28/11/2024

Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua

Nhiều bằng chứng xác thực của giáo sĩ Julien Faulet chứng minh Bá Đa Lộc không phải là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ.

 

Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua

Nhiều bằng chứng xác thực của giáo sĩ Julien Faulet chứng minh Bá Đa Lộc không phải là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ.



Hình minh hoạ vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử (1875 – 1955)ẢNH: TƯ LIỆU

Julien Faulet sinh ngày 21.11.1741 ở Guilliers (Pháp), đi truyền giáo từ ngày 29.11.1773, được chuyển đến Cao Miên tháng 6.1775, làm trợ tá cho giám mục Bá Đa Lộc. Trong suốt thời gian truyền giáo ở khu vực này, ông và giáo dân sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ vì chiến tranh và cướp bóc, cái chết luôn luôn gần kề. Cuối cùng ông bị bệnh tâm thần, phải trở về Bretagne, Pháp.
Giáo sĩ Faulet viết nhiều thư mô tả tình hình chiến sự, giáo xứ và giáo dân ở Cao Miên và Hà Tiên, trong đó có hai tài liệu quan trọng: 1/ Bản ký sự dài, thuật việc giám mục Bá Đa Lộc phải tẩu thoát khỏi tu viện Cay-Quao (tu viện do giám mục xây dựng ở phía nam Hà Tiên, dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Mạc Thiên Tứ). Sau đó, qua những gì được ghi trong Sử Ký Đại Nam Việt, thì lại biết thêm rằng: giám mục chạy sang Cao Miên. Tóm lại: Bá Đa Lộc bỏ Hà Tiên ngày 29.7.1777 chạy sang Cao Miên. Như vậy, giám mục không thể nào “cứu” Nguyễn Ánh trong tháng 9 – 10.1777 được.
2/ Trong một bức thư khác, giáo sĩ Faulet cho biết ai cứu thoát Nguyễn Ánh tháng 9 – 10.1777. Đó là lá thư ông viết ở Cao Miên ngày 25.4.1780, gửi giáo sĩ Descouvrières, bề trên của ông, kể tình trạng cực kỳ khốn khổ của họ đạo ở Hà Tiên, giữa cướp bóc và giặc giã, đoạn chót có câu: “Chính cha Paul (Paul Nghị) đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và báo cho Đức thánh cha (Bá Đa Lộc) biết”. Lá thư này là một tư liệu quý, bởi vì linh mục Faulet lúc đó ở Hà Tiên, có lẽ ông đang ở trong nhà giám mục Bá Đa Lộc, cho nên biết rõ chuyện cha Nghị giấu Nguyễn Ánh trong thuyền của mình.
Câu văn ngắn ngủi của Faulet hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, có một chứng nhân tại chỗ, người Pháp, là giáo sĩ Faulet, xác định: cha Nghị là người cứu sống Nguyễn Ánh. Lời cha Faulet lại trùng hợp với lời một người Việt, là tác giả Sử Ký Đại Nam Việt.
Vua Gia Long và người Pháp: Những ân nhân của nhà vua - ảnh 1

Trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử mô tả về quá trình trốn chạy của Nguyễn Ánh

Về người mẹ của Nguyễn Ánh, Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau: “Con thứ hai của ông Vũ Vương (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), tên là Chưởng Vũ (Nguyễn Phúc Luân), chẳng khác tính cha là bao nhiêu (tức là cũng ăn chơi như cha). Trong các vợ ông Nguyễn Phúc Luân có một con hát sinh đặng nhiều con trai; trong những con trai ấy, thì con thứ hai tên là Đức Hoàng Nguyễn Ánh, có danh tiếng, vì đến sau được nối dòng cùng tôn lên làm vua, gọi là Gia Long”.
Sử Ký Đại Nam Việt viết trong đoạn Nguyễn Ánh trốn giặc như sau: “Ấy vậy mà tông tộc nhà Nguyễn đã gần tuyệt, còn lại một ông Nguyễn Ánh cùng ba anh em mà thôi. Chẳng khỏi bao lâu thì ba ông này lại phải sự khốn khó mà chết hết. Vậy còn một ông Nguyễn Ánh mới lên mười bốn hay mười lăm tuổi mà thôi. Ông ấy tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì, chẳng còn ai giúp cũng chẳng biết tin ai nữa. May còn một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau lách. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phaolồ (Paul Nghị), là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn Ánh, tuy chưa quen biết thầy Phaolồ, song đã biết là thầy cả bổn quốc, cũng biết là thầy đạo, thì xưng danh mình ra, xin thầy Phaolồ cứu. Thầy Phaolồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng qua Hà Tiên, mà giấu trong nhà đức thầy Vêrô (Bá Đa Lộc). Khi ấy đức thầy Vêrô đã sang bên Cao Miên, cho nên thầy cả Phaolồ vội vàng gửi tin cho người biết sự ấy cho kịp. Ông Phaolồ có ý giấu ông Nguyễn Ánh trong nhà đức thầy Vêrô cho kỹ, nên chẳng cho ai biết. Song cũng khó lắm, vì quân Tây Sơn đã biết tỏ ông ấy đã trốn sang Hà Tiên, nên đã truyền tìm bắt người mà nộp. Vậy qua một tháng thì chẳng còn lẽ nào mà giấu trong nhà nữa, nên ông Phaolồ phải đưa ông Nguyễn Ánh lên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phaolồ, hoặc thầy giảng kia, tên là ông Toán, thỉnh thoảng lén chở đồ ăn đến cho mà thôi. Vậy ông Phaolồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng hai ba tháng, thì có công với ông Nguyễn Ánh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi. Khi ấy quan phủ kia tên là Nhất Trịnh, nghe tin ông Nguyễn Ánh hãy còn, thì lấy một ít quân mạnh bạo đi tìm mà giết. Quân Tây Sơn canh giữ đồn kia áp xứ Đồng Nai và Cao Miên, ra sức tìm cho đặng ông Nguyễn Ánh. Dần dần thì nó biết đặng ông ấy còn ẩn mình trong thuyền ông Phaolồ trong Rạch Giá. Cũng một khi ấy đức thầy Vêrô ở Cao Miên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem một Langsa, tên là Gioang (Jean) có nghề võ cùng bạo dạn gan và có tài đánh giặc lắm”.
Theo tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, có ba người giúp Nguyễn Ánh thoát nạn: Một đứa nhỏ nhà trò có lòng trung tín, tức là một tiểu đồng con nhà hát, liên hệ với mẹ Nguyễn Ánh, trung tín theo hầu, chính cậu nhỏ nhà trò này đã tìm thuyền cứu chủ, giấu vào lau lách. Hồ Văn Nghị, hay Paul Nghị, thầy giảng, là người thân tín của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn Ánh giấu vào thuyền mình, chở về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên và báo tin cho Bá Đa Lộc biết, lúc ấy vị giám mục đang ở Cao Miên. Ít lâu sau sợ bị lộ, cha Nghị đem Nguyễn Ánh trốn vào rừng. Thầy giảng Toán, cũng liều mình đem đồ ăn đến cho Nguyễn Ánh.

 

Thuỵ Khuê (Trích từ cuốn Vua Gia Long và người Pháp do NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017)