26/11/2024

Giáo Hội tại Đảo Maurice chờ đợi ĐTC Phanxicô

Chỉ còn vài ngày nữa, ĐTC Phanxicô sẽ lên đường viếng thăm mục vụ tại 3 nước ở mạn nam Phi châu từ 4 đến 10-9-2019, đó là Mozambique, Madagascar và Maurice. Chặng thứ ba này cách thủ đô Madagascar hơn 1.000 cây số.

 Giáo Hội tại Đảo Maurice chờ đợi ĐTC Phanxicô

 

 
Chỉ còn vài ngày nữa, ĐTC Phanxicô sẽ lên đường viếng thăm mục vụ tại 3 nước ở mạn nam Phi châu từ 4 đến 10-9-2019, đó là Mozambique, Madagascar và Maurice. Chặng thứ ba này cách thủ đô Madagascar hơn 1.000 cây số.

Chương trình đại cương

Theo chương trình sáng thứ hai 9-9, ĐTC sẽ từ thủ đô Antananarivo của Madagascar bay đến Port-Louis, thủ phủ đảo Maurice trong Ấn Độ Dương. Sau nghi thức đón tiếp tại phi trường, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại khu vực Đài Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình. Ban trưa, ĐTC dùng bữa với các GM thuộc HĐGM Ấn Độ Dương, rồi lúc 4 giờ 30, ngài đến cầu nguyện tại mộ Chân phước Jacques Désiré Laval (1803-1864), thừa sai người Pháp, Dòng Chúa Thánh Thần, tại đảo Maurice, được phong chân phước năm 1979. Sau cùng, lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC sẽ viếng thăm Tổng thống và rồi hội kiến với Thủ tướng Maurice, trước khi gặp các giới chức chính quyền, đại diện xã hội và ngoại giao đoàn. Tiếp đến, ĐTC bay trở lại thủ đô của Đảo Madagascar để qua đêm, trước khi lên đường sáng hôm sau, lúc 9 giờ ngày thứ ba 10-9 để bay trở về Roma, dự kiến vào lúc 7 giờ chiều cùng ngày.

Vài nét về đất nước và Giáo hội Công giáo tại Maurice

Maurice, hay Mauritius, từng là thuộc địa của Hoà Lan, rồi thuộc Pháp và Anh quốc. Quần đảo này rộng hơn 1.880 cây số vuông, với gần 2 triệu dân cư, thuộc nhiều chủng tộc, văn hoá và ngôn ngữ, phần lớn là những người lai, do các chủng tộc Á châu và Phi châu kết hợp lại.
 
Về phương diện Giáo Hội, Maurice có 311.000 tín hữu Công giáo, họp thành một giáo phận duy nhất, Port-Louis, do ĐHY Maurice Piat, 78 tuổi, Dòng Thừa sai Chúa Thánh Thần, coi sóc. Giáo phận có khoảng 90 LM, trong đó có 46 LM giáo phận và 44 LM dòng, coi sóc 38 giáo xứ, với sự cộng tác của 64 tu huynh và 175 nữ tu.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Maurice, sau cuộc viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II cách đây 30 năm.

Cuộc viếng thăm ngắn ngủi nhưng khẩn trương

Cha Georgy Kenny, Cha sở Giáo xứ Thánh Pierre và cũng là trưởng ban điều hợp cuộc viếng thăm của ĐTC tại Maurice, cho biết cuộc viếng thăm của ngài tuy ngắn ngủi, từ trưa đến chiều, nhưng rất khẩn trương. Chủ đề được chọn cho cuộc viếng thăm là “Người lữ hành hoà bình”. Ngày ĐTC đến Maurice trùng vào cuộc hành hương tại mộ Chân phước Laval, Tông đồ tại Đảo Maurice. Cha nói: “Không phải chúng tôi chọn ngày ĐTC viếng thăm. Toà Thánh thông báo cho chúng tôi ĐTC viếng thăm miền nam Phi châu và ngày 9-9 ngài sẽ đến Maurice. Đây là một sự trùng hợp tình cờ rất tốt đẹp, vì đúng vào ngày qua đời của cha Laval: 9 tháng 9 năm 1863.”

Lữ hành hoà bình


ĐTC Phanxicô là người lữ hành hoà bình vì những nơi mà ngài đi qua, ngài đều muốn xây dựng hoà bình. Đó là một cách thức làm nổi bật khuôn mặt của Cha Laval, cũng là một vị thừa sai hoà bình. Khi giúp người da đen tại đảo này đón nhận Tin Mừng và được giáo dục, Cha trao cho họ một số trách nhiệm trong hoạt động truyền giáo của cha, cha làm cho dân chúng tăng trưởng trong phẩm gia. ĐGH Phanxicô, cũng như Cha Laval, một môn đệ thừa sai, làm việc cho công lý và sự tôn trọng nhân phẩm. Đó là hai hình ảnh mà ban tổ chức mời gọi nhân dân Đảo Maurice khám phá trong cuộc viếng thăm của ĐGH.

