29/11/2024

Nhà mình thì sạch, rác thì vứt bừa ra đường

Ở Việt Nam hiện nay, xả rác có lẽ là một trong những thói quen của nhiều người, nhất là ở nơi công cộng, khu du lịch, trong dịp lễ hội.

 ỨNG XỬ VĂN MINH QUA GÓC NHÌN GIỚI TRẺ

Nhà mình thì sạch, rác thì vứt bừa ra đường

Ở Việt Nam hiện nay, xả rác có lẽ là một trong những thói quen của nhiều người, nhất là ở nơi công cộng, khu du lịch, trong dịp lễ hội. 


 

 

Nhà mình thì sạch, rác thì vứt bừa ra đường
Học sinh tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) trong lần trải nghiệm một đêm làm công nhân vệ sinh để thay đổi nhận thức, bỏ rác đúng nơi quy định – Ảnh: Ngọc Hiển

Câu chuyện làm tôi nhớ mãi khi đi du lịch đến Thái Lan. Lúc đang nghe thuyết minh ở hoàng cung, anh bạn trong đoàn vứt tàn thuốc lá dưới lối đi liền bị nhắc nhở và được hướng dẫn bỏ đúng nơi quy định là thùng rác.

Thói quen nhặt rác 

Trên đường phố và nơi công cộng ở Thái Lan luôn sạch sẽ. Tôi thắc mắc, nữ hướng dẫn viên du lịch giải thích: “Ở đây, xả rác bị phạt nặng lắm, bị xem là thiếu ý thức. Ai xả rác dễ bị người khác xem thường và lấy hành động đó làm thước đo văn hoá, văn minh. Khi thấy rác trên đường, ai cũng phải có trách nhiệm thu dọn”.

Nghe vậy, tôi thấm thía: “Hóa ra bao nhiêu triệu người dân là bấy nhiêu đôi bàn tay cùng dọn dẹp, hèn chi ít thấy rác trên đường phố”.

Tôi đến Singapore cũng không thấy xả rác ở các khu du lịch, nơi công cộng. Chị hướng dẫn viên du lịch người bản địa đã nói trước với đoàn chúng tôi ở Singapore sẽ phạt rất nặng nếu bị phát hiện xả rác, khạc nhổ bừa bãi, hút thuốc lá nơi công cộng…

Ở nước ta thì khác, xả rác có lẽ là một trong những thói quen của nhiều người, nhất là ở nơi công cộng, khu du lịch, trong dịp lễ hội. Chúng ta cũng có những quy định nhưng chẳng thấy ai bị phạt khi vi phạm, lâu dần thành thói quen khó bỏ ở nhiều người.

Không ít người, có cả người trẻ, chỉ biết chăm sóc cho nhà mình thật sạch, còn rác và các thứ không dùng đến đem vứt ra đường.

Là người làm công trình xây dựng cầu đường, nhiều lúc tôi thấy bức xúc khi chứng kiến người bán quán ăn, quán nhậu, kể cả nhà hàng, đổ trực tiếp thức ăn còn thừa xuống hố ga thoát nước. Khi mình tới vận động thì bị cho là nhiều chuyện và có khi phải đón nhận cái nhìn không thân thiện.

Không biết người xả rác có nghĩ rằng hành vi của mình làm ảnh hưởng môi trường và làm bít cống thoát nước cũng là tác nhân gây ngập?

Trong khi đó những người lao công vất vả phải đi quét dọn và lượm từng bịch rác trên đường, anh công nhân phải xuống hố ga thoát nước và có khi chui trong lòng cống để nạo vét rác, cặn bã.

Thử làm công nhân vệ sinh

Ở VN, người dân thường để rác trên vỉa hè, những bịch nilông rác lăn ra đường bị xe cán nát gây hôi thối, mất mỹ quan đô thị. Thiết nghĩ chính quyền địa phương hoặc đơn vị có trách nhiệm nên đặt những thùng đựng rác đúng chuẩn trên đường phố, trường học, nơi công cộng để người dân bỏ rác đúng chỗ.

