Phát triển bền vững: Giải pháp cho thế giới hôm nay
Thế giới chúng ta đang sống không ngừng phát triển và đổi thay về mọi mặt: đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật…v.v… Sự phát triển là tất yếu và cần thiết trong đời sống của con người và xã hội. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực là những điều tốt: sự đầy đủ, thuận lợi và tiện nghi…, nó cũng có mặt tiêu cực là cái xấu: bất công, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa, đặc biệt là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng…
Thế giới chúng ta đang sống không ngừng phát triển và đổi thay về mọi mặt: đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật…v.v… Sự phát triển là tất yếu và cần thiết trong đời sống của con người và xã hội. Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực là những điều tốt: sự đầy đủ, thuận lợi và tiện nghi…, nó cũng có mặt tiêu cực là cái xấu: bất công, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa, đặc biệt là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng…
Như thế, chính sự phát triển lại kèm theo sự tàn phá. Việc phát triển càng nhanh và mạnh, thì sự tàn phá lại càng ghê gớm. Có những lãnh vực bị tàn phá dẫn đến sự nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, thí dụ việc tàn phá môi trường có thể dẫn đến sự diệt vong của trái đất. Cho nên, đã đến lúc người ta không thể chỉ tập trung vào việc phát triển nhanh và mạnh nữa; mà phải nghĩ đến một giải pháp phát triển khác đó là phát triển bền vững.
Đây là điều thế giới rất quan tâm hiện nay. Không chỉ Liên Hợp Quốc cùng chính phủ của các quốc gia đưa ra thảo luận, mà ngay cả Giáo hội Công giáo cũng đặc biệt chú ý. Trong quyển DOCAT–sách giáo huấn xã hội soạn tho người trẻ theo phong cách YOUCAT– mới phát hành, tại câu 263 (Bền vững: một nguyên tắc xã hội mớỉ?), những người soạn thảo đề nghị nâng nguyên tắc “phát triển bền vững” lên thành một nguyên tắc của giáo huấn xã hội:
“Với các nguyên tắc xã hội căn bản Nhân Vị, Liên Đới và Bổ Trợ…, người ta có thể có được hiểu biết về các cơ cấu xã hội và đối chiếu chúng với các chuẩn mực luân lý. Trước những thách đố của thời nay, dường như cần thêm một nguyên tắc vào các chuẩn mực này: nguyên tắc phát triển bền vững”.
Khái niệm Phát Triển Bền Vững theo nghĩa thông thường
PTBV, theo các nhà chuyên môn, đó là làm sao cho sự phát triển được hài hòa, cân bằng giữa các lãnh vực thiết yếu trong đời sống con người. Phát triển phải đi đôi với việc bảo tồn cho các thế hệ tương lai và không tác động xấu đến môi trường. Đến nay, qua rất nhiều cuộc thảo luận ở tầm mức quốc tế, người ta đi đến quyết định: Cần hài hòa việc phát triển giữa 3 lãnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường, thì mới bền vững.
Cụ thể vào năm 1980, trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế – IUCN), đã xác định rằng: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.
Đến năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta – Our Common Future”, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED của Liên Hợp Quốc, lại nêu rõ: “Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”
Nói cụ thể hơn, PTBV phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả – sung túc vật chất, xã hội công bằng – mọi người đều được tôn trọng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ – bầu sinh khí trong lành. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế – xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội dân sự,… phải bắt tay nhau cùng thực hiện một cách tích cực và thiện chí.
Phát Triển Bền Vững theo Giáo huấn Xã hội Công giáo
Như đã nói ở trên, muốn PTBV cần phải phát triển cân đối và hài hòa giữa các lãnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Trong các thông điệp của Giáo hội về các vấn đề xã hội, cũng thường đề cập đến các vấn đề xã hội và môi trường.
Cụ thể về vấn đề xã hội, ngay từ năm 1981, trong thông điệp Tân Sự – Rerum Novarum, Đức giáo hoàng Lêô XIII đã nói nhiều đến vấn đề bất công trong tương quan giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ngài tỏ ra bênh vực quyền lợi của người nghèo, đặc biệt giới công nhân.
Kế đến, các thông điệp về xã hội của các vị giáo hoàng sau đó, đều cảnh báo về khuynh hướng tư bản chủ nghĩa hiện đại là tạo ra hố sâu ngăn cách càng ngày càng lớn giữa người giầu và người nghèo trong nội bộ các quốc gia, và giữa các nước giầu và các nước nghèo. Chủ nghĩa tư bản kích thích lòng tham lam, hám lợi, lo làm giàu, tích lũy của cải và say mê lối sống hưởng thụ, tiêu thụ. (thông điệp “Phát triển các dân tộc – Populorum Progressio của Đức giáo hoàng Phaolô VI) .
Sang lãnh vực môi trường, vào năm 2007, Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI nói tới việc “loại trừ các nguyên nhân cơ cấu gây ra các hành động bất thường trong nền kinh tế thế giới và sửa chữa các hình thức phát triển không bảo đảm việc tôn trọng môi trường”. Tiếp đến năm 2009, trong phần giới thiệu thông điệp Bác ái trong Chân lý – Caritas in Veritate, Ngài nói: “toàn thể nhân loại cần chọn một lối sống khác, một lối sống bao hàm sự gắn kết giữa hai nhiệm vụ: một là nhiệm vụ của mỗi người đối với môi trường, hai là nhiệm vụ của mỗi người đối với bản thân người khác”.
