29/11/2024

Đã thuốc độc thì nên cấm ngay

Về câu chuyện thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất cực độc 2,4D và Paraquat, nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ sớm và tìm hướng sản xuất an toàn cho con người và môi trường.

 

Đã thuốc độc thì nên cấm ngay

Về câu chuyện thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất cực độc 2,4D và Paraquat, nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ sớm và tìm hướng sản xuất an toàn cho con người và môi trường.

 

 

 

Đã thuốc độc thì nên cấm ngay
Hiện thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất 2,4D và Paraquat được nông dân sử dụng phổ biến ở ĐBSCL, gây lo ngại cho sức khoẻ người sử dụng lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm – Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Phạm Công Danh (ngụ xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, có 12ha đất trồng lúa hai vụ):

Nông dân chỉ quan tâm hiệu quả

Lâu nay bà con nông dân vẫn mua phân bón, thuốc trừ sâu theo sự hướng dẫn của kỹ sư ở trạm khuyến nông và của đại lý bán thuốc.

Hầu hết nông dân đều chỉ quan tâm tới hiệu quả sử dụng, rất ít người để ý loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ đó có thành phần gì, nguy hiểm ra sao. Họ thấy người này dùng hiệu quả thì dùng theo, các nhãn hiệu thuốc BVTV cứ vậy mà lan khắp các cánh đồng.

Coi thời sự rồi đọc báo mấy bữa nay nghe Bộ NN&PTNT cấm hai loại chất độc hại gây ung thư trong thuốc BVTV, tôi mới lật đật coi lại thông tin trên vỏ bao bì thì tá hỏa thấy nó xuất hiện trong hầu hết sản phẩm.

Theo chỗ tôi thấy, nếu đã là chất độc thì cấm luôn, thông báo rộng rãi tới từng xóm, ấp để bà con cảnh giác.

Ông Nguyễn Duy Minh (ngụ xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, có 4ha đất trồng lúa):

Giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV

Không chỉ hai loại chất 2,4D và Paraquat độc hại mà hầu hết các loại thuốc BVTV đều rất độc hại, phải hạn chế sử dụng nếu không thật sự cần thiết. Phần đông nông dân đều mua và phun xịt thuốc BVTV một cách máy móc, không có ý thức hạn chế sử dụng.

Tôi đề nghị bộ, ngành và các cơ quan chức năng phải tính tới chuyện giảm thiểu, thậm chí không sử dụng thuốc BVTV trên nông sản thì mới an toàn. Gia đình trồng lúa 2 vụ, nhưng vẫn phải vào siêu thị tìm mua gạo sạch để ăn là đủ biết mức độ lạm dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng như thế nào.

Tôi thấy đã độc hại thì cấm hẳn.

Ông Phạm Thái Bình (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang):

Hướng đến 
sản xuất sạch

Sản xuất lúa không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu đang là xu hướng tất yếu. Có dịp đi sang một số nước phát triển trên thế giới, tôi nhận ra xu hướng sản xuất nông nghiệp của họ là quay về với tự nhiên, nói không với các loại hoá chất BVTV, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe con người.

Ngay từ năm 2011, tôi và các đối tác đã bắt đầu trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, ưu tiên trồng lúa chất lượng cao. Vào năm 2015, chúng tôi bắt đầu triển khai trồng lúa sạch, hữu cơ trên diện tích 780ha ở Hòn Đất.

Để trồng được lúa theo công nghệ sạch, hữu cơ thì phải có hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, đảm bảo điều tiết mực nước ổn định trên ruộng lúa. Trước mắt chúng tôi chưa tính tới yếu tố lợi nhuận nhiều, vì đang trong giai đoạn tạo thói quen tiêu thụ gạo “sạch” của cộng đồng. Còn sản phẩm làm ra, hiện tại chủ yếu xuất khẩu sang Nhật và các nước phát triển khác.