Chuẩn bị thánh lễ của ĐTC

Để chuẩn bị thánh lễ ĐTC, một ban tổ chức được hình thành với 23 tiểu ban lo về thánh lễ, và 11 tiểu ban còn lại lo về những khía cạnh khác, mỗi tiểu ban gồm vài chục người đến từ các giáo xứ và các hội đoàn. Chẳng hạn lo cho thánh lễ của ĐTC có 750 người phụ trách việc đón tiếp, 500 người cho rước lễ, 200 hướng đạo sinh, 200 ca viên của ca đoàn, tổng cộng đã tới 2.000 người.

Vài nét nổi bật của Cha Laval

Cũng nên nói thêm vài nét về Chân phước LM Jacques Désiré Laval, thuộc Dòng Thừa Sai Chúa Thánh Thần, tận tuỵ làm việc truyền giáo 23 năm tại Đảo Maurice.

Sinh tại miền Normandie bên Pháp năm 1803, Jacques Désiré Laval mồ côi mẹ rất sớm. Năm 21 tuổi, Laval bắt đầu học y khoa tại Paris và đậu bác sĩ 5 năm sau đó, 1830. Trong thời kỳ ấy, Laval không siêng năng sống đạo bao nhiêu, giống như nhiều thanh niên khác, nhưng sau khi tốt nghiệp y khoa, Jacques Désiré Laval thường quảng đại viếng thăm và săn sóc các bệnh nhân nghèo ở miền Normandie mà không đòi một đồng thù lao nào. Năm 1835, khi được 32 tuổi, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Bác sĩ Laval tuyên bố sẽ gia nhập chủng viện và đã thụ phong linh mục 3 năm sau đó.

Đến truyền giáo tại Maurice

Năm 1941, Cha Laval đến Đảo Maurice và được giao phó sứ mạng truyền giáo và trợ giúp 80.000 người da đen tại đây, trong đó một nửa đã được rửa tội rồi. Họ là những người mù chữ và hoàn toàn bị bỏ rơi. Các LM khác tại đảo này hoàn toàn không quan tâm đến số phận của những người da đen ấy và cũng không trợ giúp Cha Laval.

Quả thực tình trạng tại Maurice bấy giờ thật là thê thảm: về mặt xã hội, nạn tham nhũng rất thịnh hành trong mọi tầng lớp dân chúng trên đảo. Còn về mặt tôn giáo, thì những người có đạo không hề lui tới nhà thờ và cũng chẳng thực hành đạo trong đời sống thường nhật.
 
Cha Laval làm cha phó Nhà thờ Chính toà Port Louis và ở trong một căn nhà bằng gỗ tồi tàn, bên cạnh nhà thờ thật nghèo nàn. Cha dốc tâm dấn thân vào công việc, ngày hoạt động, đêm cầu nguyện và hãm mình. Cha Laval cố gắng học tiếng bản xứ, một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malgache và nhiều yếu tố ngôn ngữ khác nữa. Cha bắt đầu tổ chức thánh lễ dành riêng cho các tín hữu da đen, và họ tuốn đến thật đông đảo. Cha tỏ ra thật kiên nhẫn trong việc thích ứng với trình độ của các tín hữu này, và cha thường nói: “Hai mầu nhiệm 7 bí tích, 10 giới răn Chúa, vậy là đủ cho các tín hữu da đen trong giai đoạn I.”

Làm tăng trưởng Giáo Hội

Khi Cha Laval đến Port Louis, thành phố này chỉ có 3 nhà thờ, kể cả nhà thờ chính toà. Nhưng khi cha qua đời, số nhà thờ đã tăng lên 50. Tiếng thăm thánh thiện và đạo đức, lòng nhiệt thành tông đồ của Cha Laval đã làm nhiều người có cảm tình với Giáo Hội và xin trở lại đạo. Trong 23 năm trời, Cha Laval tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo hơn 63.000 lương dân. Ngày nay số tín hữu Công giáo tại đảo Maurice lên tới 311.000 người.

Ngày 9-9-1863, Cha Laval qua đời vì kiệt lực, miệng cha còn kêu lên: “Tôi rất vui mừng vì đã tận hiến đời tôi cho những anh chị em nghèo khổ.” Cha Laval được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 29-4-1979 tức là cách đây 40 năm, đồng thời được tôn làm bổn mạng của Giáo Hội tại Maurice.
 
 
 

G. Trần Đức Anh OP