28/11/2024

Chúa nhật VIII TN – A: Ưu tiên tìm kiếm Chúa

Trong dòng chảy cuộc sống ngược xuôi, nhiều khi lắm gian nan vất vả, con người cảm thấy chênh vênh, yếu đuối, muốn tìm một chỗ vững chắc để tựa nương. Cuộc kiếm tìm đó có khi không hề dễ dàng vì có những lúc con người cảm thấy cần đến Chúa nhất thì Người lại có vẻ như im lặng.

 

Is 49,14-15; 1 Cr 4,1-5; Mt 6,24-34

ƯU TIÊN TÌM KIẾM CHÚA

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”(Mt 6,33)

Trong dòng chảy cuộc sống ngược xuôi, nhiều khi lắm gian nan vất vả, con người cảm thấy chênh vênh, yếu đuối, muốn tìm một chỗ vững chắc để tựa nương. Cuộc kiếm tìm đó có khi không hề dễ dàng vì có những lúc con người cảm thấy cần đến Chúa nhất thì Người lại có vẻ như im lặng. Các bài đọc lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta liên lỉ khám phá sự hiện diện và quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trong cuộc đời con người.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Khi dân Chúa bị đem đi lưu đày tại Babylon, họ tưởng như mọi sự đã chấm hết. Họ khó có thể hiểu được tại sao họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và ưu ái, nhưng lại phải chịu cảnh làm nô lệ nơi đất khách quê người.Theo họ, nguyên nhân của tất cả những điều này là vì Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, đã quên giao ước đã ký kết với họ (Is 49,14). Chỉ khi Thiên Chúa bỏ rơi họ, không còn coi họ là dân của Người, họ mới rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy.

Trong bối cảnh đó, ngôn sứ Isaia mang lại luồng gió hy vọng cho dân đang bị lưu đày. Bằng cách dùng hình ảnh tình cảm sâu nặng và mối tương quan khắng khít giữa mẹ và con, ngôn sứ tự hỏi liệu có người mẹ nào nỡ từ bỏ con của mình, đứa con mà bà đã phải mang nặng đẻ đau. Thiên Chúa gắn bó với dân bằng một mối dây tình thương bền chặt, thậm chí còn bền vững hơn cả tình mẫu tử. Giả như trên đời này có người mẹ nào quên con mình thật, thì Thiên Chúa là Đấng không bao giờ quên dân của Người (Is 49,15). Vấn đề đối với dân là làm sao khám phá ra sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh bi đát khó khăn của họ.

2. Bàiđọc 2

Theo thánh Phaolô, mỗi người chúng ta đều là những người quản lý của Thiên Chúa, mà phẩm chất quan trọng của người quản lý là sự trung thành (1 Cr 4,1-2). Hơn nữa, sự trung thành của người quản lý không phải do người khác đánh giá hay do chính mình tự nghĩ ra mà do chính Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cả “những gì ẩn khuất trong bóng tối” và “những ý định trong thâm tâm con người” (1 Cr 4,5).

Để có thể sống trung thành với chủ, người quản lý hẳn phải biết ý của chủ mình, biết chủ mình muốn gì và trung thành thực hiện ý muốn của chủ. Thách đố đối với người quản lý là làm sao biết chính xác đâu là điều chủ mình muốn và làm sao để thực hiện ý muốn của chủ cách tốt nhất. Muốn vậy, người quản lý phải tinh tế quan sát để dò ý chủ, tìm kiếm để biết rõ ý chủ và bày tỏ sự trung thành qua việc thực hiện ý muốn của chủ. Chính Thiên Chúa là Chủ sẽ “xét xử” và “khen thưởng đích đáng” cho những quản lý trung thành.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta tìm kiếm và trung thành thực thi thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm lầm lỗi, sai trái của người khác để xoi mói, để xét đoán. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì sâu kín nhất trong lòng mỗi người chúng ta, sẽ đánh giá chúng ta dưới ánh sáng chân lý của Người. Những ai lo tìm kiếm và trung thành thực thi ý Chúa thì sẽ chẳng bao giờ sợ bị xét xử.

