Khởi động Bách khoa toàn thư của người Việt Nam
Cuối năm 2017, các ban soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ hoàn thành đề cương mỗi lĩnh vực. Nhưng hiện tại, giới khoa học bày tỏ không ít băn khoăn khi bắt tay vào soạn thảo.
Khởi động Bách khoa toàn thư của người Việt Nam
Cuối năm 2017, các ban soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ hoàn thành đề cương mỗi lĩnh vực. Nhưng hiện tại, giới khoa học bày tỏ không ít băn khoăn khi bắt tay vào soạn thảo.
Hội thảo với sự tham gia của 300 nhà khoa học để khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư VN – Ảnh: V.V.TUÂN |
Sáng 26-2, tại Hà Nội, 300 nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã dự hội thảo khoa học Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư VN do hội đồng chỉ đạo đề án biên soạn Bách khoa toàn thư VN tổ chức.
37 quyển về 73 ngành
Bách khoa toàn thư VN sẽ gồm 37 quyển viết về 73 ngành ở các cụm lĩnh vực như: khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và công nghệ; nghệ thuật. Mỗi quyển có độ dài 1.500-2.000 trang với khoảng 2.000-2.500 mục từ.
Trong quá trình biên soạn sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền bách khoa tiêu biểu và lâu đời trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ…
“Về cơ bản, cần xác định rõ chúng ta biên soạn Bách khoa toàn thư VN nên tri thức của VN sẽ là 70% và tri thức thế giới là 30%, tất nhiên có những chuyên ngành có đặc thù thì tỉ lệ sẽ khác. Việc biên soạn này cần đảm bảo tính khoa học, tính đại chúng, tính dân tộc và tính hiện đại như mục tiêu của đề án đã đề ra…
Cần có thái độ khách quan, khoa học và trung thực, nhất là cần có đủ thời gian trong nhận xét đánh giá (lựa chọn những tác giả, nhân vật đã định hình – người viết)” – PGS.TS Lại Văn Hùng, tổng thư ký (ban thư ký đề án), nhấn mạnh.
Bài toán khó về ngôn ngữ
Tại hội thảo, không ít các nhà khoa học bày tỏ ý kiến băn khoăn về những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư VN.
PGS.TS Trần Đức Cường, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, băn khoăn khi biên soạn các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Như các nhân vật lịch sử Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Hồ Chí Minh đều là nhân vật của cả lĩnh vực lịch sử, văn học, chính trị. Vì vậy, ông đề nghị cần có sự phối hợp để đảm bảo tính thống nhất, không trùng lặp.
Một khó khăn khác như PGS.TSKH Trần Trọng Hòa (Viện Địa chất) đặt ra là làm sao khi biên soạn phải chuyển đổi từ ngôn ngữ bác học phức tạp sang ngôn ngữ mà nhiều người có thể tự học, tự hiểu là bài toán không đơn giản.
Trong khi đó, PGS.TS Phan Trọng Thưởng (Viện Văn học) cho rằng việc lựa chọn mục từ ở lĩnh vực văn học vô cùng phức tạp bởi nó gắn với quan điểm chính trị. “Lĩnh vực văn học nhiều mục từ, biết chọn tác giả, tác phẩm nào? Ví dụ những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… có đưa vào biên soạn không cũng là câu hỏi khó.
Hơn nữa, tiêu chí lựa chọn các tác giả, tác phẩm nước ngoài tỉ lệ bao nhiêu?” – ông Thưởng nêu vấn đề. GS triết học Hồ Sĩ Quý cũng nêu vấn đề với ngành triết học thì tỉ lệ thế giới và VN bao nhiêu là vừa? Bởi các phạm trù nghiên cứu triết học là chung trên thế giới chứ không riêng VN. Ông đề nghị nên tùy theo mỗi lĩnh vực mà cân đối hàm lượng mục từ thế giới hay VN cho phù hợp, không nên phân chia máy móc.
Kết luận hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – phó chủ tịch hội đồng, chủ nhiệm đề án Bách khoa toàn thư VN – khẳng định đây là công trình Bách khoa toàn thư của các nhà khoa học VN biên soạn, nên cần làm thế nào để nêu bật được tri thức văn hoá VN trong suốt quá trình lịch sử.
Về những băn khoăn quanh tỉ lệ mục từ thế giới và VN khi biên soạn, ông Thắng nêu giải pháp là tri thức thế giới sẽ được khai thác đủ mức gắn liền với các vấn đề của VN.
Dự kiến, trong tháng 3-2017, cuốn Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư VN sẽ được hoàn thành để làm cơ sở thống nhất cho việc biên soạn. Đến cuối năm 2017, các ban biên soạn sẽ cơ bản hoàn thành đề cương của mỗi lĩnh vực.
Biên soạn mất khoảng 8 đến 10 năm Trong báo cáo đề dẫn hội thảo của ban tổ chức, PGS.TS Lại Văn Hùng, tổng thư ký ban thư ký đề án, cho hay ngày 15-2-2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư VN do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch hội đồng. Đến nay, các tổ chức chuyên môn của đề án biên soạn Bách khoa toàn thư VN đã đi vào hoạt động. Theo ban thư ký đề án, quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư VN sẽ trải qua hai giai đoạn, biên soạn theo chuyên ngành và biên soạn theo vần chữ cái A, B, C… Tổng thời gian biên soạn Bách khoa toàn thư VN khoảng 8 đến 10 năm. Sau khi hoàn thành công tác biên soạn sẽ cho in ấn, xuất bản. Công trình sẽ được xuất bản bằng bản giấy và sau đó có thể xuất bản bằng bản điện tử để công chúng tham khảo. |