29/11/2024

Hai ông cụ “bao đồng”

Hàng chục năm nay, người dân cả huyện Châu Thành (Sóc Trăng) ai cũng biết tiếng cụ Trần Cang chuyên đi tặng gạo, góp tiền chữa bệnh cho người nghèo.

 

Hai ông cụ “bao đồng”

 Hàng chục năm nay, người dân cả huyện Châu Thành (Sóc Trăng) ai cũng biết tiếng cụ Trần Cang chuyên đi tặng gạo, góp tiền chữa bệnh cho người nghèo.

 

 

Hai ông cụ “bao đồng”
Hình ảnh quen thuộc mỗi ngày của cụ Cang và cụ Phát – Ảnh: T.Trang

“Tui làm sai thì trời đất phạt tui, một đồng tiền quyên góp tui cũng không đụng đến. Chỉ cầu ơn trên cho tui đủ sức khoẻ, minh mẫn để làm việc nghĩa cho đời

Cụ Trần Cang

Đến thăm cụ Cang ngày cuối năm (nhà cụ nằm khuất sau chợ Phú Tâm, xã Phú Tâm), thấy cụ đang loay hoay sửa soạn lại bàn thờ, chuẩn bị cúng 21 ngày cho cụ bà.

Bà ra đi khi đã gần 100 tuổi. Nay cụ Cang ốm hơn nhiều so với những lần chúng tôi gặp trước đó, nhưng dáng vẻ vẫn khoan thai, rắn rỏi, giọng nói trầm ấm của cụ vẫn không lẫn vào đâu được.

95 tuổi, nuôi 350 
gia đình nghèo

Vừa soạn trong cặp táp nào là sổ sách, phong bì chuẩn bị đợt trao tiền cho bà con nghèo ăn tết, cụ kể chuyện giúp đỡ người nghèo đã có từ trong máu, di truyền từ ba mẹ cụ, dù hồi xưa gia đình cụ nghèo lắm, nhà có lúc không đủ gạo ăn.

Rồi cụ lớn lên, mặc dù cũng chỉ làm nông nhưng nghĩa cử giúp người nghèo ấy cụ vẫn không quên, coi đó là cái “nghiệp” đã đeo lấy mình.

“Thấy người ta nghèo, người ta khổ tui bỏ không được đâu, không tiền bạc nhiều nhưng giúp người ta no bụng thì tui làm được” – cụ Cang nói. Cụ nói nghe khiêm tốn vậy chứ danh sách nhận gạo hằng tháng từ cụ đã lên đến hàng trăm.

Từ ấp Phú Thành, Kinh Đào, Phú Tân… trải dài cả huyện có cả thảy 350 hộ được cụ đưa vào danh sách nhận gạo mỗi tháng, riêng năm 2016 cụ còn nhận thêm 110 hộ nữa.

Hỏi cụ sao phát nổi mấy tấn gạo mỗi tháng, cụ nói: “Dễ ợt mà, tui đưa danh sách cho nhà máy gạo, mỗi tháng ai có tên thì cứ đến lãnh gạo về ăn, tui chỉ việc tới trả tiền”.

Cụ nói sòng phẳng: “Tui mà nghe nhà nào nói gạo dở hay khó dễ gì đó là tui nghỉ chơi liền, kiếm nhà máy khác đặt gạo cho bà con, họ biết tính tui rồi nên làm ăn đàng hoàng lắm”.

Nhìn cụ Cang khó ai nghĩ năm nay cụ đã tròn 95 tuổi, hàm răng cụ trắng đều tăm tắp, mắt sáng, tai nghe rõ, đặc biệt là trí nhớ vẫn còn rất tốt, cụ còn nhớ kỹ từng gia cảnh những người được nhận nuôi gạo.

Ở tuổi này mà cụ vẫn xài tốt điện thoại di động, nhắn tin, lưu số thành thạo. Cụ nói sở dĩ phát gạo thay vì cho tiền bởi hầu hết các gia đình nghèo đều có con nhỏ. Nếu cho tiền thì người lớn đôi khi tiêu xài không đúng, chỉ vài ba bữa là hết, không còn tiền mua gạo cho mấy đứa nhỏ.

“Tui thích vậy đó, cho gạo thì còn đó, tụi nhỏ không sợ bị đói”.

Anh Phạm Mạnh Tuân (42 tuổi), ở ấp Xay Đá, xã Hồ Đắc Kiện (H.Châu Thành), là một trong những nông dân sản xuất giỏi của vùng, kể hồi mới cưới vợ, con nay ốm mai đau, nhà nghèo rớt mồng tơi. Cũng chính nhờ cụ Cang cho gạo rồi cho tiền chữa bệnh cho con.

