Gần 20 năm xung phong di cư lập thôn làng mới trên non cao xã Suối Quyền (H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), 88 hộ dân thôn Và Ngần đã có một ngày rất vui khi cây cầu bê tông kiên cố được khánh thành, giúp người dân không còn lo lắng bị cô lập trong mùa mưa lũ.
Cây cầu mới trên non cao sau 20 năm chờ đợi
Gần 20 năm xung phong di cư lập thôn làng mới trên non cao xã Suối Quyền (H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), 88 hộ dân thôn Và Ngần đã có một ngày rất vui khi cây cầu bê tông kiên cố được khánh thành, giúp người dân không còn lo lắng bị cô lập trong mùa mưa lũ.
20 năm chờ đợi
Cây cầu bê tông Thẳm Có, nằm trên địa phận thôn Và Ngần, xã Suối Quyền, có tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng, do T.Ư Đoàn và Tỉnh đoàn Yên Bái làm chủ đầu tư, chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Dưới chân núi Ngọc Linh, Quảng Nam, hàng ngày học sinh đến trường phải qua cây cầu treo làm bằng tre nứa và dây leo, đan hình chiếc võng. Vì con chữ, các em liều mình đến trường mặc cho bên dưới, nước lũ gầm thét, nguy hiểm chực chờ…
Đưa tay vuốt ve trụ bê tông, lan can cầu, bà Lý Thị Ton (60 tuổi, nhà ở thôn Và Ngần) luôn miệng xuýt xoa: “Cầu mới đẹp quá”. Để phục vụ xây dựng công trình này, gia đình bà Ton quyết định hiến một phần nương đồi trồng quế, rồi cùng dân làng góp công góp sức xẻ đồi giải phóng mặt bằng cho dự án.
Gia đình bà Ton nằm trong số những hộ đầu tiên đi khai hoang lập thôn mới Và Ngần từ năm 1998. Khi đó, đường qua suối chỉ là cầu tre bắc tạm, mỗi năm làm lại vài lần vì bị lũ cuốn trôi. “Nhà đông người, nương ruộng lại không nhiều. Cán bộ đến nhà vận động hiến đất ai cũng băn khoăn vì nương đồi trồng quế là “miếng ăn” của gia đình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bao năm nay người dân Và Ngần ai cũng mong có cây cầu, nên tôi đứng ra vận động con cháu hiến đất làm cầu, mình phải vì lợi ích chung thôi”, bà Ton nói.
Đứng cạnh bà Ton, ông Triệu Văn Lý, Trưởng thôn Và Ngần, cho biết từ năm 1998 đến nay người dân chỉ đi lại bằng con đường đất đỏ. Không có cầu bắc qua suối, người dân bắc cầu tạm bằng tre nứa. Khi lũ về, cầu tạm bị cuốn phăng. Khổ nhất vào mùa mưa, năm nào thôn Và Ngần cũng bị cô lập, học sinh không thể đến trường, phải nghỉ học cả tuần. Nông sản, vật nuôi bà con làm ra đem xuống chợ rất vất vả vì giao thông chia cắt. “Nếu tính từ mốc khai hoang lập thôn Và Ngần này, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây mòn mỏi chờ đợi gần 20 năm để nhìn thấy và được thụ hưởng cây cầu khang trang, bề thế xây dựng giữa vùng đồi núi hiểm trở. Cho nên khi đến từng nhà vận động, hàng chục hộ dân sẵn sàng cắt đất mở rộng và kéo dài đường dẫn lên cầu”, ông Lý nói.
Mang no ấm về cho các thôn bản
Dẫn chúng tôi ngược núi dự lễ khánh thành cầu Thẳm Có, anh Lý Anh Tú, kỹ sư Công ty CP tư vấn giám sát và kiểm định xây dựng Yên Bái, người gắn bó với công trình này từ ngày đầu khảo sát thi công, chia sẻ dù chỉ nằm cách trung tâm xã Suối Quyền chừng 10 km, đường ngắn nhưng là đoạn khó “nhằn” ngay cả với cánh lái xe vùng cao. Gặp hôm trời mưa, đường trơn, bánh xe quay trượt tại chỗ. Lái xe vừa đi vừa dò dẫm, canh bánh xe bám đường để không văng xuống vực. Gần như toàn bộ vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển tăng bo bằng sức người. Thanh niên tình nguyện, người dân được huy động góp sức để khiêng từng bao cát, cõng từng bao xi măng đến các vị trí thi công.
Khó nữa là địa hình xây dựng. Toàn bộ phần móng, mố, mái cầu đều nằm trên vùng địa chất với đá nguyên khối. Công trình thi công trong khoảng 10 tháng thì có đến 8 tháng dùng thuốc nổ phá đá, đá phá đến đâu thì làm được đến đó. Số lượng thiết bị bị hư hỏng gấp đôi so với công trình thông thường. “Vốn đầu tư cho công trình không lớn, điều kiện và địa hình thi công vô cùng khó khăn. Giá trị đóng góp bằng ngày công lao động của lực lượng thanh niên tình nguyện, người dân địa phương ở công trình này có ý nghĩa và giá trị rất lớn, nếu không rất khó hoàn thành chỉ sau chưa đầy một năm khởi công”, anh Tú nói.
Những con đường, cây cầu thanh niên góp sức dựng xây đang kết nối các thôn, bản vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số đi lại, giao thương dễ dàng và mở ra cơ hội vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn, anh Trần Mạnh cũng cho biết vốn đầu tư được chi cho các hạng mục xây dựng chính. Ở công trình này, Huyện đoàn Văn Chấn đã vận động thanh niên từ khắp các xã trong huyện tình nguyện đóng góp ngày công lao động giúp vận chuyển vật liệu xây dựng, đào đắp hàng trăm khối đất đá làm 2 đường dẫn lên cầu. Sau khi thông xe, cầu Và Ngần được bàn giao cho chính quyền địa phương và Đoàn thanh niên xã Suối Quyền quản lý và tiếp tục vận động người dân trong thôn bảo vệ, tiếp tục gia cố và bảo vệ các đoạn đường dẫn nếu bị sạt, xói lở trong mùa mưa lũ.
Chia sẻ tại lễ khánh thành và thông xe cầu Thẳm Có, Trưởng thôn Triệu Văn Lý cho rằng công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi người dân trong thôn không còn lo bị chia cắt và cô lập nữa. Cây cầu này cũng giúp bà con hai xã Suối Quyền và Suối Giàng đi lại, giao thương thuận tiện, dễ dàng hơn. Đường xuống các chợ trung tâm xã chính thức khai thông thì chỉ nay mai thôi, cùng với tinh thần lao động chịu thương chịu khó của người dân địa phương sẽ mang no ấm về với các thôn bản vùng cao.