Rừng phòng hộ thuộc xã Khánh Phú (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hoà) đang bị xâm hại nghiêm trọng vì nạn khai thác gỗ lậu. Đáng lưu ý, chủ rừng chỉ phát hiện khi các cây gỗ lớn đã bị lâm tặc chặt, xẻ thành nhiều khúc.
Gỗ bị ‘xẻ thịt’ ngay trong rừng phòng hộ
Rừng phòng hộ thuộc xã Khánh Phú (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hoà) đang bị xâm hại nghiêm trọng vì nạn khai thác gỗ lậu. Đáng lưu ý, chủ rừng chỉ phát hiện khi các cây gỗ lớn đã bị lâm tặc chặt, xẻ thành nhiều khúc.
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm địa phương cũng chỉ biết đến vụ việc sau khi báo chí phản ảnh. Từ nguồn tin của bạn đọc về việc rừng phòng hộ thuộc xã Khánh Phú bị xâm hại, ngày 6.3, PV Thanh Niên đã đến hiện trường tìm hiểu.
Trước tình trạng rừng phòng hộ ven biển Cửa Đại bị thu hẹp do nạn chặt phá và xói lở, địa phương chọn phương án mua lại rừng sản xuất của người dân để chăm sóc, phục hồi và bổ sung cho phần diện tích rừng phòng hộ đã xoá sổ.
Tại tiểu khu 205 do Công ty TNHH MTV lâm sản Khánh Hòa quản lý, PV phát hiện đống gỗ tròn chỉ cách đường rừng vài bước chân. Có khoảng 50 khúc gỗ, đường kính khoảng 40 – 80 cm, thậm chí có gốc đường kính khoảng 1 m, nằm chồng chất. Mỗi khúc gỗ dài khoảng 1,2 – 2 m, nhiều khúc có dấu cưa còn mới. Cách điểm tập kết gỗ tròn không xa là những bãi gỗ hộp với hàng chục miếng.
Chủ rừng kêu khó
Liên quan đến vụ việc nói trên, sáng 7.3, ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm sản Khánh Hoà, đơn vị quản lý, thừa nhận tiểu khu 205 thuộc rừng phòng hộ Khánh Phú đang bị xâm hại. Theo ông Tân, từ đầu năm đến nay, công ty đã tổ chức nhiều đợt truy quét tại khu vực rừng nói trên.
“Chỉ tính từ ngày 25.2 – 5.3, công ty đã tổ chức hai đợt truy quét, mỗi đợt phát hiện hơn 1 m3 gỗ hộp, 4 – 5 cây gỗ tròn (mỗi cây khoảng 1 m3), chủ yếu là gỗ dẻ, sến, chua khét…”, ông Tân nói. PV đặt câu hỏi: “Lực lượng của công ty thường xuyên truy quét, nhưng tại sao chỉ phát hiện sự việc khi lâm tặc đã chặt phá rừng và cưa, xẻ gỗ xong?”.
Ông Tân phân bua: “Khi lực lượng chức năng truy quét, lâm tặc có người cảnh giới nên không bắt được quả tang. Lâm tặc thường làm ban đêm nên khó phát hiện. Chúng cũng không tập trung vào một khu vực nào, mà lựa các cây rải rác để chặt hạ”.
Ông Tân cũng nói những bãi gỗ PV ghi nhận ngày 6.3 là do lâm tặc chặt hạ trước đó ở khu vực thuộc khoảnh 4, tiểu khu 205; lực lượng truy quét phát hiện và tập kết ra gần đường rừng để lập biên bản xử lý, chuyển giao cho kiểm lâm. Tuy nhiên, khi hỏi số lượng gỗ tập kết tại khu vực nói trên là bao nhiêu thì ông Tân nói “chưa thống kê cụ thể được”.
Về trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra vụ việc trên, ông Tân nói: “Chúng tôi nhận trách nhiệm, bởi vì chủ rừng là người trực tiếp giữ rừng. Từ ngày 1.3, công ty đã đình chỉ chức vụ đối với ông Phạm Văn Tâm, là Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Khánh Phú và kiểm điểm Trạm phó Lê Xuân Nghĩa, để làm rõ trách nhiệm. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo lên UBND tỉnh vụ việc nói trên”.
Gỗ tròn chồng chất và gỗ hộp bị cắt nhỏ (ảnh nhỏ) trong rừng phòng hộ Khánh PhúẢNH: NGUYỄN CHUNG
Không báo cáo kiểm lâm, tự xẻ nhỏ gỗ lậu
Ông Lê Thanh Hoá, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Khánh Vĩnh, cho biết hạt chỉ biết được vụ việc phá rừng phòng hộ ở Khánh Phú sau khi nhận được phản ảnh của báo chí. Trong ngày 7.3, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với công an địa phương, chủ rừng đến điểm tập kết gỗ lậu tại tiểu khu 205 để kiểm tra, kiểm kê số lượng cụ thể. Tuy nhiên, ông Hóa cho biết đến chiều tối cùng ngày vẫn “chưa có báo cáo”. Ông Hoá nói thêm: “Trong vụ việc phá rừng nói trên, khi tiến hành truy quét, chủ rừng không thông báo kiểm lâm để hỗ trợ. Sau khi phát hiện số gỗ lậu trong rừng, chủ rừng cũng tiến hành thu gom, tập kết nhưng sau đó cũng chưa báo cáo cho hạt kiểm lâm biết”.
Khi PV thắc mắc về những khúc gỗ hộp xẻ nhỏ tại tiểu khu 205, ông Hóa nói số gỗ đó là do chủ rừng sau khi phát hiện gỗ hộp thì tự cắt ngắn. “Lẽ ra chủ rừng phải lập biên bản, báo cơ quan chức năng, nhưng việc này hạt cũng không biết”, ông Hoá cho biết. Trong khi đó, ông Tân lý giải: “Nếu số lượng nhiều mình phải báo cáo cơ quan chức năng, trong đó có kiểm lâm địa phương, còn đây ít quá nên đơn vị “huỷ” để lâm tặc có quay lại rừng cũng không đưa gỗ ra khỏi rừng nữa”.
Cụ Nguyễn Lán (87 tuổi) đã dày công trồng, chăm sóc, bảo vệ rặng phi lao nơi cửa biển, giúp dân làng sống an toàn trước sóng, gió và biển xâm thực.
Chiều qua, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hoà, cho biết chưa nghe các đơn vị trực thuộc báo cáo vụ việc nói trên. “Tôi sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra gấp, báo cáo Sở để xử lý”, ông Bản nói.
Ngày 7.3, ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm sản Khánh Hoà, cho biết đã báo vụ việc nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Liên Sang (H.Khánh Vĩnh, thuộc Công ty TNHH MTV lâm sản Khánh Hòa) bị hành hung lên Công an H.Khánh Vĩnh để điều tra. Tối 6.3, ông Phạm Trí Dũng (49 tuổi, nhân viên của trạm Liên Sang) đang trực tại trạm thì có hai người đàn ông đến nói cho “xin” lại 2 khúc gỗ khai thác trái phép mà lực lượng chức năng thu giữ trước đó. Ông Dũng từ chối thì bị hai người này đánh vào đầu, mặt bầm tím rồi bỏ đi. Ông Dũng được đưa đến bệnh viện, khâu nhiều mũi trên đầu.