02/11/2024

Xóa nghèo thông tin

Có một quyển sách thật khó tính, cứ hỏi hoài: Liệu ti-vi phim ảnh có làm cho con người tốt hơn không? Hỏi: Quyển ấy tên gì? Thưa: Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Công Giáo

 

 

Có một quyển sách thật khó tính, cứ hỏi hoài: Liệu ti-vi phim ảnh có làm cho con người tốt hơn không?

Hỏi: Quyển ấy tên gì?

Thưa: Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Công Giáo, trong đó các số 414-416 có nói về “Thông tin và dân chủ”.

Ti-vi, phim ảnh, sách báo, internet… đã bị quyển ấy phê phán thế này:

   - Người thì “giàu thông tin”, người thì “nghèo thông tin”. Có lẽ do vấn đề phân phối thông tin? Việt Nam được đảng kiểm soát toàn bộ, kiểm luôn truyền thông! Ở Việt Nam, đi ra ngõ, hỏi mười người về Hoàng Sa, Trường Sa ra sao, có lẽ rất ít người biết rõ nguồn cơn mất đảo. Có những người Việt Nam là dân “ba không”: Không hiểu tình hình, không rõ sự kiện, không chọn được giải pháp cho nước non nhà.

     - Do ham lợi nhuận, muốn hái ra tiền nên có những loại truyền thông phóng đại tin tức, khai thác xì-căng-đan để người ta ùn ùn mua báo này, vào mạng kia. Đó là những dạng truyền thông “tư ích”, không phải “công ích”.

Vài đề nghị về truyền thông:

   - Nhà nước, đảng, chủ doanh nghiệp về truyền thông phải coi “con người là mục tiêu và thước đo của việc sử dụng các phương tiện truyền thông”.  Khi ấy, Việt Nam sẽ  hùng cường và dân chủ, sẽ chẳng sợ chi những nước khổng lồ đòi bắt nạt Việt Nam?

   - Đảng, nhà nước, chủ doanh nghiệp phải đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của phe nhóm mình.

   - Dân được tham gia vào các quyết định có liên quan tới các chính sách truyền thông. Khi ấy, Việt Nam sẽ thực sự có dân chủ hàng triệu lần hơn dân chủ tưởng tượng trong mơ từ bấy lâu nay.

Vài thực hành nho nhỏ

   - Nắm vững hai nguyên tắc luân lý cơ bản về truyền thông: Con người là mục tiêu và thước đo của truyền thông; Công ích là đích của truyền thông.

   - Tập truyền thông trực tiếp: nói cho gia đình, nói cho bạn bè làng xóm về những vấn đề quan trọng của đất nước. Không nên “một mình mình biết, một mình mình hay” (Tâm sự cô Kiều khi đã ủ ê chán chường mọi sự). Còn bây giờ, ta mà rút vào buông xuôi thì giặc sẽ reo vui, sẽ mạnh tay hiếp đáp dân tộc ta.

   - Tập vào một nhóm đạo để được nghe truyền thông Kitô giáo: Nghe linh mục, tu sĩ “lên giây cót” cho ta đang khi ta rã rời, chán nản trước thế sự đảo điên. Ta tập nghe bè bạn kể lể chuyện nước non, chuyện đạo nghĩa nhờ vậy lòng ta mở hội với quê hương và Hội Thánh.

   - Ta dâng Thánh Lễ và đón Thánh Thể, cũng là lúc ta được Chúa “truyền thông” cách thâm sâu nhất. Chúa nhập vào ta, Chúa chỉ đường dẫn lối cho ta lúc trước mắt ta có quá nhiều ngã ba đường.

   - Tập tìm đến tivi, phim ảnh, sách báo, internet của Hội Thánh Chúa. Nơi đó, có truyền thông chân thật, không vụ lợi bạc tiền, không rủ rê chuyện dâm ô, không lèo lái ta vào các ý thức hệ đầy mưu mô xảo quyệt.

Nếu được một chút ước ao như thế, ta có thể trả lời với sách Tóm lược Học Thuyết  xã hội Công Giáo:  Tôi cố gắng thành người trưởng thành biết chủ động sử dụng truyền thông.

Được như thế, phải chăng ta góp được một chút phần vào một Việt Nam dân chủ?

Nguyễn Khang

Nguồn: Tập san GHXHCG số 23