29/11/2024

Thiên tài biến mất vì can thiệp gien?

Những tiến bộ trong kỹ thuật gien di truyền một ngày nào đó hứa hẹn loại trừ những căn bệnh như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt, nhưng đồng thời cũng có thể xoá sổ thiên tài.

 

Thiên tài biến mất vì can thiệp gien?

Những tiến bộ trong kỹ thuật gien di truyền một ngày nào đó hứa hẹn loại trừ những căn bệnh như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt, nhưng đồng thời cũng có thể xoá sổ thiên tài.




Mô phỏng kỹ thuật CRISPR-Cas9  /// Ảnh: Shutterstock

Mô phỏng kỹ thuật CRISPR-Cas9ẢNH: SHUTTERSTOCK

Viễn cảnh kiến thiết và chỉnh sửa gien đang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây nhờ vào khả năng loại trừ các căn bệnh thể chất lẫn tâm thần do di truyền, như ung thư và rối loạn lưỡng cực.
Tuy nhiên, tiến sĩ Jim Kozubek, nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Trường Y của Đại học Harvard (Mỹ), cảnh báo sự xuất hiện của các kỹ thuật kiến thiết gien còn có thể đẩy nhân loại đến nguy cơ thiếu hụt thiên tài, có nghĩa là các thế hệ Shakespeare hoặc Einstein tương lai sẽ biến mất. Lời cảnh báo của tiến sĩ Kozubek được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị các cuộc thử nghiệm kỹ thuật Crispr-Cas9 trên diện rộng, với một số trường hợp nhằm đảm bảo những căn bệnh di truyền không xuất hiện ở các thế hệ kế tiếp, theo báo The Telegraph.
Kiến thiết gien là trào lưu nóng
CRISPR-Cas9 là công cụ được dùng để chỉnh sửa một cách chính xác những đoạn mong muốn trên ADN. Vào tháng 11, một nam bệnh nhân ở Trung Quốc đã trở thành người đầu tiên được tiêm tế bào hệ miễn dịch đã chỉnh sửa nhằm chống chọi căn bệnh ung thư phổi. Trước đó một năm, các nhà khoa học tại Bệnh viện Great Ormond Street và Đại học Cao đẳng London (Anh) đã hợp tác sử dụng một kỹ thuật can thiệp gien di truyền gọi là TALEN để tạo ra các tế bào miễn dịch có thể loại trừ bệnh máu trắng ở bé gái 17 tháng tuổi. Cuộc thí nghiệm được xem là độc nhất vô nhị vào lúc đó, do kỹ thuật như vậy chưa từng được thử nghiệm ở người. Các bác sĩ điều trị phải nộp đơn xin phép khẩn cấp lên cơ quan y tế và giới lãnh đạo bệnh viện để thực hiện liệu pháp gây tranh cãi này.
Trong khi thế giới háo hức theo dõi những diễn biến mới nhất về lĩnh vực can thiệp gien, tiến sĩ Kozubek cho rằng không phải trị được ung thư hoặc bệnh tâm thần theo cách này là dấu hiệu hoàn toàn tích cực. Trí thông minh được liệt vào ngưỡng thiên tài, như thường xuất hiện ở các nhà phát minh, nhà văn, nghệ sĩ và chuyên viên viết mã phần mềm, lại có khuynh hướng đối mặt với nguy cơ cao gấp 10 lần mắc các bệnh tâm thần như rối loạn lưỡng cực, so với những người có chỉ số thông minh bình thường. Trong khi đó, nguy cơ ở các nhà thơ lại cao gấp 40 lần. Chẳng hạn, nhà phát minh số 1 trong lịch sử Mỹ là Thomas Edison từng lâm vào tình trạng quẫn trí và bị đuổi học. Còn Tennessee Williams, một trong ba nhà soạn kịch lỗi lạc nhất của Mỹ ở thế kỷ 20, suýt nữa thì nổi điên.
Tiến sĩ Kozubek chỉ ra giới khoa học có khuynh hướng cho rằng những sự khác nhau và biến đổi trong cuộc sống là các vấn đề cần được giải quyết, giống như những sự chệch hướng và bất thường vượt ngoài sự phát triển bình thường. “Trên thực tế, cha đẻ của thuyết tiến hoá Charles Darwin chứng tỏ cho chúng ta thấy quá trình phát triển của vạn vật không phải lúc nào cũng hướng đến một khái niệm hoặc mô hình lý tưởng, mà thay vào đó là những công trình chắp vá nhằm thích nghi với những môi trường thích hợp ở từng địa phương”, theo chuyên gia Mỹ. Cũng như thế, những sự biến đổi gien, một phần trong số đó chịu trách nhiệm cho các rối loạn tâm thần, nhưng lại mang đến những ích lợi về khoản sáng tạo.

 

Phi Yến