Kỳ tích chàng trai xương thuỷ tinh
Cuộc đời của chàng trai tật nguyền Lê Văn Vũ (cao hơn 1,3 m, 35 tuổi, ở xã Mỹ Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình) như một cuốn tiểu thuyết đầy chi tiết thấm đẫm nước mắt.
Kỳ tích chàng trai xương thuỷ tinh
Cuộc đời của chàng trai tật nguyền Lê Văn Vũ (cao hơn 1,3 m, 35 tuổi, ở xã Mỹ Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình) như một cuốn tiểu thuyết đầy chi tiết thấm đẫm nước mắt.
Đôi chân “xương thuỷ tinh” không thể nâng con người anh đứng vững nhưng ý chí đã khiến anh đứng được trên dâu bể cuộc đời.
TIN LIÊN QUAN
“Đang vác bao xi măng ở công trình thì cô giáo ra báo con bị gãy xương, tôi để nguyên quần áo lấm lem vội lên xe theo cô giáo vào viện”
Nước mắt và vinh quang
Sau sinh một thời gian ngắn, bác sĩ phát hiện Vũ mắc bệnh xương thủy tinh. Người ta đi bằng chân nhưng Vũ đi bằng tay, đó là cách duy nhất giúp Vũ đi lại. Anh bò khắp nhà, rồi sau đó bò ra ngoài sân. Cho đến giờ anh không nhớ tay mình đã bò mòn bao nhiêu đôi dép. Đến tuổi học, thấy đám trẻ trong làng xúng xính áo quần cặp sách đi học, Vũ cũng đòi gia đình được đi học. Vũ đến trường trên lưng của bố mẹ, anh chị. Khoảng thời gian đến trường của Vũ là những chuỗi ngày đau đớn tột cùng bởi cứ dăm ba bữa đôi chân lại bị gãy, chỉ cần va chạm nhẹ hoặc sai thế là nó gãy; lại phải nghỉ học đi bệnh viện chữa trị và ở nhà dưỡng thương.
Năm 2000, Vũ quyết định trốn gia đình vào Biên Hòa (Đồng Nai) với mục đích tìm việc làm nuôi sống bản thân. Nơi đất khách quê người, Vũ không người quen, không việc làm, không chỗ ở. Anh la lết khắp phố phường xin việc. Sau đó, anh tiếp tục đi nhiều nơi, học nhiều nghề để kiếm cơm.
Khi nghe tin tỉnh Quảng Bình thành lập đoàn thể thao người khuyết tật dự giải toàn quốc, Vũ liền nhờ người đăng ký tham gia môn bơi rồi trở về quê tập luyện. Năm 2004, lần đầu tiên Vũ đứng lên bục vinh quang của đường đua xanh với tấm HCV.
TIN LIÊN QUAN
Vũ Thu Phương lớn lên trong nghèo khó biến 30 triệu thành vài chục tỉ thế nào?
Ít ai biết được gia đình Phương từng rất nghèo. Cái nghèo đeo bám dai dẳng suốt những năm tháng ấu thơ của cô gái này.
“Khỏi phải nói lúc đó sướng thế nào, gọi điện về cho gia đình báo tin ai cũng mừng, cả họ hàng mừng. Cả đời ai mơ ước có HCV. Lần đầu tiên được HCV sướng thật, mừng chảy nước mắt luôn. Năm đó mình được 3 cái vàng cá nhân”, Vũ nhớ lại.
