10/01/2025

Báo động nguy cơ vỡ thềm băng Nam cực

Đội ngũ chuyên gia đang theo dõi sát vết nứt chạy dọc thềm băng nổi Nam cực là Larsen C vừa lên tiếng cảnh báo thế giới có thể sắp xuất hiện một trong 3 tảng băng trôi lớn nhất thế giới trong lịch sử khoa học.

Báo động nguy cơ vỡ thềm băng Nam cực

Đội ngũ chuyên gia đang theo dõi sát vết nứt chạy dọc thềm băng nổi Nam cực là Larsen C vừa lên tiếng cảnh báo thế giới có thể sắp xuất hiện một trong 3 tảng băng trôi lớn nhất thế giới trong lịch sử khoa học.



Cận cảnh đường nứt trên thềm băng Larsen C

 /// Ảnh: NASA

 

Cận cảnh đường nứt trên thềm băng Larsen CẢNH: NASA

 

Các nhà khoa học phát hiện vết nứt trên Larsen C đột ngột kéo dài thêm 18 km trong 15 ngày cuối tháng 12. Điều này có nghĩa là hai mảng chỉ còn kết nối khoảng 20 km trước khi tách hẳn. Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà nghiên cứu tham gia dự án MIDAS cho biết phần băng đang đứng trước nguy cơ bị tách khỏi lục địa băng giá có diện tích hơn 5.000 km2, tức gấp 80 lần diện tích Manhattan (New York, Mỹ), hoặc cả lãnh thổ Trinidad và Tobago.
Đáng quan ngại hơn là chuyện được dự kiến sẽ tiếp diễn sau đó: Larsen C có thể đối mặt nguy cơ bị tan rã trên diện rộng, theo nghiên cứu của Tổ chức Khảo sát Nam cực Anh (BAS) và các đối tác.
“Tôi sẽ thực sự ngạc nhiên nếu nó không tách ra trong vài tháng tới”, theo Đài BBC dẫn lời trưởng dự án Adrian Luckman của Đại học Swansea thuộc Xứ Wales. Còn Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia Andrew Fleming của BAS cho hay thềm băng đang tan dưới tác động kết hợp giữa không khí ấm lên ở bên trên và nước biển ấm dần bên dưới. Thông tin gây sốc này đã được công bố vài ngày sau khi một báo cáo mới cho rằng những thay đổi xung quanh Nam cực đang phản ánh tình trạng cách đây 14.000 năm. Chuyên san Scientific Reports dẫn cảnh báo của các nhà khí tượng Úc và New Zealand cho biết mực nước biển lúc đó đã dâng lên 3 m trên toàn cầu. Trưởng nhóm Chris Fogwill kết luận có vẻ như tình trạng ấm lên toàn cầu đang tái diễn những điều kiện trong quá khứ, kích hoạt những thay đổi lớn lao đối với thềm băng ở Nam cực.
Dù sự sụp đổ của Larsen C không ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng của mực nước biển, nhưng các thềm băng đóng vai trò níu giữ một khối lượng băng cực lớn, ngăn chúng tiến vào và hoà tan trong đại dương, khiến mực nước biển dâng lên. Hai ví dụ rõ ràng trước đó là thềm băng Larsen A bị phá huỷ vào năm 1995 và kế đến là Larsen B năm 2002. Trong trường hợp Larsen B, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) so sánh sự kiện này đã làm thay đổi đột ngột môi trường toàn cầu giống như trường hợp “một chiếc ô tô tăng tốc từ 88 lên 708 km/giờ”.

 

Phi Yến