28/11/2024

Giáo hội Congo trong nhiệm vụ trung gian hoà giải đất nước

Trong các tuần vừa qua, HĐGM Cộng hoà Dân chủ Congo đã dấn thân trong việc làm trung gian thương thuyết hoà giải giúp tránh được các cảnh bạo lực gây ra biết bao nhiêu chết chóc đổ vỡ thương đau cho nhân dân nước này. Việc làm trung gian nói trên là một thách đố, một cơ may và nhất là một chứng tá cho thấy Giáo Hội gần gũi với dân chúng, tích cực dấn thân góp phần xây dưng quốc gia, và đem lại an bình thịnh vượng cho đất nước.

 Giáo hội Congo trong nhiệm vụ trung gian hoà giải đất nước

 

 
Trong các tuần vừa qua, HĐGM Cộng hoà Dân chủ Congo đã dấn thân trong việc làm trung gian thương thuyết hoà giải giúp tránh được các cảnh bạo lực gây ra biết bao nhiêu chết chóc đổ vỡ thương đau cho nhân dân nước này. Việc làm trung gian nói trên là một thách đố, một cơ may và nhất là một chứng tá cho thấy Giáo Hội gần gũi với dân chúng, tích cực dấn thân góp phần xây dưng quốc gia, và đem lại an bình thịnh vượng cho đất nước.

Cộng hoà dân chủ Congo rộng 2.345.000 cây số vuông, có 82 triệu dân, trong đó có 86% theo Kitô giáo, gồm 41% Công giáo, 31,6% Tin Lành, 13% theo các hệ phái Kitô khác, 10,7% theo các tôn giáo cổ truyền thờ vật linh, 3,3% theo Hồi giáo và 1,4% theo các tôn giáo khác.

Vào thế kỷ XV, người Bồ Đào Nha đến Vương quốc Congo. Tiếp theo đó là người Hoà Lan. Thoả hiệp Berlin 1884-1885 giao cho Vua Leopoldo II của Bỉ cai trị. Từ năm 1908 đến 1960, tên nước là Congo Bỉ hay Congo Leopolville cho đến năm 1966. Dưới thời Tổng thống Mobutu nó được gọi là Zair. Chính sách cái trị độc tài của Tổng thống Mobutu Sese Seko khiến cho Zair rơi vào cuộc nội chiến lần thứ nhất giữa các năm 1996-1997. Các lực lượng phiến quân người Rwuanda và Uganda dưới sự lãnh đạo của tướng Laurent-Désiré- Kabila thắng thế khiến cho ông Mobutu phải trốn sang Marốc và qua đời tại đây. Tướng Kabila tự tuyên bố là tổng thống cai trị bằng các sắc lệnh, đưa người thuộc bộ lạc của ông vào mọi chức vụ của chính quyền và lấy tên nước trở lại là Congo. Các phiến quân Tutsi bắt đầu chiến đấu chống lại quân đội của Tổng thống Kabila với sự yểm trợ của binh sĩ 6 nước Phi châu trong đó có Angola, Namibia và Zimbabwe. Mục đích là tranh giành quyền kiểm soát miền đông Congo rất giàu quặng mỏ kim cương, vàng và coltan. Chiến tranh, bệnh tật và đói khát đã khiến cho 3 triệu người chết. Năm 2001, ông Laurent-Désiré-Kabila bị ám sát, con là Joseph Kabila lên thay. Cuộc nội chiến lần thứ hai kéo dài giữa các năm 1998-2003.

Giữa các năm 2004-2008, các lực luợng nổi loạn do ông Laurent Nkunda lãnh đạo đánh nhau với quân đội của chính quyền. Tuy hai bên có đạt được thoả hiệp hoà bình vào tháng giêng năm 2008, nhưng các cuộc giao tranh vẫn không chấm dứt, đến độ quân đội bảo hoà của Liên hiệp Phi châu phải can thiệp.

Trong các tỉnh miền Đông Congo, các nhóm vũ trang khác nhau, các cựu quân nhân và các lực lượng dân vệ vẫn tiếp tục các vụ cướp bóc và hà hiếp thường dân. Các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân thuộc lực lượng Quốc đại Bảo vệ Nhân dân đã khiến cho 250.000 người phải di tản trong vùng Kivu. Năm 2009 có thoả hiệp giữa quân đội Congo cùng với phiến quân Quốc đại Bảo vệ Nhân dân và quân đội Rwuanda.