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng trước hết mời gọi chúng ta xác định ai là chủ của cuộc đời mình. Một tôi tớ thực sự trung thành không bao giờ cùng một lúc có hai chủ. Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Chúa mời gọi chúng ta chọn lựa một cách dứt khoát, không nước đôi, không thoả hiệp. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối trung thành và Người cũng muốn chúng ta đặt trọn niềm tin và sự trung thành vào Người chứ không phải bất cứ thứ gì khác. Bất cứ một sự thoả hiệp nào với bất cứ loại “chủ” nào đó không phải là Thiên Chúa đều dẫn con người xa Chúa là nguồn bình an và ơn cứu độ đích thật.

Một khi đã xác định được Thiên Chúa là chủ thật sự của cuộc đời mình, con người được mời gọi tin tưởng vào sự quan phòng của Người. Dù  con người được mời gọi để tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa, làm cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời Thiên Chúa muốn con người đặt tất cả mọi sự trong bàn tay quan phòng của Người. Con người dễ bị cám dỗ cuốn theo biết bao lo lắng, toan tính, tham lam, tranh giành mà quên mất điều quan trọng thiết yếu nhất chính là sự sống đã được Thiên Chúa trao ban. Chỉ Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng trên sự sống của con người. Nếu con người không thể quyết định sự thành bại của mọi việc mình làm, nhất là của sự sống mình thì con người được nhắc nhở hãy biết phó thác mọi sự vào Đấng quan phòng là chủ của đời mình.

Dù Thiên Chúa luôn chúc phúc cho những gì tốt đẹp mà con người cố gắng tạo ra trên trái đất này vì Thiên Chúa biết đó là những điều cần thiết cho cuộc sống con người, tuy nhiên điều mà Thiên Chúa muốn con người chúng ta kiếm tìm trên hết không phải là những gì tạm bợ, chóng tàn, mau qua ở đời này mà là “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33). Tất cả rồi sẽ qua đi, kể cả những gì được xem là bền vững nhất ở đời này. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng trường cửu và những ai trung thành tìm kiếm Người cũng được Người ban cho sự sống và sự tốt lành vĩnh cửu trong Nước của Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Cuộc sống hàng ngày với biết bao lo toan làm cho con người nhiều khi không còn thời gian cho Chúa, không còn một khoảng trống trong tâm hồn để Chúa ngự vào. Những khi gặp khó khăn, thất vọng, chán nản, con người lại càng dễ cảm thấy mình bơ vơ giữa bao sóng gió của cuộc đời. Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia hôm nay nhắc chúng ta rằng: ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng như bi đát nhất, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi những ai cậy trông vào Người. Phải chăng tôi thiếu lòng tin tưởng và trông cậy vào Chúa, nhất là những khi chán nản thất vọng?

2. Thiên Chúa chính là người Chủ đích thật và đáng tin cậy cho mỗi người. Phải chăng có nhiều khi tôi đã gạt Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi, ra khỏi gia đình tôi, ra khỏi những buồn vui của cuộc đời tôi, để lao vào tìm kiếm những “chủ” khác? Phải chăng tôi đã để cho cuộc sống tôi bị nô lệ bởi những ông “chủ” tạm bợ, nhất thời, chóng qua? Tôi đã từng thoả hiệp với những ông “chủ” xấu nhằm kiếm một chút lợi lộc cho mình?

3. Cuộc sống đời người rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc, dù con người có muốn hay không. Tất cả những gì tôi có hiện nay sẽ đi về đâu? Cuộc đời tôi sẽ đi về đâu? Chẳng lẽ tôi sẽ ra đi với hai bàn tay trắng? Đâu là ưu tiên chọn lựa của tôi trong cuộc sống này? Thiên Chúa đang mời gọi tôi tìm kiếm Nước vĩnh cửu của Người, tôi có muốn đáp lại lời mời gọi của Người?