26/12/2024

Tĩnh tâm Giáo triều, bài 2: Chúng ta hãy đặt nơi Chúa cơn khát của chúng ta

Chủ đề của bài suy niệm thứ hai của tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma có chủ đề “Khoa học của sự khát”.

 Tĩnh tâm Giáo triều, bài 2: Chúng ta hãy đặt nơi Chúa cơn khát của chúng ta

 

 

Đức Thánh Cha và giới chức Giáo triều Roma tham dự tuần tĩnh tâm ở Ariccia – AP

Chủ đề của bài suy niệm thứ hai của tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma có chủ đề “Khoa học của sự khát”.

Lời hứa của Chúa trước cơn khát của con người


Câu cuối cùng được Chúa Giêsu nói trong sách Khải huyền là một lời mời: “Ai khát, hãy đến!” Từ câu Thánh Kinh này, Cha Josè Tolentino de Mendonça, vị giảng thuyết của tuần tĩnh tâm, phát triển suy tư của ngài để giúp chúng ta hiểu những nét chính của sự “tràn đầy”, của “sự nhưng không” của sự sống mà Con Chúa ban tặng con người và để đánh giá câu trả lời của con người ngày nay.

Chúa Giêsu hứa xoa dịu cơn khát của chúng ta khi nhận rằng chúng ta “bất toàn và trong tiến trình xây dựng”: Người biết có “bao nhiêu chướng ngại ngăn chúng ta lại và “bao nhiêu tranh luận làm chúng ta chậm bước”. Chúng ta “gần với nguồn như thế và chúng ta cũng đi xa nó như thế”. Mong ươc và cơn khát, thực tế, là hai tình cảm trái ngược nhau: một bên là sự thu hút, còn một bên là khoảng cách, một đàng là di chuyển đến còn đàng kia là sự quan sát cảnh giác. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta có ao ước Thiên Chúa không? Chúng ta có nhận biết cơn khát của chúng ta không? Chúng ta có dành thời gian để giải mã nó không?

Không dễ nhận ra cơn khát của Chúa

Từ những câu hỏi trên, vị thuyết giảng đi vào một hành trình đi từ Kinh Thánh, đến các văn bản của nhà soạn kịch Ionesco, tới các trang sách Hoàng tử nhỏ của Saint-Exupéry, để làm nổi bật những nét thực sự của cơn khát như nhu cầu về thể chất, như sự nhìn nhận những giới hạn của chúng ta, nhìn nhận rằng chúng ta thật dễ bị tổn thương. Cha Josè nói: “Cơn khát làm làm chúng ta nghẹt thở, cạn kiệt, kiệt sức. Nó để chúng ta bị bao vây và không có sức mạnh để phản ứng, và dẫn chúng ta đến một giới hạn vô cùng.” Nếu chúng ta muốn nói về dụ ngôn cơn khát của chúng ta, có lẽ sẽ nổi lên chân dung của Gioan, nhân vật nam chính trong tác phẩm “Nỗi khát và cơn đói” của Ionesco. Đó là một con người bị nuốt chửng bởi “sự trống rỗng vô hạn”, bởi một sự bồn chồn mà không có gì có thể làm dịu đi và làm cho anh ta trở thành “một người không có nguồn cội, không nhà, không thể tạo ra các mối liên kết, bị chìm mất đi trong sự trống rỗng của mê cung, nơi anh ta chỉ nghe tiếng ồn ào đơn độc của các bước của chính mình”.

Tinh thần theo chủ nghĩa tiêu thụ của con người hôm nay

Đây là cơn khát của con người ngày nay. Một cơn khát “biến thành sự bất mãn đối với những điều thiết yếu, biến thành sự bất lực trong việc phân định”. Ngày nay, chủ nghĩa tiêu thụ không chỉ là về vật chất, mà cả khía cạnh tâm linh, và “những gì người ta nói về tinh thần/vật chất giúp ta hiểu được vật chất/tinh thần”. Thực tế là các xã hội của chúng ta, “áp đặt việc tiêu thụ như là một tiêu chí của hạnh phúc và biến ao ước thành một cái bẫy”: mỗi khi chúng ta nghĩ đến việc làm thoả mãn khát khao của chúng ta trong một “cửa hàng”, trong việc “mua” món đồ, trong một “đồ vật”, sự sở hữu ngụ ý sự mất giá của nó, và điều này làm cho sự trống rỗng lớn lên trong chúng ta. Đối tượng của mong muốn của chúng ta là một “thực thể vắng mặt”, là một “đối tượng dường như luôn bị thiếu”. Tuy nhiên, “Chúa không ngừng nói với chúng ta: ‘Ai khát, hãy đến; ai muốn, uống nước sự sống mà không phải trả tiền’”.

Chúng ta hãy đặt nỗi khát của chúng ta nơi Chúa

Có nhiều “cách để lừa dối những nhu cầu và chấp nhận một thái độ trốn tránh tinh thần mà không bao giờ nhận ra rằng chúng ta đang trốn chạy”. Cha José kết luận: “Chúng ta đưa ra các lý do phức tạp về lợi nhuận và hiệu quả” để thay thế cho “chiều sâu không gian nội tâm của chúng ta và sự phân định về cơn khát của chúng ta.” Ngược lại, không có “viên thuốc nào có thể giải quyết cách máy móc các vấn đề”.

Cuối cùng, Cha José mời gọi: Chúng ta hãy chậm bước lại, ý thức về nhu cầu của chúng ta; chúng ta hãy ngồi ở bàn của đức tin, không vì lý do vật chất hay kinh tế, nhưng vì lý do của cuộc sống. Cơn khát của các mối quan hệ, của sự chấp nhận và tình yêu hiện diện trong mỗi con người, là một di sản “tiểu sử” mà chúng ta được kêu gọi để nhận ra và để cảm ơn. Đó không phải là điều tầm thường và sau đó “chúng ta hãy đặt cơn khát của chúng ta nơi Thiên Chúa”. (Vatican News 19/02/2018)

 
 

Hồng Thuỷ