Hay chuyện sử dụng túi nilông hằng ngày trong giao dịch kinh doanh, trao đổi, mua bán hàng hoá cũng gây tác hại không nhỏ đến môi trường. Nhiều người đựng rác trong túi nilông rồi quăng ra đường, gây lãng phí rất lớn vì túi nilông chỉ sử dụng thời gian ngắn rồi bỏ, nhiều khi chỉ một lần là thành rác.

Hay như trên đường phố, nút giao thông, ngã tư thường xuất hiện cảnh phát tờ rơi quảng cáo… Nhiều người sau khi đọc qua lại vứt vung vãi ra đường phố. 

Nhà nước cũng đã khuyến khích cá nhân, tổ chức nghiên cứu làm ra sản phẩm phù hợp hoặc có hình dáng và tiện lợi hơn túi nilông với chất liệu dễ phân hủy, xử lý, tái chế. Người đi đường nếu không có nhu cầu thì không nhận tờ rơi quảng cáo. Có như vậy mới góp phần đáng kể trong đảm bảo mỹ quan đô thị.

Tôi nghĩ rằng khi thấy người khác xả rác, một người lên tiếng rồi sẽ có nhiều người hưởng ứng, sẽ dần dần loại bỏ thói quen xấu này. Chính quyền địa phương hãy bắt đầu từ tổ dân phố, tích cực tuyên truyền, vận động và nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường.

Khi có phương tiện bỏ rác kèm các quy định cụ thể, có thêm những cách thức để làm cho cá nhân xả rác biết mình thiếu tự giác và mặc cảm bởi hành vi đáng phê phán, dần dần sẽ xoá được thói quen này.

Căn cơ có lẽ chúng ta cần nhiều hơn cảm giác “xấu hổ” và biết hành xử như “người công nhân vệ sinh” mới mong đường phố sạch sẽ, môi trường trong lành, góp phần nâng cao chất lượng sống, bên cạnh quy định xử phạt thật nặng.

Không xả rác bừa bãi trước hết là trách nhiệm và lòng tự trọng ở mỗi người dân. Nếu không thể ngăn chặn được nạn xả rác, xây dựng được văn minh đô thị chỉ là ước mơ viển vông, không tưởng. 

Phụ huynh cần làm gương

Tôi thường dạy con mình ý thức bảo vệ môi trường ngay khi các cháu còn nhỏ, không chỉ trong phạm vi nhà mình mà tất cả những nơi mình đến. Và tôi đã “gặt hái” được những trái ngọt đầu tiên.

Một hôm chở con đi học, đến cổng trường mầm non, bé lớn (lúc đó mới 4 tuổi) xuống xe và bước qua bên kia đường. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy con bước tới bao rác của một nhà dân. Tôi liền hỏi: “Con qua đó làm gì thế?”. Bé trả lời rằng để bỏ vỏ hộp sữa vào bao rác. Hành động của con khiến tôi vui và hãnh diện.

Mỗi lần dừng đèn đỏ, khi nhận tờ rơi, tôi thường bỏ vào túi. Thấy vậy, con thắc mắc. Tôi nói với con, ở ngã tư người ta thường phát tờ rơi, xem xong có người vứt tại chỗ, có người thì vo tròn, đi một đoạn đường rồi vứt.

Tôi không vứt như người ta mà mang rác về nhà. Tôi dạy con rằng phát tờ rơi ở các ngã tư góp phần dẫn đến thói quen vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên con cũng cần nghĩ đến điều này: thứ nhất, việc phát tờ rơi ít nhiều cũng giúp sinh viên, người nghèo có thêm đồng tiền mưu sinh; thứ hai, nếu mọi người nhận tờ rơi mà không xả rác thì đường phố đâu có rác. Điều quan trọng là cách mình hành động nên tôi thường đưa rác về nhà là vì vậy.

Thiết nghĩ người lớn hãy là những tấm gương cho thế hệ trẻ. Nếu không nhận tờ rơi thì thôi, khi đã nhận thì phải bỏ rác đúng chỗ. Chẳng nặng nề gì khi làm việc ấy. Nặng hay nhẹ chính là hành động đẹp hay xấu của mỗi con người. Mong phụ huynh đừng xả rác! 

THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM)

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường, Q.9, TP.HCM)