Đường đi cát Việt ra nước ngoài: Cát Việt bán giá bao nhiêu?
Một sự thật khó tin: các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cát sang Singapore khai báo giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3. Liệu có đúng giá cát bèo đến mức như vậy?
Đường đi cát Việt ra nước ngoài: Cát Việt bán giá bao nhiêu?
Một sự thật khó tin: các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cát sang Singapore khai báo giá trung bình 1 USD/m3, thậm chí có khai báo chỉ 0,8 và 0,9 USD/m3. Liệu có đúng giá cát bèo đến mức như vậy?
Những đồi cát dự trữ khổng lồ gần sân bay quốc tế Changi, Singapore – Ảnh: Vân Trường |
Trong khi cát là một tài nguyên quý giá, một thành phần quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên nên nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á hiện đã cấm khai thác cát thì tại Việt Nam, cát vẫn được khai thác dưới danh nghĩa dự án nạo vét và bán ra nước ngoài.
Nạo vét để… xuất khẩu
Theo tìm hiểu, từ năm 2016 đến nay, cả nước có hơn 10 DN tham gia xuất khẩu cát nhiễm mặn theo giấy phép của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, một số DN có giấy phép nhưng không làm thủ tục xuất khẩu, đây là các DN thực hiện dự án nạo vét bằng hình thức xã hội hóa. DN được quyền bán toàn bộ cát thu được để bù chi, sau khi nộp các loại chi phí thì được hưởng phần lợi nhuận thu được.
Phần lớn các dự án nạo vét tận thu có xuất khẩu cát sang Singapore đều tập trung ở vùng biển miền Trung.
Tại khu vực ĐBSCL hiện chỉ có một dự án nạo vét ở Vùng 5 hải quân thuộc huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), do Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Đức Long và Công ty CP Hải Việt thực hiện.
Hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên là trọng điểm của các dự án nạo vét và xuất khẩu cát, có tới 8 dự án chia đều cho mỗi tỉnh. Bốn dự án của tỉnh Khánh Hòa nằm ở Cam Ranh, vịnh Vân Phong và TP Nha Trang.
Những dự án này được thực hiện bởi Công ty CP đầu tư Cái Mép, Công ty CP xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh, Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn – Hà Nội.
Trong đó dự án tại vịnh Vân Phong được Bộ Xây dựng cấp phép xuất khẩu sản lượng “khủng” nhất: hơn 7,3 triệu m3, dự án đang tạm dừng do vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương.
Tại tỉnh Phú Yên có bốn dự án nạo vét tận thu cát xuất khẩu ở cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa), cửa sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), cảng cá Tiên Châu và cửa biển An Hải (huyện Tuy An).
Các dự án này thuộc Công ty CP đầu tư BKG, DN tư nhân Bảo Châu, Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn – Hà Nội, Công ty TNHH xây dựng và tư vấn đầu tư Quốc Bảo.
Năm 2016, các DN nêu trên đều có làm thủ tục xuất khẩu cát sang Singapore. Tuy nhiên, giữa tháng 2-2017, khi PV Tuổi Trẻ có mặt tại bốn dự án nạo vét ở Phú Yên thì không thấy phương tiện nào hoạt động.
Một DN giải thích do thời tiết không thuận lợi, gió mạnh nên tạm dừng. Riêng dự án của Công ty Quốc Bảo tại cảng cá Tiên Châu, lúc đó đang bị người dân phản đối rất gay gắt.
Ngoài ra, tại miền Trung còn có một số dự án nạo vét tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu khác nằm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên – Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Các tàu chuyển cát xuống đảo Tekong, Singapore chiều 19-2. Chiếc bên trái là Yangtze Harmony chở cát từ Phú Quốc – Ảnh: Vân Trường |
Giá 4 USD/m3, có 200 triệu m3 cũng ký liền!
Trong khi nhu cầu nhập khẩu cát của Singapore luôn rất lớn thì giá cát mà DN Việt Nam khai báo xuất khẩu ngày càng giảm đến mức khó tin.