Thêm vào đó còn có Lực lượng Quân đội Rwuanda đánh nhau với Mặt trận Cách mạng Giải phóng gồm các người Hutu. Tiếp đến có sự tham gia của quân đội Uganda, khiến cho tình hình chiến sự càng rối ren thêm.

Trong các cuộc bầu cử ngày 28 tháng 11 năm 2011, ông Joseph Kabila tái đắc cử tổng thống với 48,95% tổng số phiếu, trong khi ông Etienne Tshisekedi được 32,33%. Năm 2016, tuy mãn nhiệm nhưng ông Kabila muốn thay đổi hiến pháp để ra ứng cử lần thứ ba. Sự kiện này đã gây căng thẳng và đụng độ giữa chính quyền và các phe đối lập. Tình hình căng thẳng đến độ Giáo Hội được các đảng phái chính trị yêu cầu làm trung gian giữa các phe nhóm khác nhau để đem lại an bình ổn định cho xã hội.

Xin giới thiệu bài phỏng vấn ĐC Nicolas Djombo Lola, GM Tshumbe, Chủ tịch HĐGM Cộng hoà Dân chủ Congo, về công tác trung gian này.

Hỏi: Thưa ĐC, thoả hiệp giữa các phe liên hệ đã đạt được như thế nào?

Đáp: Hồi tháng 10 năm ngoái các vị lãnh đạo quốc gia đã họp nhau tại Angola trong Hội nghị Thượng đỉnh do Liên Hiệp Quốc triệu tập cho vùng Đại Hồ. Họ đã khuyên Tổng thống Joseph Kabila giao cho HĐGM Congo nhiệm vụ làm trung gian vì ảnh hưởng uy tín của Giáo Hội, các tương quan của Giáo Hội với giới chính trị và sự hiện diện của Giáo Hội trong xã hội. Vì thế chúng tôi đã bắt đầu các cuộc thương thuyết giữa hai phe lâm chiến: một đàng là giữa các thành phần đã ký kết một thoả hiệp tại Kinshasa ngày 18 tháng 10 – hay là các đại diện của đa số phe tổng thống, một phần của xã hội dân sự và một nhóm nhỏ của phe đối lập – và đàng khác đa số của phe đối lập. Trong các tuần đó chúng tôi đã họp tất cả hàng lãnh đạo chính trị: các thành phần đối lập, trong sự khác biệt đa diện của nó và các thành phần đa số thuộc phe tổng thống. Vì uy tín của Giáo Hội họ đã đáp trả lời mời gọi của chúng tôi, và đã thảo luận trong 3 tuần lễ một giàn xếp chính trị để đi tới một thoả thuận cho phép tầng lớp chính trị cùng cai trị quốc gia cho tới khi có các cuộc bầu cử mới. Khía cạnh quan trọng nhất là sự kiện Tổng thống Kabila không ra ứng cử tổng thống kỳ ba, nhưng sẽ tiếp tục giữ chức vụ cho tới khi có các cuộc bầu cử tới, với giả thiết ông phải bảo đảm cho sự liên tục của quốc gia. Hiến pháp cho phép điều này. Ngoài ra Tổng thống Kabila cũng đã dấn thân không thay đổi Hiến pháp qua một cuộc trưng cầu dân ý cũng như qua quốc hội trong thời gian này. Điều này đã làm cho các căng thẳng giảm bớt nơi dân chúng. Đó là điểm quan trọng nhất của thoả hiệp, trong khi trong tuần này chúng tôi nghiên cứu các cách thức áp dụng nó.

Hỏi: Đâu là các điểm được thảo luận, thưa ĐC?

Đáp: Trong giai đoạn tạm thời này người ta bàn luận về gương mặt của thủ tướng do phe đối lập đảm trách, việc thành lập chính phủ sẽ hướng dẫn đất nước tới các cuộc bầu cử. Cần phải nghĩ tới việc phân chia các vài trò giữa các đảng phái. Người ta cũng đề cập tới Hội đồng Quốc gia kiểm soát thoả hiệp và các thời điểm khác như: khi nào thì chỉ định thủ tướng, khi nào chính quyền sẽ được Quốc hội chấp thuận… Chúng tôi đã xin các phe liên hệ tìm ra một giải pháp nhanh chóng chừng nào có thể. Cần phải nhanh chóng đạt được một thoả hiệp.

Hỏi: Thưa ĐC, việc làm trung gian được thực hiện tại Congo có thể được coi như một kiểu mẫu đem ra áp dụng cho các vùng khác của đại lục phi châu đang bị tệ nạn bạo lực bộ tộc và chính trị tung hoành hay không?

