Nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp ít tốn ngân sách nhưng hiệu quả tức thì. Thực tế, văn hoá tận dụng nhà mặt phố để kinh doanh và thuận tiện đi lại đã khiến vỉa hè, đường phố, lộ giới bị lấn chiếm vô tội vạ, góp phần lớn vào vấn nạn kẹt xe hiện nay.
Hiến kế chống ùn tắc tại TP.HCM: Xoá dần kinh doanh mặt phố
Nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp ít tốn ngân sách nhưng hiệu quả tức thì. Thực tế, văn hoá tận dụng nhà mặt phố để kinh doanh và thuận tiện đi lại đã khiến vỉa hè, đường phố, lộ giới bị lấn chiếm vô tội vạ, góp phần lớn vào vấn nạn kẹt xe hiện nay.
Sống tại TP.HCM, khổ sở vì nạn kẹt xe, ông Nguyễn Đức Châu, công tác tại Đại học Mở TP.HCM, từng gửi văn bản kiến nghị các giải pháp chống kẹt xe lên các cơ quan liên quan nhưng không nhận được phản hồi.
Trả lộ giới, chặt góc giao lộ
Ông Châu phân tích với mật độ diện tích đường trên diện tích chung của TP.HCM chỉ khoảng 2 – 3% trong khi tiêu chuẩn chung phải từ 20 – 25%, thì ách tắc giao thông là tất yếu. Phương án dài hạn, căn cơ nhất giúp mở rộng nâng tỷ lệ mặt đường, giải quyết tận gốc vấn nạn giao thông là trả lại lộ giới. Muốn thực hiện việc này, điều đầu tiên là nghiêm cấm không cho xây dựng trên lộ giới.
Rất nhiều người dân ở 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM vẫn ao ước: giá như giao thông thành phố lúc nào cũng ‘bình yên’ như những ngày tết.
Cho đến nay các hộ dân vẫn được phép giữ lại phần lộ, hẻm để làm tường rào, sân sau khi xây dựng. Thậm chí rất nhiều hộ còn tranh thủ lấn ra thêm. Như thế, công dụng của các hẻm và lộ nhỏ bị thay đổi, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác an ninh, phòng cháy chữa cháy, giao thông… Kèm theo đó là việc giải tỏa bắt buộc các hộ còn lại với các đoạn đường nào có trên 50% hộ đã xây thụt vào đúng quy định về lộ giới, trả lại lộ giới cho giao thông.
Cơ quan quản lý cần phải kiên quyết với những quy định ban hành. Bởi số người dân còn chưa có ý thức nhiều nên không tuân thủ đúng quy định về địa điểm buôn bán, chờ đỗ xe. Đưa ra giải pháp hợp tình hợp lý thì người dân cũng sẽ thích ứng được
KTS Nguyễn Văn Châu
“Thực hiện triệt để phương án này, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi trong khoảng 3 – 5 năm, diện tích mặt đường trên đơn vị xe sẽ tăng gấp đôi, có thể đủ đáp ứng với tỷ lệ tăng đầu xe trong những năm sắp đến. Khi kẹt, xe 2 bánh và xe con có thể dễ dàng vào hẻm, thông qua đường khác”, ông Châu tính toán.
Bên cạnh đó, ông đề xuất một giải pháp mang tính đối phó và hỗ trợ cho giải pháp thứ nhất là “chặt góc giao lộ”. Các góc giao lộ sau khi giải tỏa sẽ được xây dựng theo hình đường vòng cung để các phương tiện giao thông quẹo phải thuận tiện hơn.
“Biện pháp này có thể gặp phải một số ý kiến phản đối, đặc biệt từ các chủ hộ, chủ công trình liên quan vì quyền lợi của họ trên các vị trí “đắc địa” bị đe dọa. Nhưng vì sự phát triển bền vững của kinh tế các TP lớn, chúng ta phải hy sinh quyền lợi một số cá nhân nêu trên. Hai giải pháp này có thể áp dụng thí điểm ngay tại TP.HCM để giảm dần kẹt xe mà không hết nhiều kinh phí”, ông Châu nhấn mạnh.
Hàng nghìn phương tiện dồn một lúc về vòng xoay Công trường Dân chủ (Q.10) gây kẹt xe nặng giờ cao điểm. Người ngán ngẩm khi di chuyển qua đây hằng ngày. Tôi từng đi vào vòng xoay này lúc 17g và mất gần 15 phút mới thoát ra.
Mỗi nhà mặt phố là một chợ mini
Anh Nguyễn Thanh Sang, một người dân ở TP.HCM, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kẹt xe tại VN trầm trọng, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội là văn hóa “nhà mặt phố”. Ai cũng thích ra mặt tiền đường để thuận tiện cho việc mua bán, di chuyển. Thậm chí, chỉ cần đặt cục gạch là có thể trở thành cây xăng bán kiếm tiền. Những căn nhà mặt tiền đường trở thành một cái “chợ” mini kéo theo nhiều người, phương tiện tấp vào mua bán, trao đổi khiến lề đường bị chiếm dụng.
