Những năm ‘sóng gió’ của Văn Miếu
Ít ai biết Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) từng bị sử dụng làm nơi đóng quân, có thời gian lại dùng làm điểm “cách ly dã chiến” cho việc đối phó với dịch tả ở Hà Nội.
Những năm ‘sóng gió’ của Văn Miếu
Ít ai biết Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) từng bị sử dụng làm nơi đóng quân, có thời gian lại dùng làm điểm “cách ly dã chiến” cho việc đối phó với dịch tả ở Hà Nội.
Những văn bản “đòi lại” Văn Miếu đã được trưng bày trong triển lãm Văn Miếu – Quốc Tử Giám giai đoạn 1884 – 1945 qua tư liệu lưu trữ. Chúng cho thấy một thời gian dài người dân Hà Nội đã bị tước mất chỗ tế lễ. Trong khi đó, chính người Pháp cũng không nhận thức đúng về di tích này trong thời gian đầu chiếm đóng. Trong nhiều văn bản từ 1895 – 1905, người Pháp nhiều lần gọi Văn Miếu là Chùa Quạ do nhầm đây là một ngôi chùa có nhiều quạ. Giai đoạn 1884 – 1945 thực sự là những năm đầy “sóng gió” của di tích này.
“Trạm y tế dã chiến”
Công văn số 28 ngày 27.3.1895 của Công sứ Quảng Yên gửi Công sứ Hà Nội viết: “Tôi xin hân hạnh thông báo để ngài biết các quan lại bản xứ và dân làng Quỳnh Lâu đã đề nghị cho họ được khởi phục việc tế lễ tại Văn Miếu – nơi trại lính Quảng Yên đang đóng quân”. Bức điện số 831 ngày 2.4.1895 do Sở Quan hệ với người bản xứ của Chính phủ bảo hộ Pháp gửi Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp lại có đoạn: “Ngôi chùa (Văn Miếu) đã bị quân đội chiếm đóng từ năm 1884; đến năm 1888, do yêu cầu bảo mật, bên quân đội đã cấm người An Nam vào chùa cúng tế. Biện pháp này tỏ ra không hợp lý. Hiện nay, số quân đồn trú trong trại lính Quảng Yên đã giảm xuống nhiều, chỉ còn khoảng 30 người (lúc đầu là 2 đại đội). Vì vậy kính mong ngài xem xét trả lại ngôi chùa cho bên dân sự để phục hồi việc tế lễ”.
Trên thực tế, chỉ 2 năm sau khi thành Hà Nội thất thủ, Văn Miếu bị quân đội viễn chinh chiếm đóng và biến thành trại lính thuộc địa Quảng Yên rồi trại lính kèn Bắc kỳ (1884 – 1902). Thậm chí, tháng 6.1903, khi Hà Nội có dịch tả, vì nơi cách ly ở Bệnh viện Bạch Mai đã bị đổ do bão, Văn Miếu được “trưng dụng” thành khu cách ly người bệnh. Khu thờ tự giáo dục phong kiến quan trọng của người Việt bị biến thành “trạm y tế dã chiến”. Bệnh dịch lui sau ba tháng và người Việt lập tức đòi trả lại công năng cũ cho Văn Miếu.
Tháng 3.1904, Văn Miếu được tẩy trùng hoàn toàn và “sẵn sàng mở cửa trở lại phục vụ việc tế lễ”. Sau đó hơn một năm, tháng 4.1905, Văn Miếu được công nhận là di tích của Hà Nội cần bảo vệ.
TS Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, nhận xét: “Xem lại các kiến nghị, công văn lưu trữ, qua vụ việc này có thể thấy rõ thái độ của người Việt và các nhà cầm quyền người Pháp khi đó. Cuối cùng thì người Pháp đã không thể dễ dàng bỏ qua tình cảm của những người dân bản địa với nghi lễ thiêng liêng của họ và buộc phải nhanh chóng có những hành động xoa dịu”. Đây cũng là lần đầu tiên các tư liệu này được đem ra trưng bày.
|
Khôi phục nghi thức và hình ảnh di tích
Các sĩ phu đại diện cho nhân dân, những quan lại tiến bộ đã có nhiều phản đối, kiên trì kiến nghị khôi phục chức năng của Văn Miếu. Từ năm 1885, đã có những kiến nghị đầu tiên đòi trả lại Văn Miếu cho người Việt và khôi phục việc tế lễ ở đây. Những kiến nghị cùng nội dung này tiếp tục xuất hiện nhiều lần trong các năm 1895, 1900, 1901… Cuộc đấu tranh đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của một số trí thức Pháp tiến bộ, đặc biệt là các nhà khoa học ở Trường Viễn Đông Bác cổ khi đó và từng bước có kết quả. Từ năm 1898, lễ tế thu được khôi phục. Năm 1901, khôi phục lễ tế xuân. Từ năm 1905 về sau, cả hai lễ tế xuân – thu đều được tiến hành trong một năm.
Những người yêu quý và bảo vệ Văn Miếu còn tu sửa di tích này nhiều lần. Các đợt chính tập trung trong các năm: 1888, 1897 – 1901, 1904 – 1909 và các đợt nhỏ khác trong các năm từ 1923 đến 1945. Để tu bổ, có một hội đồng quản lý Văn Miếu và các nhà nho Hà Nội, Hà Đông chịu trách nhiệm trực tiếp tu sửa, bảo vệ di tích. Trường Viễn Đông Bác cổ tư vấn về chuyên môn và kinh phí tu sửa do Chính phủ bảo hộ Pháp, TP.Hà Nội và tỉnh Hà Đông cấp một phần. Phần còn lại lấy từ tiền thu hoa lợi trên đất Văn Miếu.
Đáng chú ý là có cả công văn khẳng định trách nhiệm tu sửa Văn Miếu không chỉ của Hà Nội mà còn ở cấp cao hơn. Đó là Công văn số 145, ngày 3.2.1900 của Công sứ Hà Nội gửi Thống sứ Bắc kỳ. Công văn có đoạn: “Việc tu sửa Văn Miếu là việc cấp bách không thể trì hoãn. Đây là một di tích quan trọng nằm trên địa bàn Hà Nội nên việc tu sửa không chỉ thuộc trách nhiệm của thành phố mà còn là của Chính phủ bảo hộ”.
Trong triển lãm, có một văn bản của quan lại người Việt gửi, kiến nghị cho xác định mốc giới của Văn Miếu vào ngày 26.1.1899. Sau đó, ngày 29.4.1899, Đốc lý Hà Nội có quyết định xác định mốc giới của Văn Miếu gồm khu vực trong tường bao và khu vực Vườn Giám. Ngày 15.4.1905, Văn Miếu được xếp hạng “Công trình lịch sử của TP.Hà Nội cần được bảo vệ tại Đông Dương” và ngày 16.5.1925 được xếp hạng “Công trình lịch sử của Bắc kỳ cần được bảo vệ tại Đông Dương”. Ngày 31.5.1940, Hội đồng TP.Hà Nội ra quyết định trả lại hồ Văn cho Văn Miếu.
TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho biết: “Chính vì thế, chúng tôi muốn giới thiệu những tư liệu này để người xem rõ thêm về một giai đoạn sóng gió và gần như còn “trống” tư liệu với khách tham quan của di tích quốc gia đặc biệt này”.
Ngữ Thiên