29/11/2024

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Xem kịch tại Thanh Phong đường

Thanh Phong đường là một toà nhà lớn hình chữ nhật, cùng một kiểu kiến trúc và kết cấu như những toà nhà khác trong hoàng cung, ngoại trừ phần bố cục bên trong.

 

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Xem kịch tại Thanh Phong đường

Thanh Phong đường là một toà nhà lớn hình chữ nhật, cùng một kiểu kiến trúc và kết cấu như những toà nhà khác trong hoàng cung, ngoại trừ phần bố cục bên trong.



Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế đầu thế kỷ 20 /// Ảnh: tư liệu

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế đầu thế kỷ 20ẢNH: TƯ LIỆU

Phần chính giữa của Thanh Phong đường tạo thành một sàn hình vuông làm sân khấu; bên trái và phải là những hàng sập dành cho quan lại được phép tham dự; cuối tòa nhà là phần dành cho nghệ sĩ và phần đối diện ngược lại dành cho nhà vua và các bà phi. Một tấm vách mỏng ngăn gian dành cho người biểu diễn với sân khấu, vách có nhiều chỗ ra vào với các tấm màn che.
Khoảng giữa của bức vách có một cái bệ, trên đó đặt một ghế bành lớn trước một cái bàn; trên ghế bành là một mái hiên che. Ghế này dành cho nghệ sĩ đóng vai một nhân vật quan trọng trong vở tuồng. Phần trước các sập ngồi dành cho hoàng tộc, mỗi gian được viền khung bằng gỗ nhẵn bóng, sơn đỏ và có sáo. Người phục vụ, gia nhân hay người hầu, đứng phía sau các quan; các nhạc công ngồi ở bục thấp hơn, gần bức vách của gian dành cho đào kép, theo liền với các bục chỗ ngồi dành cho quan lại.
Khi cha tôi cùng tôi bước vào nhà hát, chỗ ngồi dành cho hoàng tộc vẫn còn trống. Cha tôi ngồi vào chỗ dành cho phẩm trật của ông và cho tôi ngồi xuống cạnh ông, xem như đặc biệt bỏ qua nghi thức quy định (vào dịp được hoàng hậu tiếp kiến). Lát sau, người ta nghe đằng sau các bức sáo tiếng lao xao áo xống, giọng phụ nữ, bước chân răng rắc trên các chỗ ngồi sập gụ. Ánh sáng yếu của cả gian phòng và bóng tối gần như hoàn toàn ở gian dành cho hoàng tộc, không cho người bên ngoài dễ dàng nhìn xuyên qua các bức sáo. Tuy vậy, vẫn có thể thấy được vài đường nét khuôn mặt cũng như sự chuyển động liên tục và buồn tẻ của khoảng hai mươi, ba mươi cái quạt trắng, không ngừng phe phẩy, như một đàn bướm ào xuống vườn hoa.
Khoảng năm mươi nghệ sĩ, mặt mày bôi tô đủ màu sắc, màu chủ đạo là màu đỏ, trong những bộ trang phục mà họ nhập vai, đi ra từ hai cánh gà, đến xếp thành nhiều hàng trước dãy bức sáo. Tất cả bái lạy năm lần và đồng thanh hát một bài ca ra trận, kéo dài vài phút, rồi quay về lại gian phòng dành cho họ. Tiếp đó, các nhạc công tấu lên một bản nhạc dạo đầu, chẳng giống gì với dạng nhạc kiểu Guillaume Tell hay Obéron (ở châu Âu). Trống lớn, kèn, sáo, tù và sừng trâu – tất cả những nhạc cụ như thế đồng thanh tạo nên những âm thanh lệch nhịp trong một sự ồn ào thật kinh khủng đến điên đầu. Thật khó để mô tả hết cái cảm giác như thế nào cho những ai chưa từng phải chịu đựng loại âm nhạc huyên náo đến như vậy. Khi ban nhạc kết thúc phần dạo đầu, chương trình biểu diễn bắt đầu.
 
Tôi sẽ không kể ra đây cốt lõi câu chuyện vở kịch và cả phong cách biểu diễn của các kịch sĩ vì lẽ tôi đã mệt nhoài và rất buồn ngủ. Tôi tựa vào một cột nhà rồi ngủ thiếp đi, mặc cho tiếng động của những người diễn kịch và nhạc công, ban nhạc thì cứ dạo một điệp khúc mỗi lần vở diễn chuyển sang một màn hồi khác. Đến một lúc nào đó thì cha tôi vỗ nhẹ vai tôi, tôi giật mình thức dậy và thấy ngay bên cạnh hai chiếc khay, khay đựng bánh ngọt và khay đựng những tách trà nhỏ, do những người hầu vừa mang đến. Ngày hôm đó quả thật tôi là một thằng bé được nuông chiều: Ai là người đã hết mực quan tâm đến tôi? Là nhà vua? Là hoàng hậu? Tôi không hề biết được và đến nay tôi cũng không thể biết được là do ai. Mặc sự thể thế nào, tôi hờ hững cầm lấy một chiếc bánh rồi gặm nhấm, rồi nhấp môi một chút trà, mong sao chống chọi được với cơn thèm ngủ quái quỷ. Lúc đó cảnh diễn đang hồi sôi động: nhân vật quân vương tức tối với hai vị quan, ông la lối, ông khoa tay múa chân, ông vỗ mạnh lên bàn đe nẹt hai vị quan tội nghiệp, đang run rẩy và chẳng dám hé môi. Đủ loại tiền rơi vãi trên sân khấu để thưởng cho con hát, là dấu hiệu sự hài lòng của những khán giả hoàng tộc. Nhiều khán giả trong cơn tột cùng cảm xúc quên mất sự hiện diện của nhà vua, đã vui sướng giậm chân, xoa tay và tỏ sự hâm mộ với những cử chỉ bằng đầu nhắm đến người đóng vai chính. Tất cả đều chăm chú dõi theo cảnh căng thẳng đang được diễn xuất rất thành công trên sân khấu. Trừ một khán giả: trừ tôi ra vì mắt trĩu nặng không sao chống lại được cơn buồn ngủ. Mắt tôi mờ tịt đi, tai tôi đặc sệt, rồi cứ thế tôi chìm vào giấc nồng!
Ghi chú của người dịch: Guillaume Tell, có lẽ tác giả muốn nói đến vở opéra nổi tiếng cùng tên của Gioachino Rossini (Ý), chuyển thể từ một vở kịch của F.Schiller. Obéron (hay Aubéron) là tên của vị chúa của các tiên, trở thành một nhân vật hay xuất hiện trong các vở kịch từ thời Trung cổ ở châu Âu, về sau cũng là một nhân vật trong vở kịch Giấc mộng đêm hè nổi tiếng của Shakespeare. Ở đây, cũng có một lưu ý nhỏ, Thanh Phong đường là tiền thân của Duyệt Thị đường (có từ năm 1826), được dựng nên vào tháng 3 năm Ất Sửu (1805), cùng trường lang tả hữu, các sở nhà vuông (phương gia), hành lang bên (dực lang), kho nội (nội tàng).
(Theo Đại Nam thực lục – Quốc sử quán triều Nguyễn, tập I, tr.628)

Michel Đức Chaigneau

 

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch – NXB Thuận Hoá, Huế, 2016)