Hàng trăm hộ sinh sống tại 6 khu dân cư dọc theo dãy núi Ngang thuộc H.Tam Đảo đang đứng ngồi không yên vì chính quyền Vĩnh Phúc đã thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang.
Phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang
Hàng trăm hộ sinh sống tại 6 khu dân cư dọc theo dãy núi Ngang thuộc H.Tam Đảo đang đứng ngồi không yên vì chính quyền Vĩnh Phúc đã thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang.
Trong đơn kiến nghị gửi đến một số cơ quan trung ương, các hộ dân vô cùng bức xúc phản đối chủ trương phá rừng phòng hộ ở dãy núi Ngang thuộc H.Tam Đảo làm nghĩa trang.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ xác nhận dự án Le Mont Resort Ba Vì được miễn giấy phép xây dựng theo các quy định Điểm B, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 4.1.2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có tờ trình về chủ trương cho phá rừng làm nghĩa trang, do ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang thuộc xã Bồ Lý, H.Tam Đảo. Tờ trình này thể hiện, từ tháng 6.2016, Công ty Bình Minh Xanh trụ sở tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, với tổng vốn đầu tư 685 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ đầu năm 2017 đến năm 2025. Dự án sẽ xây dựng 70.000 mộ cát táng (chôn xương cốt sau khi cải táng và tro cốt sau hoả táng), 8 tháp với 2 triệu ngăn lưu trữ tro cốt hoả táng và đài hỏa táng. Vị trí doanh nghiệp đề xuất là 153 ha đất trồng rừng phòng hộ tại khu núi Ngang, thuộc xã Bồ Lý, H.Tam Đảo (hiện đang giao cho cá nhân nhận trồng, chăm sóc từ năm 2002). Cơ cấu đất sử dụng của dự án là khoảng 105,5 ha xây nghĩa trang và khoảng 47,5 ha diện tích hành lang cây xanh cách ly.
Theo nhiều hộ dân ở xã Bồ Lý, điều lo lắng nhất là dự án phải phá bỏ cả trăm héc ta rừng phòng hộ, sẽ ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm hộ dân, môi trường tự nhiên. Tại một số văn bản của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng thể hiện rõ việc người dân địa phương không ủng hộ dự án. Cụ thể, văn bản nêu ý kiến của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về dự án do ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng tỉnh ký vào tháng 12.2016 cũng thừa nhận, dự án không được nhân dân ủng hộ. Hay tại chính tờ trình ngày 4.1.2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận “… một số nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang. Tuy nhiên, do nhân dân các địa phương chưa ủng hộ dẫn đến chưa lựa chọn được địa điểm và thực hiện dự án…”.
Dù vậy, chỉ sau vài ngày có tờ trình của UBND tỉnh, đến ngày 9.1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang làm nghĩa trang, khiến nhiều người dân lo lắng, bức xúc, làm đơn thư gửi khắp nơi.
Nhà máy nước sạch gần nghĩa trang
Anh Nguyễn Ngọc Huy, 35 tuổi, trong nhóm đại diện người dân xã Bồ Lý cho biết, nếu dự án làm nghĩa trang ở núi Ngang được thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của hàng nghìn người dân, bởi nhà máy nước sạch cách nghĩa trang chỉ khoảng 2 km. Bên cạnh đó, một số người dân còn cho biết, vị trí triển khai dự án nghĩa trang đang có các đơn vị khai thác đá granite, cao lanh, riêng đá trường thạch làm vật liệu thô trong sản xuất gốm sứ chưa được khai thác. “Rất có thể, dự án triển khai nghĩa trang còn nhằm mục đích khai thác tận thu khoáng sản dưới lòng đất”, anh Huy đặt nghi vấn.
Anh Nguyễn Tiến Quý, người dân xã Bồ Lý cũng cho hay, hàng trăm hộ dân đã đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương đề nghị dừng dự án, nhưng không được hồi âm.
