CN VI TN B: Đến với Chúa để được chữa lành
Tình trạng “ô uế” có thể lây từ người này sang người khác, nhưng không thể lây nhiễm và gây hại cho Đức Giêsu, vì lòng xót thương hải hà của Đức Giêsu đã đẩy lui rào cản ngăn cách, xoá tan đi tất cả những gì là ô uế nơi con người, tình thương của Đức Giêsu mạnh hơn quyền lực của bệnh tật, ô uế và sự chết.
CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
“‘Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh’. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch” (Mc 1,41-42).
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Lv 13,1-2.44-46
Bộ Ngũ Thư làm nổi bật hai yếu tố nền tảng để xác định căn tính của Israel. Đó là:
1) Israel là con cháu của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop;
2) Israel là Dân của Giao Ước do Thiên Chúa thiết lập qua Môsê tại núi Sinai. Do đó, Israel sẽ là Dân tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa và thờ phượng Người phù hợp với Lề Luật được trình bày trong Ngũ Thư. Vì thế, Ngũ Thư mới được gọi là “Lề Luật/Torah”, là “Kim chỉ nam” cho toàn bộ đời sống dân Israel. Về cơ bản, Ngũ Thư chuyển tải ba bộ luật chính: Bộ luật về Giao ước (Xh 20,22‒23,19), Bộ luật về Sự Thánh thiện (Lv 17‒26), và Bộ luật Đệ Nhị Luật (Đnl 12‒26), cùng với Luật về sự thanh sạch và ô uế (Lv 11-16) và các bản luật ngắn: bản văn về Mười Điều Răn (Xh 20,2-17), một bản văn khác về Mười Điều Răn (Đnl 5,6-21), và bản văn về “những chỉ dẫn về đặc quyền của Đức Chúa” (Xh 34,10-26). Lề Luật hàm chứa tất cả lãnh vực của cuộc sống, và được qui về ba lãnh vực chính yếu: Pháp lý (ius), Luân lý (ethos), và Phụng tự (cultus).
Sách Lêvi là quyển thứ ba trong bộ Ngũ Thư, bao gồm Bộ luật về sự Thánh thiện, và Luật về sự Thanh sạch và ô uế. Bài đọc I nằm trong Bộ luật Thanh sạch và ô uế; cụ thể hơn, nằm ở chương 13 và 14 là hai chương bàn đến “bệnh phung hủi”, được xem là bệnh ô uế nơi người và sự vật. Luật quy định rằng các vị tư tế chịu trách nhiệm xác định bệnh. Sau 7 ngày, tư tế sẽ tiến hành kiểm tra bệnh lần nữa, và tư tế sẽ tuyên bố người đó có bị bệnh phung hủi hay không. Nếu người đó bị bệnh phung hủi, tức bị ô uế, thì Luật Do thái buộc người phung hủi phải sống xa cách Đức Chúa, tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Họ cũng giữ như thế vì không muốn làm lây nhiễm ô uế đến người khác. Người phung hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu, và kêu lên :“Ô uế, ô uế”. Đó là những dấu chỉ diễn tả nỗi đau thương, tang tóc. Vì bị bệnh nan y, vô phương cứu chữa vào thời đó, nên người phung hủi sống nhưng mất đi phẩm giá làm người. Họ bị xem và tự xem mình như thể đã chết rồi. Họ rất đau đớn thể xác vì các triệu chứng bệnh lý gây ra, nhưng nhất là chịu đau khổ về tinh thần, vì chịu người ta xem họ như bị Đức Chúa trừng phạt do phạm tội lỗi nặng nề nào đó.
2. Bài đọc 2: 1Cr 10,31-11,1
Bài đọc 2 trích 1Cr 10,31-11,1, là đoạn kết của đoạn văn bàn đến vấn đề “ăn thịt cúng và những mối nguy hiểm từ việc thờ ngẫu tượng” (1Cr 8,1-11,1). Ở 1Cr 8,1-13, bản văn cho biết vì các Kitô hữu Côrintô sống trong môi trường với dân ngoại, nên có chuyện ăn thịt cúng trong các tiệc tùng do thân hữu khoản đãi hoặc trong các đền miếu. Có lẽ có một số người lý luận rằng chỉ tin một Thiên Chúa, không có ngẫu tượng nào khác, nên ăn thịt cúng là không có tội (1Cr 8,1-6). Tuy nhiên, việc ăn thịt cúng sẽ thành cớ vấp phạm khiến những anh em có lương tâm yếu đuối phải sa ngã, vì họ cho rằng ăn thịt cúng là thông hiệp với ngẫu tượng.
Trong 1Cr 10,1-13, Phaolô đã nhắc lại gương xấu của Israel về việc sa cám dỗ thờ ngẫu tượng để khuyên các tín hữu không nên ăn đồ cúng kẻo lại rơi vào nguy hiểm thờ ngẫu tượng như Israel xưa. Từ những gương xấu trên, Phaolô đã đưa ra những chỉ dẫn thực hành: xét về nguyên tắc, ăn thịt cúng cũng là một cách thoả hiệp với ngẫu tượng. Các tín hữu Côrintô đã được nuôi dưỡng bằng Bàn tiệc của Chúa, hiệp thông với thân mình Đức Giêsu, sao họ lại có thể ăn thịt cúng, như là dấu chỉ hiệp thông với ma quỷ và ngẫu tượng (1Cr 10,14-22).
