28/11/2024

Nhiêu khê bắt trộm cát

Hàng chục hộ dân gửi đơn phản ánh tình trạng khai thác cát rầm rộ trên sông Cổ Chiên (chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre), gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

 

Nhiêu khê bắt trộm cát

Hàng chục hộ dân gửi đơn phản ánh tình trạng khai thác cát rầm rộ trên sông Cổ Chiên (chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre), gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.



Hai xáng cạp đang hoạt động vào sáng 22.2 trong khi giấy phép quy định chỉ một chiếc	 /// Ảnh: Hoàng Phương

 

Hai xáng cạp đang hoạt động vào sáng 22.2 trong khi giấy phép quy định chỉ một chiếcẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Một trong 20 hộ dân ngụ ở cồn Lớn (ấp Bình An, xã Hoà Nghĩa, H.Chợ Lách, Bến Tre) ký đơn là ông Huỳnh Văn Bình (63 tuổi) cho biết: “Từ năm 2014, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu đến tỉnh. Nhưng tỉnh chuyển về huyện, huyện chuyển về xã, rồi đâu cũng vào đó. Gần đây, khi một chiếc xáng cạp được cấp phép thì các tàu hút cát hoạt động càng rầm rộ hơn”.
Sạt lở ngày càng rộng


Cho mỗi cán bộ 50.000 đồng đi xe ôm
Một cán bộ, thuộc Phòng TN-MT Chợ Lách, kể có lần phối hợp với công an bắt cát lậu, khi tổ kiểm tra buộc dây vào chiếc tàu hút cát lậu thì họ chống cự và kéo ghe chạy sang Vĩnh Long. Thấy họ bơm xả nước vô ghe quá nguy hiểm nên yêu cầu tháo dây ra thì họ đặt điều kiện: “Tui tháo dây ra nhưng mấy ông không được bắt tui nữa. Nếu không tui cho chìm ghe luôn”. Một lần khác, đoàn kiểm tra có 6 người nhưng mỗi người bắt giữ 2 chiếc ghe hút cát lậu. Thấy lực lượng ít, họ chống cự và chạy luôn qua Vĩnh Long. Tới nơi họ cho mỗi người 50.000 đồng… đi xe ôm về

Theo Quyết định số 2979/QĐ-UBND ngày 8.12.2016, UBND tỉnh Bến Tre gia hạn cho Công ty CP vật liệu xây dựng tỉnh này tiếp tục khai thác cát lòng sông tại mỏ Phụng Châu thuộc 2 xã Hòa Nghĩa, Sơn Định (H.Chợ Lách) trong thời hạn 2 năm, kèm theo bản đồ xác định tọa độ, diện tích, với khối lượng cụ thể là 300.000 m3/năm, phương tiện khai thác là “1 cần xáng cạp và ghe bơm hút”, nhưng không nói rõ bao nhiêu ghe.

Qua phản ánh của người dân, ngày 16.12.2016, Bí thư ấp Bình An là ông Lê Văn Tặng cùng với công an, dân quân, tới hiện trường khảo sát và lập biên bản ghi nhận: “Khoảng 10 giờ cùng ngày có 3 chiếc xáng cạp đang hoạt động gần bờ ở khoảng cách chừng 250 m”, trong khi đó thì “bờ đê bị sạt lở từ ngoài vào chừng 20 m, nhiều chỗ lở hàm ếch, nhiều cây bần chắn gió bị sụp”.
Sáng 22.2, khi người dân đưa chúng tôi đến hiện trường chụp ảnh thì thấy có 2 chiếc xáng cạp đang hoạt động. Riêng ghe bơm hút cát, theo người dân, mỗi ngày có chừng 50 – 70 chiếc từ Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre tới đây hoạt động. Ban ngày họ hút cát ở phạm vi cách bờ chừng 300 m, còn ban đêm thì hút sát gần bờ. “Sau khi dân khiếu nại lên tỉnh, công an có đến xác minh. Nhưng mỗi lần công an tới thì các tàu hút cát không hoạt động”, ông Bình nói.
Ông Trần Hoàng Dựng, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Nghĩa, xác nhận phản ánh của dân là có. Mỗi lần tiếp xúc cử tri đều nghe dân phản ánh và báo cáo về huyện.
Nhiêu khê bắt  trộm cát

Người dân bức xúc vì nhiều nơi trên cồn Lớn bị sạt lở sâu vào bờ đến gần 20 m

Giải quyết lẹ để… về bơm cát lấy tiền đóng phạt
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng TN-MT Chợ Lách, Phòng TN-MT huyện có kết hợp với cảnh sát môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra, xử phạt nhiều lần việc khai thác cát trái phép, riêng năm 2016 xử phạt gần 300 triệu đồng. Nhưng trên địa bàn huyện có rất nhiều điểm khai thác cát, mức phạt như vậy là không nhiều, chỉ chừng 30% số vụ. Việc đùn đẩy trách nhiệm theo phản ánh của người dân, ông Việt cho biết: “Bởi lực lượng của huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, đi kiểm tra ban đêm nhưng ngày còn phải làm việc. Đôi khi chậm trễ vì mỗi khi nghe dân báo còn phải liên hệ với ngành chức năng. Trong khi dân hút cát lậu sử dụng thiết bị công suất lớn, chỉ bơm chừng 30 phút thì đầy ghe. Khi mình tới thì họ đi mất”.
Ông Việt cũng thừa nhận có tình trạng khai thác cát gần bờ như dân phản ánh, nhưng phải bắt quả tang mới xử phạt được. “Thậm chí, dù được cấp phép khai thác trong mỏ, nhưng có khi họ đánh lận con đen. Chẳng hạn ban ngày thì khai thác ầu ơ ví dầu, ban đêm họ mở rộng ra cũng đâu kiểm soát nổi. Ngoài ra, theo quy định, việc vận chuyển cát do ngành thuế và quản lý thị trường chịu trách nhiệm. Vì vậy, khi tàu hút cát lậu nhổ neo và chạy đi thì chúng tôi không làm gì được, vì không có quyền kiểm tra chứng từ”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, phản ánh của dân là đúng nhưng rất khó giải quyết triệt để nạn khai thác cát lậu, vì theo quy định thì khai thác cát trái phép không phải trộm cắp, nên chỉ xử phạt hành chính. Chính vì vậy mà khi bị bắt, có người vô tư nói: “Mấy chú giải quyết lẹ để tui về bơm cát lấy tiền đóng phạt”.

 

Hoàng Phương