“Cứu được người tui thấy thật ấm lòng”
Câu chuyện ngư dân Huỳnh Văn Lâm cứu 14 người trên biển Kiên Giang tối 8-2 làm nhiều người khâm phục.
“Cứu được người tui thấy thật ấm lòng”
Câu chuyện ngư dân Huỳnh Văn Lâm cứu 14 người trên biển Kiên Giang tối 8-2 làm nhiều người khâm phục.
Ông Huỳnh Văn Lâm (thứ hai từ trái) trở lại với biển sau khi cứu sống 14 mạng người – Ảnh: K.Nam |
“Ông Lâm sống hiền hòa với mọi người, sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi gì. Ngay khi ông Lâm đi biển trở về, chúng tôi sẽ trao giấy khen biểu dương ông Lâm trước toàn thể người dân trong xã |
Ông Trần Như Tiến (chủ tịch UBND xã Nam Du) |
Có chút may mắn cho những người gặp nạn nhưng trên hết là quyết định đúng đắn của ông Lâm khi đã về bờ mà linh tính buộc ông quay lại.
Ông Lâm ngụ tổ 3, ấp Hòn Mấu, xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ông nói đơn giản: “Cứu được người tui thấy thật ấm lòng”.
Phát hiện có ánh sáng lờ mờ
Bằng chất giọng trầm đục nhưng hào sảng của dân xứ biển Nam Du, ông Huỳnh Văn Lâm kể khoảng 20h20 tối 8-2, trên đường chạy tàu vào bờ (dân địa phương gọi là “mở lưới” – PV), lúc còn cách đảo Lại Sơn, huyện đảo Kiên Hải khoảng 17km thì ông phát hiện có ánh sáng lờ mờ sát mặt biển.
“Nhưng lúc đó không hiểu vì sao có lẽ do đầu óc suy nghĩ miên man chuyện cá tôm nên tui lại không để ý, vẫn cho tàu chạy qua” – ông Lâm nhớ lại.
Khi tàu chạy gần tới bờ, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, ông Lâm quyết định cho tàu quay mũi trở lại chỗ phát ra nguồn sáng lúc nãy thì phát hiện và cứu được tổng cộng 14 người đang cố bám vào một chiếc canô bằng nhựa composite đã bị lật úp.
“Tui thấy trong bụng không yên, không giống như mọi ngày nên quyết định quay tàu lại chỗ có ánh sáng, cỡ nào cũng phải coi đó là cái gì. Ai ngờ trời Phật phù hộ tui cứu được 14 người” – ông Lâm tâm sự.
“Ở đây từ nhỏ tới giờ đã 43 năm, cái mặn mà của biển, cái tình ấm áp của cư dân miền biển đã thấm sâu vào người tôi. Cho nên chuyện thấy người gặp nạn mà ra tay cứu giúp đâu cần phải suy nghĩ. Cứu được người gặp nạn tôi thấy lòng mình thật ấm áp, thanh thản” – ông Lâm tâm sự.
“Tui giận chủ canô lắm”
Bà Tô Thúy Hoa (55 tuổi) là người bị thương giập đốt ngoài cùng ngón tay áp út, kể nếu tàu ông Lâm không quay lại thì không bao lâu nữa bà và nhiều người khác chắc sẽ buông tay vì đã quá đuối sức do lạnh và đói.
“Lúc đó đêm tối mịt mùng, sóng to gió lớn dập vùi, mọi người cố sức bám chặt vào chiếc canô chỉ còn nổi phần bụng trên mặt nước đã hơn 40 phút nên ai cũng rã rời. Tôi không biết nói gì, chỉ biết tạ ơn ông Lâm, tạ ơn trời Phật đã cứu mạng” – bà Hoa bày tỏ.
Ông Lâm cho biết thêm trôi dạt trên biển ban đêm thì 10 phần sống coi như chỉ còn 1-2 phần, bởi có kêu gào cũng không ai nghe, vì tiếng ồn máy tàu đánh cá rất lớn. Ánh sáng màn hình điện thoại thì yếu ớt, lập loè, lỡ hết pin hay tắt nguồn coi như chịu chết.
Tàu cá đi ngang không những không thấy, mà còn có thể chạy rướn qua rất nguy hiểm.
“Lúc cứu 14 người đưa về nhà tui xong, nói thiệt là tui thấy giận chủ canô lắm, tính nói mấy câu góp ý nhưng thôi, vì họ cũng là nạn nhân của chính lòng tham của mình. Ở đời ai cũng cần tiền, nhưng không phải vì vậy mà bất chấp.
Dân làm nghề biển vốn đã hiểm nguy, khó nhọc hơn nghề khác thì cũng nên coi trọng tình người, vậy nó mới bền” – ông Lâm kết thúc câu chuyện bằng lời nhắn nhủ như vậy.
Sẽ xử lý chủ canô
Chiều 10-2, ông Phạm Vũ Hồng – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – khẳng định hành vi của chủ chiếc canô chở 14 người bị chìm tối 8-2 trên vùng biển quần đảo Nam Du là hết sức nghiêm trọng.
Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy lời khai của chủ tàu và người lái tàu đầy đủ để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
“Mấy năm gần đây, dịch vụ cho thuê tàu du lịch, canô cỡ vừa và nhỏ để đi tham quan vòng quanh đảo phát triển khá nhanh. Lần nào đi công tác các huyện đảo, xã đảo tôi cũng yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt loại hình này vì liên quan tới tính mạng con người.
Vậy mà vẫn có canô xuất bến chở khách vượt biển giữa đêm. Sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các ngành, địa phương siết chặt quản lý hơn nữa” – ông Hồng nói.
Canô không đăng ký, không đăng kiểm “Người lái canô tên Cao Xuân Bảo khai tại cơ quan chức năng là mình được Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cấp bằng thuyền trưởng năm 2012. Nhưng chúng tôi đã lục toàn bộ hồ sơ lưu trữ vẫn không tìm thấy ai tên Cao Xuân Bảo. Chiếc canô bị chìm không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép hoạt động du lịch, càng không có phép chở khách vượt biển trên hành trình dài như thế. Cho nên lần này quan điểm của chúng tôi là xử lý thật nghiêm để răn đe. Sắp tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tổng rà soát hoạt động của những chiếc canô du lịch ở các đảo” – đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cho hay. |
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, vào ngày 8-2, nhóm du khách 11 người từ huyện Thoại Sơn (An Giang) đã mua tour du lịch hai ngày một đêm, thông qua một người tự nhận là “hướng dẫn viên” tổ chức tour tên Quý, để đi tham quan đảo Nam Du (thuộc huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang). Trong lúc thuê xe máy đi vòng quanh đảo, bà Hoa bị tai nạn giập ngón tay út. Do đó, cả nhóm quyết định thuê canô trở về TP Rạch Giá ngay trong đêm để chữa trị. Chiếc canô mui trần cỡ nhỏ chở 14 người (12 hành khách và 1 chủ tàu, 1 lái tàu) rời bến khoảng 50 phút thì bị sóng đánh lật úp giữa biển. Những người đi trên canô trôi dạt hơn 40 phút, rất may sau đó được tàu đánh cá của ông Huỳnh Văn Lâm – ngụ xã đảo Nam Du – đi ngang cứu kịp thời. |