29/11/2024

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Tập tục tặng quà cuối năm

Thường khi tất cả mọi công việc đều ngừng lại khoảng sáu hay tám ngày trước khi năm kết thúc, và sau ngày đầu năm, cũng chừng đó thời gian trôi qua trước khi những hoạt động đó được tái khởi động.

 

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Tập tục tặng quà cuối năm

Thường khi tất cả mọi công việc đều ngừng lại khoảng sáu hay tám ngày trước khi năm kết thúc, và sau ngày đầu năm, cũng chừng đó thời gian trôi qua trước khi những hoạt động đó được tái khởi động. Khoảng thời gian ngừng mọi công việc là để mọi người được nghỉ ngơi vui chơi. Và vào thời chiến cũng là thời gian hưu chiến bắt buộc.



Các quan phụ chính triều vua Duy Tân /// Ảnh: Tư Liệu

 

Các quan phụ chính triều vua Duy TânẢNH: TƯ LIỆU

Vào ngày quy định dừng mọi hoạt động công vụ, châu ấn của vua hay ấn của các quan được lau chùi, đánh bóng và khóa cất. Thực tế là vua vẫn tiếp tục những buổi triều kiến và trao đổi về những vấn đề quốc gia, nhưng sẽ không ban bất cứ sắc chỉ nào và các quan cũng tuân thủ như vậy.
Binh lính hay thủy quân không được giao phó nhiệm vụ thường kỳ trong thời gian này cũng cất súng ống, đao kiếm hay mái chèo, và chỉ lấy ra lại để sử dụng vào ngày quy định tái khởi động những hoạt động công vụ. Trong thời gian sáu hay tám ngày cuối năm, nơi nhà quan cũng như dân thường, mọi người đều bắt tay vào việc dọn dẹp làm sạch nhà cửa, sắm sửa áo quần mới, các quan thì cho làm mới lại võng kiệu, lọng che hay đồ dùng hằng ngày. Người ta cũng đi chạp mộ nhổ cỏ nơi mồ mả ông bà tổ tiên hay dọn dẹp lau chùi nếu như lăng mộ có phần kiến trúc. Ở lăng tẩm vua chúa, theo tập quán, người ta cũng có diễn một nghi thức như thể quét dọn.
Ngày đầu năm mới của người An Nam thường rơi vào khoảng thời gian từ ngày 30.1 – 18.2 dương lịch. Năm âm lịch của họ gồm mười hai tháng tính theo tuần trăng, dao động 29 – 30 ngày. Cứ mỗi ba năm, họ lại tính năm mười ba tháng, thêm một tháng nhuận. Tháng đầu tiên khi nào cũng là ba mươi ngày, tháng tiếp theo hai mươi chín, tháng thứ ba ba mươi, và cứ tuần tự như thế cho đến hết năm.
Những lễ hội mừng năm mới kéo dài nhiều ngày. Vào dịp này, sách lịch người An Nam (từ Khâm Thiên giám của triều đình) năm nào cũng thông tin giai đoạn ngừng mọi hoạt động chính thức, những hoạt động quân bị và này kia (thượng nêu/đóng ấn), và thời điểm tất cả sẽ bắt đầu trở lại (hạ nêu/khai ấn).
Như bất cứ nơi nào khác, quà thưởng cuối năm rất được tán đồng ở xứ Cochinchine. Mỗi dịp năm mới, nhà vua đều có quà thưởng cho quan lại: thông thường là một bộ khăn đóng áo dài hay những tấm vải, nhà vua phái người mang đi, đựng trong một hộp đáy sơn vàng với hình con rồng cùng màu, được nhiều người hộ tống với lọng che. Lọng rõ là không phải chỉ che nắng che mưa cho món quà mà là tăng phần uy nghi cho vật phẩm hoàng gia.
Ngoài quà thưởng dịp đầu năm, cha tôi còn được đức vua ban tặng những vật nhỏ đựng trong những cái trông như cái hộp, với cùng những nghi thức như vậy. Có một lần, người ta mang đến cho cha tôi, lúc ông đang nghỉ trưa, một cái hộp tròn vô cùng lớn, đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Người ta mở nắp hộp ra và trong đó có một đĩa với một trái lê đến từ Trung Hoa. Dù phải giữ thái độ trân trọng trước món quà từ đức vua, cha tôi cũng không sao kiềm chế được sự kinh ngạc và ồ lên bất ngờ, có lẽ những người được phái mang đến nghĩ đó là thái độ ngưỡng mộ. Món quà dù thật nhỏ nhặt nhưng có tầm quan trọng của nó, cần phải biết là ở xứ Cochinchine không có loại lê như thế. Và phải xem đó là một ân sủng lớn của vua Minh Mạng.
Các quan nhỏ cũng tặng quà cho các quan lớn là cấp trên trực tiếp: đôi vịt hay cặp gà, một giỏ cam hay nhiều bánh pháo nổ hay pháo hoa. Binh lính thuộc cấp của một vị quan, tất thảy từ chỉ huy đến lính thường, cùng nhau đi tết cho vị quan một cách rất trang trọng: một con heo nhốt rọ hay một đấu gạo.
Vị quan, ngồi trên sập chính giữa phòng khách, nhận quà một cách nghiêm trang, quà là con heo với đấu gạo, đồng thời cũng ghi nhận những lời chúc tụng của binh lính: tất cả đều cùng quỳ lạy sát đất ba lần để tỏ lòng tôn kính và phục tùng vị quan. Vị quan sẽ tỏ ra thư thái, ban cho họ một nụ cười bảo bọc, sai người phục vụ bếp và gia nhân mang lợn và gạo vào, rồi cho binh lính lui ra.
Gia nhân, cả nam cả nữ, cũng đều tặng quà cho gia tộc ông bà chủ. Nếu gia nhân đông người thì quà sẽ nhiều, nếu ít người thì quà cũng ít lại. Quà thường là con heo, giỏ trái cây hay đấu gạo, tùy theo số lượng cùng nhau đóng góp.
Cuối cùng đến cả con trẻ cũng có một món quà gì đó cho cha mẹ mình. Tôi còn nhớ, dưới triều vua Gia Long, ngài giám mục Veren, để không bị tụt hậu so với tập quán này, hằng năm ngài đều đi kiệu đến hoàng cung mang theo hai bình lớn nước hoa “eau de Cologne” mang nhãn vàng, dâng quà trực tiếp cho vua hay thông qua quan tùy tùng khi vua không thể tiếp. Nước hoa này rất được vua Gia Long ưa chuộng.
Cần lưu ý là quan lại không buộc phải có quà dâng vua vào dịp đầu năm.
Quà cáp thuộc cấp tặng cho quan trên một phần nào sẽ được trao trả lại vào ngày đầu năm. Như ta sẽ thấy ở phần sau, việc đó sẽ thông qua sự phân phát (mừng tuổi) vài quan tiền hay lạng bạc, hay có thể là một bữa tiệc.

Michel Đức Chaigneau

 

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang và Trần Đình Hằng dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)