Thật không thể hiểu nổi tỉnh Vỉnh Phúc là vùng đất đai rộng rãi, không thiếu địa điểm lại có thể chủ trương phá rừng phòng hộ Tam Đảo để làm nghĩa trang, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch
GS-TS Vũ Trọng Hồng
Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Minh Hồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết dự án xây dựng nghĩa trang H.Tam Đảo mới chỉ dừng lại ở bước tỉnh giới thiệu doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào nghiên cứu. Sau đó, nếu thấy hợp lý sẽ trình Thủ tướng, các bộ ngành tuỳ theo quy mô dự án. Do vậy, chưa thể biết sẽ phải phá bỏ bao nhiêu héc ta rừng để xây dựng nghĩa trang.
Mất rừng, phá tiềm năng du lịch
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nay là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho rằng, không thể phá rừng phòng hộ ở Tam Đảo làm nghĩa trang. Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng rừng phòng hộ ngoài vai trò bảo tồn đa dạng động thực vật, giảm khí CO2… còn có nhiệm vụ rất quan trọng là ngăn nước lũ. “Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc là cho phá rừng phòng hộ ở quy mô lên đến hơn 150 ha lại càng nguy hiểm. Đặc biệt nguy hiểm hơn là trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất mạnh, lỡ phá rừng đi rồi, mưa lớn gây lũ thì hậu quả sẽ khó lường”, GS-TS Vũ Trọng Hồng nói.
GS-TS Vũ Trọng Hồng cũng lưu ý, vùng Tam Đảo từ thời Pháp thuộc đã được biết đến là nơi đầy tiềm năng du lịch. Nếu đặt nghĩa trang với hàng triệu phần mộ như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch ở đây. Chưa kể, việc đặt nghĩa trang ở triền núi, còn phía dưới cách không xa là nhà máy nước sinh hoạt là điều không nên. Dù công nghệ có hiện đại đến thế nào cũng khó ngăn được việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, chất thải sẽ ngấm dần vào mạch nước qua thời gian.
Cũng theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, cũng không thể cứ vin vào quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ duyệt mà không xem xét kỹ lại. Nếu đúng là có quy hoạch làm nghĩa trang ở khu vực Tam Đảo thì vẫn phải xem xét lại do hoàn cảnh khi làm quy hoạch trước đây khác, bây giờ khác. Xem xét, nếu thấy quy hoạch lạc hậu, hay có thể điều chỉnh hợp lý hơn thì tuyệt đối không thể xây nghĩa trang ở vùng núi Tam Đảo.
“Thật không thể hiểu nổi tỉnh Vỉnh Phúc là vùng đất đai rộng rãi, không thiếu địa điểm lại có thể chủ trương phá rừng phòng hộ Tam Đảo để làm nghĩa trang, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch”, GS-TS Vũ Trọng Hồng lo lắng. GS-TS Vũ Trọng Hồng nói: “Chưa thấy nước nào trên thế giới phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang. Lại càng không có ở đâu đặt nghĩa trang vào khu du lịch. Trên thế giới thường bố trí nghĩa trang ở những vùng đất không mấy tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… để tránh lãng phí”.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, phân tích Chính phủ đã khẳng định không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Xét theo đó, việc tỉnh Vĩnh Phúc lại chủ trương cho phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang trên núi, quy mô lớn đến hơn 150 ha là không thể chấp nhận. Phá rừng tức là phá hoại môi trường rồi bởi, rừng nói chung, đặc biệt là phòng hộ có vai trò rất lớn trong việc phòng chống thiên tai lũ lụt, điều hoà không khí, duy trì đa dạng hóa sinh học… Chủ trương phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc chính là đi ngược lại với ý chí của Chính phủ và một số bộ, ngành đã nói rõ tại nhiều diễn đàn năm 2016.
Cũng theo chuyên gia này, vùng núi Tam Đảo đặc biệt giàu tiềm năng du lịch nên cần thiết phải xem lại quy hoạch xây nghĩa trang ở đây. Vĩnh Phúc không thiếu đất nên không thể đặt nghĩa trang ở lưng chừng núi Tam Đảo.