Do hầu hết DN che giấu thông tin và né tránh nói về việc nhập khẩu cát nên chúng tôi tìm hiểu qua “cò” mua bán cát biển Việt Nam với hi vọng tìm được sự thật về giá.
Qua nhiều kênh giới thiệu, chúng tôi được tiếp xúc với “cò” tên Sandy (tên đã được thay đổi). Sandy, một tay “cò” nổi tiếng tại Singapore, anh này nói ở Việt Nam có dự án nạo vét nào, trữ lượng bao nhiêu anh ta đều nắm trong lòng bàn tay.
“Các anh có cát ở đâu, trữ lượng bao nhiêu, mỗi tháng giao được bao nhiêu, cỡ hạt, giao ở cảng nào, giá bao nhiêu?” – Sandy hỏi một lèo.
Chúng tôi đưa hợp đồng nạo vét, giấy phép xuất khẩu của một dự án tại Phú Quốc cho Sandy xem và nói: “Trữ lượng còn lại khoảng 1 triệu m3, giao trong năm nay, modul cát từ 1.2-1.4 tương tự chất lượng cát mà Công ty Đức Long đang bán cho Công ty Hua Kai vậy”.
Sandy tỏ ra am hiểu: “Công ty Đức Long của bà T. ở Vũng Tàu phải không? Tôi biết dự án của công ty này”.
Chúng tôi nói có trong tay bản hợp đồng của Công ty Hua Kai mua của Công ty Đức Long giá 4,6 USD/m3, nhưng chỉ bán 4 USD/m3 thôi và cũng giao FOB tại cảng Phú Quốc luôn. Sau khi xem hồ sơ, Sandy nói cần bổ sung một loạt giấy tờ nữa mới đủ.
“OK. Tạm chấp nhận giá 4 USD/m3 đi, dù cát ở Phú Quốc hạt mịn lắm. Chiều nay tôi sẽ gặp công ty mua cát của Singapore để trao đổi rồi trả lời” – Sandy nói.
Sau đó Sandy nhắn tin nói nhu cầu mua cát của Singapore rất lớn. Khối lượng chúng tôi đang có quá ít. Nếu ký hợp đồng mỗi tháng 1 triệu m3 thì quá tốt. Ngay cả 100 triệu m3 cũng mua hết liền.
Nếu chúng tôi có thể đáp ứng tốc độ đưa cát lên tàu 20.000 m3/ngày thì 200 triệu m3 cũng ký liền, đương nhiên là giá 4 USD/m3. Điều kiện kèm theo là tốc độ giao hàng phải đạt 4 ngày/tàu 37.000m3. Khối lượng 1 triệu m3 sẽ giao hết trong vòng 4 tháng.
“Lần gặp kế tiếp bên anh phải cung cấp đủ hồ sơ tôi yêu cầu đấy” – Sandy căn dặn.
Trước khi chúng tôi rời Singapore về Việt Nam, Sandy liên tục nhắn tin hỏi thăm thủ tục xuất khẩu 1 triệu m3 cát ở Phú Quốc chuẩn bị tới đâu rồi.
Khoảng 6 tháng nữa Singapore sẽ đấu thầu mua cát. Bây giờ cần đẩy nhanh tốc độ lo thủ tục để nộp cho DN Singapore chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Đặc biệt Sandy tiết lộ một DN ở Việt Nam nhờ anh ta tìm khách hàng bán 4,5 triệu m3 cát tại tỉnh Khánh Hoà, hình thức FOB. Giá bán cát “lòng vòng 4 USD/m3”. Sandy còn nói rõ tên DN Việt Nam bán cát với giá này.
Đối chiếu với hồ sơ, chúng tôi tin Sandy nói thật. Không chỉ hưởng hoa hồng môi giới bán cát, Sandy còn kiếm được một khoản không hề nhỏ từ việc môi giới thuê tàu chở khối lượng cát khổng lồ từ Khánh Hoà về Singapore.
“Trong vụ này tui có thể huy động 200 chiếc tàu loại 50.000 tấn. Cỡ nào tôi cũng làm được” – Sandy khẳng định.
(Còn tiếp)