Lấy mẫu rau, cá gần khu vực cháy Công ty Rạng Đông để xét nghiệm
Sáng 31-8, Bệnh viện Bạch Mai thông báo chưa tìm thấy thuỷ ngân trong kết quả xét nghiệm máu của 11/12 người đầu tiên sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Hiện đang có nhiều thông tin cho thấy có sự bất nhất từ cơ quan chức năng.
Lấy mẫu rau, cá gần khu vực cháy Công ty Rạng Đông để xét nghiệm
Sáng 31-8, Bệnh viện Bạch Mai thông báo chưa tìm thấy thuỷ ngân trong kết quả xét nghiệm máu của 11/12 người đầu tiên sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Hiện đang có nhiều thông tin cho thấy có sự bất nhất từ cơ quan chức năng.
Trong ngày 30-8, đã có thêm một số người dân sống gần khu vực xảy ra cháy và lính cứu hỏa tham gia dập lửa đến làm xét nghiệm (ngoài 10 phóng viên và 2 người dân đến từ sáng 30-8 và đã có kết quả xét nghiệm như trên).
Bệnh viện Bạch Mai cho biết sẽ sớm thông báo kết quả những mẫu xét nghiệm mới.
Trả lời về lý do không tìm thấy thuỷ ngân trong mẫu máu nhưng 12 người này vẫn gặp các triệu chứng của người hít khói có chứa thuỷ ngân như đau đầu, chóng mặt, nôn ói, cay mắt, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho rằng trong những đám cháy như vậy có nhiều vật liệu khác, hít phải khói có nhựa cháy và các nguyên liệu này đều gây tình trạng kích ứng mắt, mũi, đau đầu…
Vội vã công bố, thu hồi rồi lại công bố
Trả lời Tuổi Trẻ Online tối 30-8, TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết viện đã lấy 15 mẫu đất, nước, không khí trong khu vực.
Đã có kết quả kiểm tra nhanh không khí nhưng kết quả này cũng chưa nói lên điều gì do những ngày sau vụ cháy có 2-3 trận mưa rất to.
Mẫu đất và nước cần 4-5 ngày mới cho kết quả vì phải làm trong phòng thí nghiệm. Việc công bố các kết quả và khuyến cáo tiếp theo cho người dân cần có cơ sở khoa học.
Tuy nhiên báo cáo tính đến 16h30 ngày 30-8 của UBND quận Thanh Xuân lại cho biết Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và đều cho kết quả bình thường.
Kiểm tra nhanh của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường về các chỉ số chì, kim loại nặng cũng cho thấy trong ngưỡng cho phép.
Cũng trong ngày 30-8, những khuyến cáo đầu tiên về sức khỏe người dân trong khu vực của UBND phường Hạ Đình được thu hồi sau một ngày ban hành.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội thì chưa có quy định về việc cấp phường được khuyến cáo đến mức độ nào. Việc cấp phường khuyến cáo khi chưa có cơ sở là vội.
Khi Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đang kiểm tra các mẫu trong phòng thí nghiệm, UBND quận Thanh Xuân lại vội công bố kết quả kiểm tra nhanh (với những mẫu mà ông viện phó đã nói phải làm trong phòng thí nghiệm mới chính xác) thì có phải là vội vã lại nối tiếp vội vã.
Phường làm vội nhưng vì chưa có cơ sở khoa học nên gây hoang mang, quận lại vội vã “dập lửa”, lại tiếp tục gây hoang mang, người dân không biết tin vào cơ quan nào.
Trong lúc đó, mạng xã hội chia sẻ nhiều “lời khuyên” phải tạm lánh khỏi khu vực lân cận vụ cháy, khiến nhiều gia đình bồng bế nhau đi khắp nơi ở tạm để đảm bảo an toàn.
Sẽ lấy mẫu rau, cá trong khu vực để xét nghiệm
Dù Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã sử dụng từ ngữ thay thế là “amalgam” cho loại nguyên liệu công ty sử dụng từ 2016 đến nay, nhưng bản chất vẫn là thủy ngân và được đưa vào bóng đèn.
Việc hàng triệu bóng đèn bị cháy, lượng thuỷ ngân bốc hơi không phải là nhỏ, trong khi theo ông Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thủy ngân gây nguy hiểm nhất khi bị hun nóng và bốc hơi.
Ngày 31-8, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội sẽ lấy mẫu rau, cá trong khu vực để xét nghiệm.
Tuy nhiên việc nhiều thông báo có phần vội vã trong những ngày qua đã khiến người dân không chờ những kết quả này mà tự tìm cách giải quyết bằng cách tạm lánh khỏi nhà.
Lúc này rất cần một cơ quan khoa học, có vai trò điều phối các hoạt động tìm kiếm nguyên nhân, đánh giá tình trạng môi trường, có kết qủa sớm và nghiêm túc để thông báo cho người dân.
“Vài ngày sau vụ cháy chưa thấy vấn đề gì, 10 năm sau thấy thì ai chịu trách nhiệm, nên xem các nước họ giải quyết các vụ khủng hoảng tương tự bằng cách nào”- một chuyên gia y tế nói với Tuổi Trẻ Online.