01/11/2024

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những món ăn lạ lùng

Gian phòng chúng tôi đang ngồi là một phòng lớn hình vuông, nơi làm việc của gia chủ vừa là phòng khách vừa là phòng ăn.

 

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những món ăn lạ lùng

Gian phòng chúng tôi đang ngồi là một phòng lớn hình vuông, nơi làm việc của gia chủ vừa là phòng khách vừa là phòng ăn.



Gánh hàng rong ở Huế xưa  /// Ảnh: Tư liệu

 

Gánh hàng rong ở Huế xưaẢNH: TƯ LIỆU

Một cái phản làm bằng gỗ thường chiếm hết nửa gian phòng, trước mặt là một cái bàn bằng gỗ kiền đen láng. Còn nhiều cái bàn kích cỡ khác nhau được đặt dọc theo bức tường ở cuối phòng, trên đó có nhiều chồng sách, hộp thuốc, nghiên mực, bút lông và giấy.
Trên các vách làm bằng gỗ mít màu vàng, có thể thấy chỗ này chỗ kia vài tấm giấy màu đỏ hay màu trắng với những hình vẽ thô kệch về bản xứ hay Trung Hoa, hay đơn giản chỉ có vài chữ Hán.
Vài chiếc chiếu được trải ra phản và nhiều món đồ ngon ngọt của xứ An Nam và Trung Hoa được bày ra trong các đĩa lớn bằng sứ Tàu: quả hồng khô, táo, chuối, cam, khoai lang, mứt gừng, mứt cà chua, mứt cam, bánh quy (giống như loại bánh gọi là kiểu vùng Savoie), ngon không thua gì bánh mứt của Pháp.
Nhộng tằm và trứng vịt lộn
Một lát sau khi chúng tôi vào nhà, một bà giúp việc to béo mang ra một mâm đồng lớn trên đó có ba tô cháo cá và hai đĩa thức ăn: một đĩa nhộng tằm nấu chín có nêm và một đĩa đựng trứng lộn. Một trong hai cô con gái dự bữa ăn đặt bên cạnh cha mình một lọ bằng sứ hình trái bầu đựng rượu trắng có vị thơm và ba chiếc tách nhỏ bằng sứ.
Và rồi gia chủ mời chúng tôi dùng bữa ăn đạm bạc thân tình. Hai vị thâm nho nhấm nháp ngay món nhộng tằm, dùng đôi đũa gắp liền nhiều con một lần, đưa vào miệng không hề sót con nào, rồi lại nhấp hết một tách rượu trắng. Họ mời tôi dùng thử món nhộng nhưng thú thật là tôi chưa bao giờ hợp khẩu vị với món này, cả món trứng lộn cũng vậy. Tôi chỉ dùng món cháo thật ngon và vài thứ trái cây.
Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những món ăn lạ lùng - ảnh 1

Một góc chợ Huế xưaẢNH: TƯ LIỆU

Sau món thứ nhất, hai thầy lại bắt tiếp sang món thứ hai: mỗi vị nhẹ tay đập ra một trứng lộn trong đĩa bằng của mình và trút ra hết không để sót lại chút gì. Họ cầm tách ra từ sinh vật vừa mới thành hình từng cái cánh, từng đùi nhỏ, nhổ lông tơ, chấm nhẹ vào muối và đưa vào miệng kèm theo một hạt tiêu (thông thường thì trước nay, phong tục và thói quen phổ biến của người Huế là sau khi bóc vỏ một phần, họ đưa ngay vào miệng và ăn nguyên hoặc một nửa cái trứng lộn để đôi mắt không phải nhìn rõ tất cả như mô tả của tác giả ở đây – ND). Khi cái trứng thứ nhất đã an vị trong dạ dày thì hai vị sành ăn lại bắt tay vào trứng thứ hai, sau khi đã nhấp thêm chén rượu trắng để đưa mồi.
Những phút ban đầu khi gặp lại nhau, hai thầy còn giữ vẻ hơi khách sáo, giờ thì hai thầy rũ bỏ nghi thức để thoải mái chuyện trò thân mật hơn. Cuộc trò chuyện mỗi lúc lại bội phần hưng phấn, thế nhưng vẫn luôn luôn giữ đúng mực.
Sau bữa ăn nhẹ, người nhà lại mang ra cho mỗi chúng tôi một bát trà lớn không đường, cùng lúc đó đem ra cho người hầu chúng tôi những thức ăn còn lại. Người hầu sung sướng nhận lấy để thưởng thức dù trước đó đã ăn rất nhiều hoa trái dại từ rừng trên đường đi dạo.
Để hai vị thầy đàm đạo với nhau, tôi theo chân hai nữ tu ra dạo một vòng ngoài vườn, hai cô không thôi hỏi han chăm sóc cho tôi. Khi tôi trở vào nhà thì cũng là lúc chúng tôi xin cáo từ những vị chủ nhân hết sức hiếu khách. Họ tiễn chúng tôi đến tận cây cầu. Sau vài lời trao đổi thân thương, chúng tôi phải chia tay trong tiếc nuối và hẹn nhau một dịp khác.
Cáo từ gia chủ, chúng tôi quay trở ra con đường dẫn vào làng, rời xa bên trái nơi có một tu viện để men theo khe suối với dòng nước trong trẻo: có nơi thì đổ ào ạt như thác, nơi lại chảy róc rách để cuối cùng đổ ra sông. Sau khi nấn ná đôi chút ở bên khe suối, chúng tôi từng bước rời xa làng và rồi thấy thấp thoáng đỉnh cao nơi khu vực thường tổ chức lễ tế trời (đàn Nam Giao – ND).

Michel Đức Chaigneau

 

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch – NXB Thuận Hoá, Huế, 2016)