Nay đến Đức giáo hoàng đương kim – Phanxicô, trong thông điệp LaudatoSi’, ngài trình bày cho thế giới thấy hậu quả tai hại của việc phát triển thiếu bền vững. Trái đất này, ngôi nhà chung của chúng ta, đang bị tàn phá nặng nề. Nếu chúng ta không nhanh chóng hồi tâm, tái thẩm định việc phát triển, điều chỉnh lại cung cách sống và lối tiêu thụ của mình, ta sẽ tàn phá trái đất mà Thiên Chúa đã hào phóng ban tặng cho con người.
Phát Triển Bền Vững giải pháp cấp bách cho Việt Nam
Việt Nam là nước đang chịu tàn phá nặng nề vì việc phát triển thiếu bền vững. Xét bộ ba lãnh vực cần phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường, thì Việt Nam đều yếu kém. Về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực; về xã hội, bất công vẫn còn tràn lan, khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng; về môi trường, từ bầu không khí đến sông ngòi và biển cả đều bị ô nhiễm nặng nề.
Thật vậy, kinh tế Việt Nam hiện tại có xu hương xấu đi. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, thụt lùi so với cùng kỳ năm trước 6,32%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 được cho là cao nhất từ trước đến nay, cũng chỉ đạt 45 triệu đồng/ năm, khoảng hơn 3,7 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, các nước khác trong vực như Philippines cũng đạt trên 4 triệu đồng/ tháng. Nếu so với các nước phát triển khác như Singapore, Hàn Quốc, thì dân Việt Nam ta thu nhập thấp hơn rất nhiều lần.
Cho nên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá. Mà cần phải cân nhắc đến sự tác động xấu đến môi trường và không gian sống của người dân. Đồng thời cần phải phân phối, tạo cơ hội phát triển một cách đồng đều cho tất cả các vùng miền; hướng đến việc nâng cao thu nhập bình quân của mọi người dân. Nếu không làm như thế, một dự án kinh tế phát triển có khi chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người, còn lại đẩy nhiều người khác vào tình trạng nghèo đói, mất cơ hội việc làm và điều kiện sống.
Về xã hội, hơn khi nào hết, hiện tại Việt Nam tham nhũng vẫn tràn lan và đang nổi lên nhiều nhóm lợi ích. Dư luận đã cảnh báo và bức xúc về vấn đề này rất nhiều. Nhưng có vẻ kẻ tham nhũng và các nhóm lợi ích ngày càng trở nên trơ tráo, thách thức dư luận và bất trị. Chúng làm suy kiệt nền kinh tế nước nhà, gây nhũng loạn thị trường và làm mất cân đối, mất an toàn về điều kiện sống của người dân. Hậu quả là bất công xã hội lan tràn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa. Người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng bị bần cùng hóa, lâm cảnh khốn quẫn hơn.
Vậy để xã hội phát triển bền vững, cần phải sớm tiêu trừ tham nhũng, dẹp loạn nhóm lợi ích. Để làm được điều này, trước hết có tuyển chọn người tài đức thực sự lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Muốn chọn được hiền tài, thì người tuyển chọn phải là nhân dân, vì nhân dân luôn tinh tường và phán quyết công bằng hơn cả. kế đến, nhân dân phải luôn được tôn trọng và phục vụ đúng với tư cách là chủ nhân “vạn đại” của đất nước.
Về môi trường, cũng hơn lúc nào hết, Việt Nam ta đang lâm cảnh khốn đốn vì môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, đã nằm ở ngưỡng đe dọa trực tiếp mạng sống của con người. Không khí, nước uống, thức ăn đã bị ô nhiễm, nhiễm độc đến mức người ta ăn vào bị ngộ độc có khi chết ngay sau khi dùng. Biển cả mênh mông, nơi có khả năng khử độc và làm sạch môi trường, thế mà cũng bị Formosa (Hà Tĩnh) thải hóa chất độc hại hủy hoại đến mức tuyệt diệt tất cả cá tôm và các loài sinh vật.
Cho nên, phải gấp rút dừng ngay các hoạt động tàn phá môi trường. Từ cá nhân đến tập thể và toàn xã hội phải ý thức tầm quan trọng việc bảo vệ môi trường. Từ xưởng sản xuất nhỏ đến nhà máy to, phải tuyệt đối không được xả thải nước và khí dơ bẩn, độc hại ra môi trường. Các hoạt động khai khoáng, xây dựng công trình như thủy điện, nhà máy…, phải tuân thủ nghiêm qui định về môi trường. Sao cho không gian sống phải thoáng đãng, sạch đẹp và không khí phải trong lành.
Tóm lại, thế giới hôm nay và đặc biệt là Việt Nam, cần phải có giải pháp cấp thời cho việc phát triển bền vững. Bền vững về kinh tế để mang lại cuộc sống sung túc cho tất cả mọi người. Bền vững về xã hội, để bớt đi bất công, bạo lực, mà đạt đến sự văn minh. Và bền vững môi trường để cuộc sống được sạch đẹp, an toàn, để chất lượng cuộc sống tốt hơn, con người sống mạnh khỏe và hạnh phúc hơn.
Long Thành
Nguồn: www.dcctvn.org