Đáp: Tôi nghĩ là có thể. Trước hết bởi vì Giáo Hội rất có uy tín tại Phi châu nhờ độ cao luân lý và sự kiện Giáo Hội gần gũi dân chúng trong cuộc sống dân sự. Các linh mục, giám mục không có tham vọng quyến bính nào. Sự trung lập của Giáo Hội gợi lên lòng tin tưởng, vì thế chúng tôi nghĩ rằng mô thức này có thể được trải rộng ra một cách dễ dàng cho các vùng khác đang có xung khắc. Chẳng hạn tại Burundi HĐGM đang hoạt động trong một tình trạng rất tế nhị. Cả trong Cộng hoà Trung Phi, Giáo Hội đã nắm giữ một vai trò quan trọng lớn trong việc thăng tiến đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau.

Hỏi: Mô thức này có thể hoạt động một cách ổn định hay cần phải luôn luôn có sự canh chừng cao, thưa ĐC?

Đáp: Xin quý vị cho phép tôi trước hết bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với ĐGH, bởi vì ngài đã nâng đỡ chúng tôi biết bao ngay từ đầu. HĐGM Congo chúng tôi đã được ĐTC tiếp kiến ngày 19 tháng 12 năm ngoái để khích lệ chúng tôi trong công tác khó khăn này. Trên thực tế, tình hình còn rất là mỏng manh và chính các lực lượng chính trị xin chúng tôi đồng hành với họ trong tiến trình chính trị tương lai. Cần phải đi tới chỗ tổ chức các cuộc bầu cử với tất cả các vấn đề sẽ nảy sinh từ đó. Dầu sao đi nữa, giới chức chính trị cầu mong HĐGM tỉnh thức. Và đây thật là một cơ may đối với chúng tôi.

Hỏi: Giáo Hội thành công trong việc sống gần gũi nguời dân như thế nào, thưa ĐC? Chúng con đặc biệt nghĩ tới các phụ nữ, thường là nạn nhân của bạo lực tính dục, bị sử dụng như dụng cụ chiến tranh?

Đáp: Giáo Hội có nhiều cơ cấu xã hội trong toàn nước, bắt đầu từ tổ chức Caritas. Các tổ chức này rất dấn thân trong việc trợ giúp các nạn nhân của bạo lực tình dục, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em. Một lần nữa các tương quan chặt chẽ của chúng tôi với các giới chức chính quyền và các tổ chức quốc tế cho thấy chúng quý báu trong việc loại trừ bạo lực đang xảy ra, nhất là trong vùng đông Congo. Chúng tôi biết rằng các bạo lực này gắn liền với các tài nguyên giàu có của Congo, nhất là trong vùng Kivu. Trong vùng này các tổ chức xuất cảng quặng mỏ tài trợ và vũ trang cho các nhóm nhỏ gieo kinh hoàng cho dân chúng. Chúng tôi đã trực tiếp yêu cầu Liên hiệp Âu châu, Liên Hiệp Quốc và Quốc hội Mỹ làm thế nào để đạt được một luật lệ quốc tế có khả năng điều chỉnh việc khai thác các quặng mỏ, thế nào để nó không đồng nghĩa với bạo lực và đàn áp. Chúng tôi đang sử dụng tất cả mọi phương tiện có thể, để tìm ra một giải pháp giúp chấm dứt hiện tượng thê thảm này.

Hỏi: Phi châu có thể hy vọng vào một tương lại không bạo lực không, thưa ĐC?

Đáp: Các xung khắc có các nguồn gốc khác nhau. Trong vùng Đại Hồ thường đó là các lý do kinh tế, và trong nước Congo của chúng tôi thì chúng gắn liền với việc khai thác các quặng mỏ cần thiết cho việc sản xuất các phần quý báu trong lĩnh vực điện tử. Cần phải làm nảy sinh ra một tầng lớp chính trị biết lưu tâm tới thiện ích chung, và điều này chỉ có thể qua việc giáo dục. Cần phải có một tầng lớp các nhà chính trị liêm chính có thể tin cậy được, biết làm việc cho đất nước chứ không phải cho chính mình. Chỉ như thế mới có thể có được một nhà nước pháp quyền đích thực với một nền công lý vững chắc và bình đẳng. Và chỉ như vậy mới làm nảy sinh ra một hệ thống hoạt động và che chở những người yếu đuối nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nói cho cùng đó là theo giáo huấn xã hội của Hội Thánh và chúng tôi hoạt động trong ý hướng ấy, cho tương lai và trao ban cho đất nước một xã hội Congo mới.

(Oss.Rom. 15-1-2017)
 
 

Linh Tiến Khải