“Lúc đó tui túng quẫn dữ lắm, nhờ cụ Cang cho gạo, cho tiền rồi còn chỉ dạy tui mần ăn. Cũng nhờ cụ dạy làm 2 đồng phải giữ lại 1 đồng mà ngày nay tui mới dư dả được vầy” – anh Tuân nói.

“Sống là cho” 
của hai cụ già

Cũng không phải không duyên cớ mà bà con ở chợ Phú Tâm gọi vui cụ Cang và cụ Lục Tấn Phát là “đôi bạn cùng tiến”. Bất cứ giờ nào, ở đâu, hễ thấy cụ Cang thì đều có mặt cụ Phát.

Cụ Phát năm nay cũng ngót nghét 88 tuổi. Cụ Cang nói cụ Phát ở sát nhà từ sau giải phóng đến nay, thấy cụ Cang làm gì cụ Phát cũng theo phụ giúp, riết thành thân.

“Tui với ổng làm bạn cũng hơn 70 năm rồi đó, cũng đâu có ai mà chơi với nhau lâu dữ vậy đâu. Mừng nhất là tui với ổng còn mạnh khỏe, đi đâu cũng được” – cụ Phát nói.

Chuyện giúp người nghèo với hai cụ cũng đã thành nếp, cách vài bữa hai cụ lại chở nhau trên chiếc xe máy đi hết đầu trên xóm dưới để nghe ngóng tình hình, coi ai khó khăn chỗ nào thì giúp liền chỗ đó, ai làm sai hai cụ cũng rầy liền tại chỗ.

Tiếng lành đồn xa, chuyện hai cụ ông chuyên đi cho gạo người nghèo lan ra cả tỉnh, nhiều bà con kiều bào không có dịp về quê đã gửi tiền về nhờ hai cụ gửi quà đến dân nghèo.

“Nói cho đúng chứ một mình tui không lo được nhiều cho người nghèo vậy đâu. Phần lớn bà con mình ở nước ngoài và mạnh thường quân đóng góp, tui chỉ việc đứng ra phân phát giúp thôi” – cụ Cang cho biết.

Vừa nói cụ Cang lấy cuốn sổ dày, trong đó ghi chép tỉ mỉ tên từng người, số tiền đóng góp lên đến gần 700 triệu đồng.

“Tiền quyên góp hay chi cho gia đình nào tui và ông Phát ghi rõ, mỗi người giữ một quyển, vài hôm lại đem ra so xem có khớp hay không, tui cũng sợ già rồi đôi lúc lại sai sót” – cụ Cang nói.

Còn cụ Phát kể mỗi lần đi rút hay đổi tiền phải nhờ vài ba người theo “hộ tống” cho an toàn. “Cũng mừng là con cháu trong nhà đều ủng hộ việc làm của hai ông già. Chớ nhiều người cũng nói già rồi không lo nghỉ ngơi, vậy mà tụi tui chỉ nghỉ vài bữa là thấy mệt trong mình”.

Tại hội nghị tổng kết năm vừa xong ở Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cụ Cang được nhận bằng khen kèm 2 triệu đồng. Cụ liền ghi vào sổ số tiền đó để dành mua gạo cho bà con nghèo.

Cụ nói: “Tiền con cháu biếu tui cũng đủ xài rồi, dư thì để cho bà con còn thiếu thốn. Sống là cho mà, khi mình biết cho, con cháu mình cũng được hưởng cái phước”.

– Cụ Cang xem danh sách trao tiền cho người nghèo dịp Tết. (ảnh: T.Trang)

– Hình ảnh quen thuộc mỗi ngày của cụ Cang và cụ Phát (ảnh: T.Trang)

Giống như ông Bụt

Ông Lê Hoàng Nam, chủ tịch UBND xã Phú Tâm, cho biết cụ Cang quả thực là “ông Bụt” của bà con vùng này.

Chỉ theo thống kê trong xã, chưa tính những xã khác thì 10 năm qua, ngoài tặng gạo cho bà con nghèo, cụ đã đưa gần 30 trẻ bị dị tật bẩm sinh đi chữa trị, sửa chữa 8 cây cầu nông thôn, hỗ trợ tiền ma chay…

“Nhờ cụ giúp đỡ tận tình mà bây giờ bà con ở đây hầu hết đều có cuộc sống ổn định, không còn hộ nghèo. Cụ nhiệt tình, tốt bụng đến nỗi nhiều lúc phận con cháu như chúng tôi trông vào cụ mà cảm thấy ái ngại cho mình” – ông Nam nói.

THUỲ TRANG