Để kết luận cho phần khuyên nhủ đừng ăn thịt cúng, qua đoạn bài đọc chúng ta vừa nghe ở 1Cr 10,31‒11,1, thánh Phaolô nhắc các tín hữu 3 điều cụ thể sau đây:
1/ Dù làm việc gì, người tín hữu hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa (x. 1Cr 10,31);
2/ Các tín hữu đừng làm gương xấu cho bất cứ ai (x. 1Cr 10,32);
3/ Các tín hữu hãy noi gương các vị thánh trong Hội Thánh, nhưng Đức Kitô mới là mẫu gương tuyệt vời nhất để họ noi theo (x. 1Cr 11,1).
Từ những nguyên tắc đó, thánh Phaolô khuyên các tín hữu cần biết hy sinh mọi thứ để sống đúng tư cách là Kitô hữu. Khi các tín hữu không sống các giá trị Tin Mừng, ngược lại còn làm gương mù gương xấu, thì họ đang bị một dạng phung hủi nào đó và làm lây nhiễm ô uế đến người khác.
3. Bài Tin Mừng: Mc 1,40-45
Trong Bài đọc I trích sách Lê vi, người phung hủi bị buộc phải sống xa cách Đức Chúa, tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn, và họ cũng giữ như thế vì không muốn làm lây nhiễm ô uế đến người khác. Thế nhưng trong Bài Tin Mừng lại có người phung hủi dám đến với Đức Giêsu vì tin Người không chỉ có khả năng “miễn nhiễm” ô uế, mà còn có năng quyền chữa lành cho anh. Anh quỳ xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c. 40b). Đó là tâm tình của một người khiêm hạ nhưng đầy tin tưởng và hy vọng. Anh dám nói lên ước vọng được chữa lành của mình, nhưng cũng để Đức Giêsu tự do quyết định điều Người cần làm.
Đức Giêsu “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!’” (c. 41). Theo Luật Do thái, chạm vào người phung hủi đồng nghĩa với việc Đức Giêsu dám tiếp nhận sự ô uế vào mình. Đức Giêsu biết điều đó, nhưng vì là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, Người gánh lấy bao nỗi đau khổ và bệnh tật, ô uế và tội lỗi của nhân loại để con người được sống đúng phẩm giá, trở nên “thanh sạch”, không bị loại trừ, hầu được tái hoà nhập với cộng đoàn. Tình trạng “ô uế” có thể lây từ người này sang người khác, nhưng không thể lây nhiễm và gây hại cho Đức Giêsu, vì lòng xót thương hải hà của Đức Giêsu đã đẩy lui rào cản ngăn cách, xoá tan đi tất cả những gì là ô uế nơi con người, tình thương của Đức Giêsu mạnh hơn quyền lực của bệnh tật, ô uế và sự chết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Bệnh phung hủi làm cho người ta phải sống xa cách Đức Chúa, tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn. Có “chứng bệnh phung hủi” nào đó về tinh thần đang khiến tôi phải xa cách Chúa, và tách biệt khỏi cộng đoàn đức tin? Có “chứng bệnh” nào đó khiến tôi cảm thấy mình đau khổ quá mức, như thể đã chết?
2. Nếu người bị bệnh phung hủi chủ động đến với Đức Giêsu để được Người chạm vào với ước mong được chữa lành, vậy tôi có dám chủ động đến với Đức Giêsu để được Người chạm vào thân thể tôi, chạm vào cõi lòng của tôi để chữa lành các “bệnh tật” thể lý cũng như tâm linh trong cuộc sống của tôi?
3. Nếu tôi cảm nhận được sự chữa lành từ Thiên Chúa, thì tôi có dám vượt ra khỏi chính mình, ra khỏi sự ích kỷ để hướng tới tha nhân, chạm vào “sự ô uế” của người khác với ước mong góp phần chữa lành vết thương trong cuộc đời của của họ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để thanh tẩy và chữa lành hầu cứu độ mọi người. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh và cộng đồng nhân loại:
1. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và đưa tay đặt trên người bệnh phong. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, hàng Giám mục và Linh mục trong Hội Thánh, luôn là dấu chỉ sống động của lòng Chúa thương xót trước nỗi đau của con người.
2. Người bệnh phong van xin Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ nơi thân xác hay tâm hồn ở khắp nơi trên thế giới, biết tin tưởng tìm đến với Chúa Giêsu để được Người chữa lành và an ủi.
3. Chúa nói với người bệnh: “Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật truyền”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu khi đón nhận muôn ân huệ của Thiên Chúa cũng luôn biết sống tâm tình tạ ơn cho xứng đáng qua bổn phận thờ phượng và tuân giữ lề luật.
4. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết tích cực góp phần canh tân đời sống cộng đoàn bằng một đời sống thánh thiện và dấn thân phục vụ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha và là Đấng cứu độ nhân loại, xin lắng nghe và chúc lành cho những ước nguyện của cộng đoàn chúng con, giúp chúng con luôn sống xứng đáng trong tư cách là nghĩa tử của Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.