PGS.TS Mai Thành Phụng (nguyên trưởng bộ phận thường trực Nam bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia):

Loại dần hóa chất 
độc hại

2,4D và Paraquat là hai hoạt chất độc hại, nhưng được sử dụng trong một thời gian dài là do thuốc BVTV có chứa chất này có quá nhiều công dụng, rẻ tiền mà nền nông nghiệp VN lúc đó chưa phát triển, chưa phải là nền nông nghiệp công nghệ cao nên không sử dụng các loại thuốc cao cấp.

Tuy nhiên, hiện tại đã tới lúc phải loại bỏ để đưa nền nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững. Ngoài hai hoá chất này, những hoá chất nào quá độc hại, gây hệ lụy, di chứng về sau cũng nên loại dần đi mà thay thế dần bằng giải pháp tổng hợp, giải pháp sinh học.

Thời gian tới cần tiếp tục rà soát danh mục thuốc BVTV và việc đưa bất kỳ một loại thuốc nào vào danh mục cần đặc biệt chú ý ba vấn đề.

Một là phải theo hướng sinh học.

Hai là phải có sự tham khảo, đối chiếu với quốc tế, khi họ đã cấm ở đất nước họ thì VN cần nghiên cứu thận trọng, không công nhận cho sử dụng rộng rãi.

Ba là phải qua bước khảo nghiệm chặt chẽ trước khi công nhận. Việc khảo nghiệm là nhằm khảo sát điểm được, chưa được của một loại thuốc để trước khi cho phép sử dụng rộng rãi thì có khuyến cáo sử dụng phù hợp.

Mỗi năm có khoảng 1.000 ca tử vong vì ngộ độc Paraquat

Theo thống kê từ các bệnh viện, mỗi năm tại VN có khoảng 1.000 người tử vong vì ngộ độc Paraquat.

Theo thông tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hầu như ngày nào trung tâm này cũng có bệnh nhân ngộ độc Paraquat đang được cấp cứu, điều trị, trong khi tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân ngộ độc Paraquat rất cao, lên tới 70-90%.

Những người cứu sống được thì chi phí điều trị rất cao, riêng chi phí lọc máu có thể tới 100 triệu đồng/bệnh nhân.

Tuy nhiên, sau khi được cứu sống, người bị ngộ độc Paraquat vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng do tác hại lâu dài của Paraquat đến phổi và một số cơ quan nội tạng khác.

Từ nhiều năm nay, các bác sĩ chuyên khoa chống độc đã đề nghị ngưng cho sử dụng Paraquat ở VN. Trong thời gian chờ lệnh cấm, các bác sĩ cũng khuyến cáo nên đóng gói Paraquat dung tích nhỏ hơn và siết chặt việc mua – bán, tránh sử dụng Paraquat sai mục đích (như mua để tự tử) và tránh các tác động đến sức khoẻ con người, môi trường và hệ sinh thái.

L.Anh

Ông Nguyễn Quang Hiếu (chủ tịch kiêm tổng thư ký 
Hội Bảo vệ thực vật VN):

Siết kinh doanh thuốc BVTV

Cần phải siết yêu cầu về hàng rào kỹ thuật với kinh doanh thuốc BVTV. Những người bán thuốc BVTV ở các đại lý kinh doanh thuốc diệt cỏ, trừ sâu phải được đào tạo ít nhất là sơ cấp về trình độ chuyên môn, từ 6 tháng trở lên.

Theo thống kê của chúng tôi, hiện có trên 300 công ty kinh doanh mặt hàng này. Hệ thống đại lý khoảng 35.000 nhưng 60-70% người bán thuốc BVTV ở các đại lý chỉ có trình độ sơ cấp hoặc không có trình độ chuyên môn về thuốc BVTV, trồng trọt và liên quan.

Nếu siết chặt lại thì chỉ nên có khoảng 50-60 công ty được kinh doanh, các công ty này phải đáp ứng được đủ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, về đào tạo cho nông dân mới được kinh doanh.

Về việc loại 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng, theo tôi, trong thời gian chưa cấm hoàn toàn thì cần có biện pháp để hạn chế các tác hại của 2,4D và Paraquat.

L.Anh

K.NAM – C.QUỐC – L.DÂN