29/11/2024

Truyện tranh ‘người lớn’ có cấm trẻ em?

Một phụ huynh tại Hà Nội đã giật mình khi phát hiện tập truyện tranh Anh hùng Héc-quyn (thuộc tập 6 bộ Thần thoại Hy Lạp) có nhiều nội dung “người lớn” và hình ảnh nhạy cảm, không hợp với lứa tuổi lớp 6 của con mình.

 

Truyện tranh ‘người lớn’ có cấm trẻ em?

Một phụ huynh tại Hà Nội đã giật mình khi phát hiện tập truyện tranh Anh hùng Héc-quyn (thuộc tập 6 bộ Thần thoại Hy Lạp) có nhiều nội dung “người lớn” và hình ảnh nhạy cảm, không hợp với lứa tuổi lớp 6 của con mình.
 
 
 
 

Truyện tranh 'Anh hùng Héc-quyn' từng được cho là có nội dung người lớn, hình vẽ phản cảm không phù hợp với trẻ em /// Ảnh: Lucy Nguyễn

Truyện tranh ‘Anh hùng Héc-quyn’ từng được cho là có nội dung người lớn, hình vẽ phản cảm không phù hợp với trẻ em ẢNH: LUCY NGUYỄN

Trong các nội dung của tập sách mà bà phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội có cả tình một đêm, hình khỏa thân… Vào cuối tháng trước, Cục Xuất bản – In – Phát hành đã ra công văn khuyến nghị Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cần điều chỉnh nội dung, hình ảnh cho phù hợp với nhu cầu người đọc và phải dán nhãn giới hạn độ tuổi độc giả ở bìa 1 cho người mua dễ nhận biết.
 
Đây không phải là lần đầu tiên truyện tranh ở VN bị các bậc phụ huynh phản ứng vì mang nội dung “người lớn”. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, có những ý kiến trái chiều cho rằng đó là do phụ huynh Việt… mua nhầm truyện tranh không phù hợp với lứa tuổi con mình, bởi không phải truyện tranh là sách dành riêng cho trẻ em mà có cả truyện tranh cho người lớn.
 
Bảo vệ trẻ bằng phân loại độ tuổi
Theo họa sĩ Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng, thị trường sách VN đang thịnh hành một số dòng manga (truyện tranh Nhật Bản), trong đó bên cạnh các dòng dành cho thiếu nhi, thiếu niên còn có cả dòng Josei (truyện dành cho độc giả nữ độ tuổi 18 – 30), Seinen (truyện dành cho độc giả nam độ tuổi 18 – 30) – 2 dòng manga tương đối mới ở VN, mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây và thu hút nhiều độc giả. Các bộ Seinen, Josei có các cảnh nhạy cảm hoặc mang nội dung tư tưởng mà ở lứa tuổi trưởng thành mới có thể tiếp nhận.
 
Cách đây một vài năm, giới hạn độ tuổi thường có thể có hoặc không có trên bìa sách, tùy thuộc vào ý thức của từng NXB. Thường với các bộ sách có nội dung liên quan đến bạo lực hay có hình ảnh sexy, các NXB sẽ đưa thêm giới hạn độ tuổi vào bìa sau của sách như một “khuyến nghị” với độc giả khi chọn sách. Kể từ tháng 10.2017, theo quy định của Cục Xuất bản – In – Phát hành, tất cả các sách đều phải có giới hạn độ tuổi ghi ở bìa 4 của sách. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào khi mua sách cho con cũng biết mà chú ý lật kỹ xem tham khảo độ tuổi trước khi mua.
 
Bà Đinh Phương Thảo, Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, cho rằng để độc giả mua đúng sách phù hợp với độ tuổi, các đơn vị làm sách cần định hướng sách cho đúng đối tượng sách và ghi rõ đối tượng trên bìa sách. Các sách sau khi mua bản quyền, được xuất bản tiếng Việt phải biên tập kỹ lưỡng sao cho phù hợp với văn hóa VN, phù hợp với độ tuổi độc giả.
 
Bộ manga Shin – Cậu bé bút chì (NXB Kim Đồng) vốn được nhiều em nhỏ mê thích từ nhiều năm trước bởi những hình vẽ ngộ nghĩnh và câu chuyện hài hước, song cũng bị nhiều phụ huynh phản đối vì cho rằng bộ truyện này có khá nhiều chi tiết dung tục, không phù hợp lứa tuổi thiếu nhi. Chẳng hạn Shin có nhiều trò quậy phá, xưng hô với mẹ và người lớn không phải phép, nói trống không, thường xuyên tự tụt quần, tốc váy bạn gái ở ngoài đường… cùng nhiều lời thoại ám chỉ chuyện người lớn. Hiện bộ truyện đã được sửa chữa nội dung cho phù hợp hơn và đã dán nhãn 12+ (chỉ dành cho các bé trên 12 tuổi).
 
Trách nhiệm của nhà sách
Trong khi các NXB có thể bị xử phạt nếu đặt quy định về giới hạn độ tuổi không đúng, không phù hợp với nội dung thực tế của truyện, thì quy định chế tài các nhà sách bán truyện tranh “người lớn” cho thiếu nhi vẫn chưa có. Ở các hiệu sách lớn, khu vực đặt truyện tranh cho thiếu nhi và thanh thiếu niên hay người lớn có thể có một sự tách biệt nhỏ, nhưng không quá rõ. Và độc giả nhí hầu như vẫn có thể xem tại chỗ hoặc mua bất kỳ cuốn truyện tranh nào mà các em muốn.
 
Theo nhà văn thiếu nhi Trần Quốc Toàn, truyện tranh không chỉ cần có xác định độ tuổi ngay trang bìa 1 cho dễ nhìn, mà còn phải quản lý việc bán truyện tranh một cách nghiêm ngặt. “Nhà sách không được bán truyện tranh người lớn cho độc giả nhí, cũng giống như không được bán rượu và thuốc lá cho đối tượng này vậy. Để tránh việc trẻ em có thể mua truyện tranh người lớn, việc quản lý bán hàng nên siết chặt hơn nữa,” nhà văn Trần Quốc Toàn nhấn mạnh.
 
Sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn
 
“Trong hệ thống nhà sách Fahasa, truyện tranh cho trẻ em luôn được trưng bày riêng một khu cho các em tự do chọn mua. Còn sách truyện tranh cho người lớn được bày riêng kệ. Các nhân viên của nhà sách cũng chú ý hạn chế đối với trẻ em mua sách truyện tranh ngoài lứa tuổi quy định nhưng cũng có lúc vào những giờ cao điểm khách đông, nhân viên thu ngân có thể không kiểm soát kỹ. Chúng tôi sẽ đôn đốc bộ phận thu ngân kiểm soát chặt chẽ hơn khi khách hàng là trẻ em, nhằm tránh tình trạng các em mua sách không phù hợp lứa tuổi”.
 
Bà Phạm Thị Hoá, Phó tổng giám đốc Công ty phát hành sách Fahasa


LUCY NGUYEN