Vũ bơi cho tỉnh Quảng Bình đến năm 2009 thì nghỉ. Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh là cả một sự vươn lên không biết mệt mỏi. Khi thi đấu cho Quảng Bình, sông Kiến Giang chính là sân tập. Nhắc đến Vũ, dân đường đua xanh ai nấy đều kiêng nể và khâm phục. Riêng bộ sưu tập của anh khi thi đấu cho tỉnh Quảng Bình có đến 25 HCV, 8 HCB và 6 HCĐ. Anh được nhiều đơn vị khen thưởng như: Sở Thể dục – Thể thao tỉnh Quảng Bình tặng giấy khen năm 2005 vì thành tích đạt
3 HCV giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005; năm 2016 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2013 – 2015; Hội LHTN VN tặng bằng khen vì là thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2016…
Xây dựng hạnh phúc trong gian khó
Năm 2012, thêm một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Lê Văn Vũ khi anh bén duyên cùng cô gái khuyết tật Sầm Thị Hà (33 tuổi, người quê Quỳ Hợp, Nghệ An; vận động viên môn cờ vua). Hà là người dân tộc Thái, lúc 4 tháng tuổi cô bị sốt để lại di chứng 1 chân bị liệt từ đầu gối xuống. Hà vượt qua mọi rào cản để học hành và tốt nghiệp ngành ngữ văn ở Trường ĐH Đà Lạt. Trở về quê xin việc không được, cơ duyên đưa đẩy Hà vào Vũng Tàu làm việc, rồi gặp và kết duyên cùng Vũ. Hai người sinh được bé trai khỏe mạnh, đặt tên Lê Bình An với ý niệm mong bình an và ghép từ 2 quê Quảng Bình – Nghệ An.
TIN LIÊN QUAN
Chàng trai xương thuỷ tinh vào đại học
Đậu ĐH với tổng số điểm 27,75 (khối A) nhưng chàng trai nặng 30 kg Nguyễn Trọng Tín (19 tuổi, Trường Trần Văn Dư, H.Phú Ninh, Quảng Nam) khiêm tốn bảo: “Là do em may mắn”.
Có con, gánh nặng thêm oằn lên vai đôi vợ chồng khuyết tật. Nhiều lúc họ thấy mình kiệt sức, nhưng nghĩ đến con, vì con nên cả hai lại nuốt nước mắt động viên nhau tiếp bước. Năm 2013, Vũ đưa vợ con từ Vũng Tàu ra Lệ Thuỷ sinh sống. Hai vợ chồng mở quán cà phê, nước dừa bán. Mọi thứ ban đầu rất khó khăn, có ngày số tiền kiếm được không đủ chi trả tiền điện, lãi suất ngân hàng nhưng Vũ vẫn động viên vợ: “Vạn sự khởi đầu nan em ạ. Gắng lên vậy”. Việc buôn bán ngày một thuận lợi hơn, dần có kinh phí trang trải cuộc sống. Vũ nhận phân phối dừa cho các xã lân cận và người có nhu cầu. Đến mùa đông thì quay gà, vịt bán. Rồi có thời điểm Vũ mạnh dạn mở cả quán nhậu.
Giữa năm 2016, Vũ quyết định đưa vợ con về TP.Đồng Hới mưu sinh. Anh mua xe kéo, mua dừa mang ra khu vực chợ Đồng Hới bán cho khách. Hai vợ chồng thuê căn nhà nhỏ ở xã Bảo Ninh trú ngụ. Hằng ngày, sau khi đưa con đi mẫu giáo, 2 vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe dừa ra chợ bán; ngoài ra còn có mía, khô nổ, cam Vinh. Vũ nói, dù có khó khăn đến mấy nhưng mình phải sống trên đôi tay của mình chứ tuyệt đối không bao giờ xin xỏ. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, vợ chồng Vũ đội mưa rét bán buôn đến cận tết mới nghỉ để về quê.
Lúc nào Vũ cũng ấp ủ ước mơ khấm khá để có thể giúp đỡ được nhiều người khuyết tật. Anh mong muốn được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng kinh doanh; khi buôn bán thuận lợi sẽ nhận người khuyết tật đến làm cùng. Ước mơ thật bình dị và thanh cao, mong sao anh được toại nguyện và gặp nhiều may mắn trên đường đời gập ghềnh của mình.
TIN LIÊN QUAN
Chàng trai xương thủy tinh ra mắt tự truyện
(TNO) Chiều 15.11, chàng trai xương thuỷ tinh Vũ Ngọc Anh đã ra mắt tự truyện đầu tay mang tên Không thể vỡ tại quận 1, TP.HCM.
Trương Quang Nam