗi tháng hai bận vào ngày rằm và mùng 1, hàng xóm vẫn thấy vợ chồng ông tất bật chạy lên đình Tây Thạnh lo bữa cơm chay cho những người lao động nghèo, người bán vé số…
Giữ lời hứa với địa phương, với người nghèo
Có người thấy khu đất ông Năm Hấp đẹp, lại thu ba cọc ba đồng tiền sạp nên đặt vấn đề thuê luôn làm kho bãi, trả giá cao hơn nhưng ông Năm không chịu.
Ông nói lý do đơn giản rằng: “Vì mình có điều kiện kinh tế hơn nhiều trường hợp khác và vì lời hứa, sự cam kết của người đảng viên đối với địa phương nên sẽ giữ ngôi chợ này đến khi nào có thể”.
Còn hồi đó nhận lời cho làm chợ rồi, ông Năm cũng lăn tăn: lỡ mai mốt quy hoạch thành chợ luôn thì sao, đất đai đâu chia cho 5 người con? Nhưng chỉ nghĩ vậy thôi chớ cũng tặc lưỡi cho qua…
Chị Thạch Thị Thanh (34 tuổi, quê Trà Vinh), bán trái cây tại chợ, cho biết chị cùng chồng và hai con ở quê lên TP.HCM làm ăn, chồng làm công nhân, vợ bán trái cây.
Trước đây, chị bán hàng tại vỉa hè đường Lê Trọng Tấn nên thường xuyên bị kiểm tra xử phạt và thu hàng hóa. Buôn bán như vậy rất lo sợ, mỗi lần bị thu đồ là coi như đứt vốn.
“Nhờ bác Năm Hấp cho vô đây bán nên an tâm hơn nhiều, hết lo bị kiểm tra thu đồ. Chính quyền cũng hay tới hỏi han, nhắc nhở mọi người đảm bảo an ninh trật tự và an toàn vệ sinh” – chị Thanh nói.
Còn chị Bùi Thị Trang trước làm công nhân, sau chuyển sang buôn bán lề đường, lúc nào cũng nơm nớp lo bị kiểm tra, tịch thu hàng hóa. “Thế rồi tôi được chú Năm Hấp vận động vào chợ, buôn bán ổn định tới bây giờ” – chị Trang chia sẻ.
Nói về tương lai ngôi chợ mình thành lập, ông Năm Hấp cho biết trong xu thế văn minh, hiện đại và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được đặt lên hàng đầu, ông mong muốn những người mua bán hàng rong ở chợ có được một nơi mua bán đàng hoàng hơn, vệ sinh, văn minh hơn như các chợ lớn hoặc siêu thị. “Nhưng chuyện này quá sức của mình” – ông nói.
Làm thêm những “chợ ông Năm Hấp” cho người bán hàng rong Tại cuộc họp kiểm tra tình hình lập lại trật tự lòng lề đường trên địa bàn TP mới đây, ngôi “chợ hàng rong” của ông Hấp được lãnh đạo Q.Tân Phú nêu ra như một điển hình trong việc bố trí, sắp xếp lại cho người buôn bán hàng rong. Bà Hứa Thị Hồng Đang – chủ tịch UBND Q.Tân Phú – cho biết hiện nay đã yêu cầu các phường trên địa bàn quận tiếp tục rà soát những địa điểm có thể tập trung cho người bán hàng rong như chợ của ông Năm Hấp. Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TP không có chủ trương đẩy đuổi người mua bán hàng rong. Ông yêu cầu các quận, huyện tìm những địa điểm đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán như chợ của ông Năm Hấp. |