Trả lại lòng đường, vỉa hè, “chặt góc” giao lộ là những giải pháp có thể làm ngay, không tốn ngân sách nhưng sẽ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đáng kể.
Trong khi ở các nước phát triển, kinh doanh tập trung vào các cao ốc thương mại. Buôn bán hàng rong, tạp hóa cũng được thiết kế các ki ốt nhỏ gọn đặt trên vỉa hè rất ngăn nắp.
Từ phân tích trên, anh Nguyễn Thanh Sang đề xuất các TP lớn khi quy hoạch các tuyến đường nên giải tỏa thêm một phần đất làm các tuyến đường dân sinh bên trong để người dân sống hai bên đường có thể di chuyển buôn bán.
Thực tế tại TP.HCM, khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng đã thiết kế và xây dựng đường Nguyễn Văn Linh theo hướng này. Đường Nguyễn Văn Linh có nhiều làn xe, nhưng chủ đầu tư đã thiết kế một làn xe dân sinh bên trong để phục vụ người dân hai bên đường. Làn xe này được cách ly với các làn xe khác bằng một dải phân cách bằng cây xanh giúp đường Nguyễn Văn Linh trở nên thông thoáng và an toàn.
Tương tự, đường Trần Văn Giàu nối giữa TP.HCM với các huyện Đức Hoà, Đức Huệ (Long An) trước đây rất hẹp trong khi lưu lượng xe đi lại quá lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe,ùn tắc. Tuy nhiên mới đây khi mở rộng đường, đã thực hiện mở rộng biên hai bên đường để làm đường dân sinh bên trong.
Sài Gòn đang ngày một chật cứng khi kẹt xe vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng không chỉ trong giờ cao điểm (sáng – chiều) mà còn ở các khung giờ khác trong ngày.
Người dân có nhà hai bên đường chỉ có thể buôn bán, lưu thông trong con đường dân sinh này, không ảnh hưởng đến việc lưu thông, đi lại của các phương tiện xe trên đường lớn, ít có tình trạng xe tạt ngang, tạt dọc, tấp vào mua bán, đậu xe trên lề, lòng đường để mua bán.
“Thái Lan cũng thực hiện cách này, nhất là ở trên các tuyến quốc lộ. Cách mấy chục ki lô mét họ lại thiết kế một trạm dừng chân trong đó giống như một trung tâm thương mại mua bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho xe cộ, hành khách từ xăng, thức ăn, uống, các nhu yếu phẩm.
Nếu quốc lộ 1A chúng ta cũng làm như vậy thì người dân sống ven hai bên đường sẽ không còn lo lắng tình trạng ô tô mất thắng đâm vào. Họ sẽ sinh hoạt, buôn bán kinh doanh trong các con đường dân sinh, còn xe cộ vẫn cứ bon bon trên quốc lộ. Chúng ta sẽ không lo kẹt xe hay tai nạn giao thông”, anh Sang phân tích và cho rằng: “Không thể để mãi văn hoá “nhà mặt phố” buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường, gây kẹt xe, tai nạn giao thông, mất mỹ quan đô thị”.
Đồng quan điểm trên, KTS Nguyễn Văn Châu (Công ty Tỷ Lệ Vàng, TP.HCM) minh chứng khu vực Lê Hồng Phong, những điểm giao nhận hàng hóa của các công ty kinh doanh xe hay chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10) khi cao điểm đều tràn ra kinh doanh kín hết cả con đường… Vì vậy, căn cứ theo đặc điểm từng địa bàn, các nhà quản lý phải linh động, đưa ra các giải pháp phù hợp để làm thế nào giải phóng mặt bằng, giải phóng vỉa hè thông thoáng dành lối cho người đi bộ cũng như giảm bớt mật độ xe gắn máy tập trung đậu, chờ.
Kẹt xe ở khu vực Q.10, TP.HCMẢNH: NGỌC DƯƠNG
Để khuyến khích người dân buôn bán tại các khu vực đã có quy hoạch như chợ, trung tâm thương mại, cần phải giảm mạnh giá cho thuê sạp, thuê gian hàng, qua đó họ có điều kiện bán hàng giá thấp như đang bày bán ở vỉa hè để thu hút người mua.
“Cơ quan quản lý cần phải kiên quyết với những quy định ban hành. Bởi số người dân còn chưa có ý thức nhiều nên không tuân thủ đúng quy định về địa điểm buôn bán, chờ đỗ xe. Đưa ra giải pháp hợp tình hợp lý thì người dân cũng sẽ thích ứng được. Ví dụ trên đường giao thông từ TP.HCM về Tiền Giang, trước đây hàng quán hai bên đường nhộn nhịp nhưng sau khi có đường cao tốc, xe khách không thể dừng lại hai bên đường nên từ đó hàng quán ven đường cũng không còn, người dân sẽ tự tìm cách chuyển đổi hoạt động cho phù hợp. Vì vậy khi có quy hoạch, đưa ra những khu buôn bán tập trung phù hợp thì người dân cũng sẽ đưa hàng vào kinh doanh ở các khu chợ thay vì phải lấn chiếm vỉa hè hay đi thuê mướn nhà mặt phố…”, KTS Nguyễn Văn Châu chia sẻ.